Trang ChủKim ÂuBáo ChíLưu TrữVấn ĐềChính Nghĩa ViệtĐà LạtThư QuánDịch ThuậtTự Điển

Tác Phẩm Chính Nghĩa BBC LONDON HISTORY AUSTRALIAN RFI PARIS Chân Thiện Mỹ Tác Giả

ESPN3BannerLottery

 

 

 

 

US Senator John McCain , Kim Âu Hà văn Sơn

NT Kiên , UCV Bob Barr, Kim Âu Hà văn Sơn

 

 

 

 

 

Nguyễn Thái Kiên , Kim Âu Hà văn Sơn, Cố vấn an ninh đặc biệt của Reagan-Tỷ phú Ross Perot,Tŕnh A Sám

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Lời thú tội của một Sát thủ Kinh tế

 

"Confessions of an Economic Hit Man"

  

Tác giả: John Perkins

 

 

PHẦN I: 1963-1971

Chương 1 Sát thủ ra đời

 

 

 

Câu chuyện bắt đầu thật tình cờ.       

Tôi sinh năm 1945, là con duy nhất trong một gia đình trung lưu. Cha mẹ tôi đều là dân gốc Bắc Mỹ, đã sinh sống ba đời ở bang New England. Sự khuôn phép, nghiêm khắc và lòng trung thành là dấu ấn mà tổ tiên hà khắc để lại trong họ qua nhiều thế hệ. Họ là những người đầu tiên trong gia đình đi học đại học bằng học bổng. Mẹ tôi là giáo viên dạy tiếng Latinh ở trường trung học. Trong Đại chiến Thế giới II, cha tôi tham gia quân đội, là đại úy hải quân, phụ trách đội pháo thủ bảo vệ thương thuyền chở dầu trên Đại Tây Dương. Khi tôi chào đời ở Hanlover, bang New Hanpshire, cha tôi vẫn đang nằm viện ở Texas vì bị gãy xương hông. Lên một tuổi tôi mới được gặp cha.       

 Sau đó, cha tôi dạy ngoại ngữ ở trường Tilton shool, một trường nội trú nam ở vùng ngoại ô New Hanpshire. Ngôi trường vươn mình kiêu hãnh ( hay ngạo nghễ theo như cách nói của dân địa phương)- trên một quả đồi, phía dưới là một thị trấn cũng cùng tên Tilton. Mỗi năm, trường tư này chỉ nhận 50 học sinh cho mỗi lớp từ lớp 9 đến lớp 12. Học sinh ở đây phần lớn là con cái của những gia đình giàu có từ Buenos Aires, Caracas, Boston và New York.       

 Nhà tôi luôn thiếu tiền, nhưng chúng tôi không bao giờ tự cho mình là nghèo. Mặc dù đồng lương giáo viên của bố mẹ tôi rất ít ỏi, nhưng tất cả nhu cầu thiết yếu của chúng tôi như thực phẩm, nhà ở, lò sưởi, nước, cắt cỏ hay dọn tuyết được cung cấp miễn phí. Từ lúc lên 4, tôi ăn ở bếp ăn nhà trường, nhặt bóng cho đội bóng mà cha tôi huấn luyện, được sử dụng khăn mặt ở phòng thay đồ.       

 Dù có tỏ ra khiêm tốn thì các giáo viên và vợ con họ vẫn coi mình thuộc tầng lớp cao quý hơn dân địa phương. Tôi từng nghe bố mẹ đùa rằng họ là chủ trang viên, cai quản những nông dân hèn kém - ý nói những người dân thị trấn. Tôi biết đó không chỉ đơn thuần là một câu đùa.       

 Các bạn học cấp I và cấp II của tôi thuộc tầng lớp nông dân đó. Chúng rất nghèo. Bố mẹ chúng là những người lao động chân lấm tay bùn, thợ xẻ gỗ hay thợ xay bột. Họ không ưa “ lũ học sinh trường tư” chúng tôi, và ngược lại, bố mẹ tôi cũng không thích tôi kết thân với những cô bạn thị trấn mà ông bà hay gọi là đồ “hư hỏng”. Nhưng từ hồi học lớp 1, tôi đã dùng chung sách giáo khoa và bút chì màu với mấy cô bạn trong lớp. Hồi đó, tồi phải lòng ba cô bạn: Ann, Priscilla và Judy. Vì vậy, khó mà chấp nhận quan điểm của cha mẹ tôi. Nhưng tôi vẫn tôn trọng ý muốn của họ.       

 Năm nào cũng vậy, cứ đến khi cha tôi được nghỉ hè ba tháng, chúng tôi lại đến ngôi nhà bên hồ do ông tôi xây vào năm 1921. ngôi nhà nằm giữa rừng. Vào ban đêm, chúng tôi có thể nghe thấy tiếng cú và tiếng sư tử núi. Ở đây, chúng tôi chẳng có hàng xóm láng giềng nào và tôi là đứa trẻ duy nhất. Khi còn nhỏ, tôi thường giả định rằng những cái cây trong rừng là hiệp sĩ Bàn Tròn và các thiếu nữ tên là Ann, Priscilla và Judy ( tùy từng năm) đang gặp nạn. Sự đam mê của tôi chắc chắn cũng mạnh mẽ như mối tình của Lancelot với Guilevere- và thậm chí còn nồng nàn hơn thế nhiều.       

 Mười bốn tuổi, tôi được nhận học bổng của trường Tilton School. Với sự khích lệ của cha mẹ, tôi từ bỏ mọi vương vấn nơi thị trấn và không còn gặp những người bạn thủa nào nữa. Khi những bạn mới của tôi trở về biệt thự của họ để nghỉ hè, tôi còn lại có một mình trên đồi. Họ có bạn gái mới; tôi thì chẳng có cô nào, tất cả những cô gái tôi biết đều là đồ “gái điếm”; tôi đã bỏ họ và họ cũng đã quên tôi. Tôi chỉ còn lại một mình- thất vọng tràn trề.       

Tuy nhiên, cha mẹ tôi thật giỏi trong việc điều khiển tôi. Họ quả quyết với tôi rằng tôi thật là may mắn khi có được một cơ hội tốt như vậy và một ngày nào đó, tôi sẽ biết ơn điều ấy. Tôi sẽ tìm được một người vợ hoàn hảo, một người phù hợp với những chuẩn mực đạo đức cao siêu của gia đình tôi. Dù thế, trong sâu thẳm, tôi sôi lên sùng sục. Tôi thèm muốn một người đàn bà- tình dục; tôi thậm chí còn nghĩ đến hạng gái điếm.       

Nhưng thay vì nổi loạn, tôi nén sâu nổi tức giận của mình, luôn cố tỏ ra xuất sắc trên mọi phương diện nhằm biểu lộ sự chán nản. Tôi là sinh viên danh dự, đội trưởng hai đội thể thao của trường và là tổng biên tập tờ báo tường của  trường. Tôi quyết làm bẽ mặt những lũ bạn học giàu có và xa rời thị trấn Tilton mãi mãi. Trong năm học cuối, tôi nhận được 2 học bổng toàn phần; một học bổng thể thao của trường Brown và một học bổng hàn lâm của trường Middlebury. Tôi chọn Brown, chủ yếu vì tôi muốn trở thành vận động viên- và vì nó ở thành phố. Nhưng vì mẹ tôi tốt nghiệp Middlebury và cha tôi học cao học ở đó, mặc dù trường Brown nằm trong tay Ivi League, họ thích Middlebury.       

Cha tôi hỏi: “Thế nhỡ con bị gẫy chân thì sao? Nhận học bổng hàn lâm là hơn con ạ.”

Theo tôi thì Middlebury cũng chỉ là hình ảnh phóng to của Tilton - dù nó có nằm ở ngoại ô Vermont thay vì ngoại ô New Hampshire. Đúng là trường đó dành cho cả nữ sinh thật, nhưng tôi nghèo, trong khi hầu hết sinh viên ở đó lại giàu có, và trong suốt bốn năm vừa rồi, tôi đã không hề học chung với phái nữ. Tôi mất hết tự tin, thấy mình như ngoài cuộc, và cảm thấy thật khổ sở. Tôi năn nỉ xin cha cho tôi được bỏ̉ học hay nghỉ hẳn một năm. Tôi muốn đến Boston, để biết thế nào là cuộc sống và đàn bà. Tất nhiên cha tôi không thể chấp nhận. Ông nói: “Làm sao bố có thể dạy dỗ con cái người khác vào đại học trong khi bản thân con của mình lại không học đại học?”       

Đến lúc này, tôi hiểu ra rằng, cuộc đời là hàng loạt những sự ngẫu nhiên. Nhưng cách mà chúng ta phản ứng lại những điều ngẫu nhiên đó- chúng ta sử dụng cái mà nhiều người gọi là quyền tự quyết như thế nào- mới quyết định tất cả. Việc chúng ta chọn gì khi đứng trước những bước ngoặt của cuộc đời sẽ quyết định số phận của chúng ta. Hai biến cố quan trọng quyết định cuộc đời tôi xảy ra ở Middlebury. Một là từ một người Iran, con trai một vị tướng, cố vấn riêng cho nhà vua Iran. Còn biến cố thứ hai xuất hiện từ một cô gái xinh đẹp tên là Ann, trùng với tên cô bạn gái thủa thiếu thời của tôi.       

 

Người thứ nhất là Farhad, đã từng chơi bóng đá chuyên nghiệp ở Rome. Với thể lực của một vận động viên mái tóc quăn đen, đôi mắt màu hạt dẻ, cộng thêm xuất thân và sức quyến rũ thiên bẩm, anh ta khiến phụ nữ bị mê hoặc. Anh ta trái ngược hẳn với tôi ở nhiều điểm. Phải vất vả lắm tôi mới kết bạn được với anh ta, và sau đó được anh ta dạy rất nhiều thứ có ích cho tôi trong những năm sau này. Tôi cũng đã gặp Ann. Mặc dù khi đó cô ấy đang có mối quan hệ nghiêm túc với một anh chàng ở trường khác, nhưng cô ấy đã đón nhận tôi. Mối tình trong trắng giữa hai chúng tôi là mối tình thực sự đầu tiên mà tôi từng có.       

Farhad khuyến khích tôi uống rượu, đi chơi và phớt lờ cha mẹ. Tôi chẳng học hành gì cả. Tôi quyết định sẽ làm hỏng sự nghiệp học hành của mình để trả đũa cha tôi. Điểm số của tôi rớt thảm hại. Tôi bị mất học bổng. Vào những năm thứ hai, tôi quyết định bỏ học. Bố đe dọa sẽ từ tôi. Farhad thì lại xúi thêm tôi. Tôi đến thẳng phòng hiệu trưởng và tuyên bố bỏ học. Khoảnh khắc đó đã thay đổi cuộc đời tôi.       

Farhad và tôi đã kỷ niệm đêm cuối cùng của tôi tại thị trấn trong một quán bar. Một nông dân với tầm vóc khổng lồ say rượu, buộc tôi tán tỉnh vợ ông ta. Ông ta nhấc bổng tôi lên và quẳng tôi vào tường. Farhad nhảy vào giữa chúng tôi, rút dao chém đúng vào má ông ta. Rồi anh ta kéo tôi qua phòng, đẩy tôi qua cửa sổ xuống rìa con lạch Otter. Chúng tôi nhảy xuống, bơi dọc sông về ký túc xá.       

Sáng hôm sau, khi bị cảnh sát thẩm vấn, tôi đã nói dối và từ chối không nhận bất cứ chi tiết nào về vụ rắc rối đó. Tuy nhiên, Farhad cũng bị đuổi học. Chúng tôi chuyển đến Boston và thuê chung một căn phòng ở đó. Cuối cùng, tôi kiếm được việc làm tại tòa soạn báo Hearst’s Record American/ Sunday Advertiser, làm trợ lý riêng cho Tổng biên tập tờ  Sunday Advertiser.       

Cuối năm 1965, một vài người bạn tôi làm việc trong tòa soạn bị bắt đi quân dịch. Để tránh số phận tương tự, tôi đăng kí học quản trị kinh doanh tại Trường Đại học Boston University (BU). Cũng vào thời điểm đó, Ann chia tay với bạn trai cũ và thường đi Middlebury đến thăm tôi. Tôi vui mừng đón nhận sự quan tâm của cô ấy. Ann tốt nghiệp năm 1967, trong khi tôi vẫn còn 1 năm nữa ở BU. Nhưng cô ấy nhất định ko chịu sống chung với tôi chừng nào chúng tôi chưa cưới. Tuy vẫn nói đùa là mình bị  “tống tình”, nhưng tôi thực sự bực mình vì tôi thấy yêu cầu của cô ấy không khác gì 1 sự tiếp nối những chuẩn mực đạo đức cổ lỗ và lập dị của cha mẹ mình, song tôi thật sự hạnh phúc khi ở bên cô ấy và tôi muốn nhiều hơn thế nữa. Chúng tôi lấy nhau.       

Bố Ann, 1 kĩ sư giỏi, đã thiết kế hệ thống điều khiển cho 1 hệ thống tên lửa cực kì quan trọng và giữ 1 chức vị cao trong hải quân. Người bạn thân của ông mà cô ấy thường gọi là chú Frank (đây ko phải tên thật của ông ta) , là ủy viên cao cấp của cục an ninh quốc gia (NSA), 1 tổ chức gián điệp được rất ít người biết đến nhưng được coi là tổ chức gián điệp lớn nhất của Mỹ.       

Không lâu sau khi cưới, tôi nhận được giấy triệu tập đi khám sức khỏe của quân đội. Tôi đạt tiêu chuẩn về thể lực và có nguy cơ phải đi chiến đấu ở Việt Nam ngay sau khi tốt nghiệp. Ý nghĩ phải chiến đấu ở Đông Nam Á giằng xé tôi, mặc dù chiến tranh vẫn luôn hấp dẫn tôi.

Tôi lớn lên qua những câu chuyện về tổ tiên tôi từ thời thuộc địa, trong đó có cả Thomas Paine và Ethan Allen- tôi đã từng đi khắp bang New England, đến thăm những chiến trường phía bắc bang New York, nơi từng diễn ra cuộc chiến giữa người Pháp với người da đỏ, và những cuộc chiến cách mạng. Tôi từng đọc tất cả những cuốn tiểu thuyết lịch sử mà tôi có thể tìm được. Thực ra, khi những đơn vị đầu tiên của lực lượng quân đội đặc biệt đặt chân đến Đông Nam Á, tôi đã hăm hở định nhập ngũ. Nhưng khi các phương tiện thông tin đại chúng phơi bày sự tàn nhẫn của chiến tranh và tính bất nhất trong các chính sách của chính phủ Mỹ, tôi đã thay đổi thái độ. Tôi luôn tự hỏi, nếu ở vào địa vị của tôi, không biết Paine sẽ đứng về phía nào? Và tôi dám chắc ông sẽ gia nhập Việt Cộng, kẻ thù của chúng tôi.       

Chú Frank đã cứu tôi. Ông cho tôi hay một công việc ở NSA sẽ giúp tôi hoãn phải đi quân dịch. Ông thu xếp cho tôi một loạt những cuộc gặp gỡ tại NSA, cả một ngày dài với những cuộc phỏng vấn đến kiệt sức với máy đo nhịp tim. Người ta nói, những cuộc kiểm tra đó cốt để xác định xem liệu tôi có phù hợp với công việc mà NSA tuyển và đào tạo hay không. Và nếu tôi đáp ứng được, họ sẽ lập ra cả một hồ sơ về những điểm mạnh, điểm yếu của tôi để rồi từ đó quyết định con đường sự nghiệp của tôi sau này. Với thái độ của tôi về cuộc chiến tranh ở Việt Nam, tôi tin chắc mình sẽ trượt.         

Trong đợt kiểm tra, tôi thú nhận rằng là môt người Mỹ trung thành, tôi phản đổi chiến tranh và tôi ngạc nhiên khi thấy những người phỏng vấn tôi chẳng quan tâm gì đến đề tài này. Thay vào đó, họ tập chung vào nền giáo dục mà tôi được hưởng, thái độ của tôi đối với cha mẹ, và cả những cảm xúc nảy sinh từ hoàn cảnh sống của tôi: Lớn lên trong một gia đình nghèo và hết sức nghiêm khắc, giữa quá nhiều bạn bè trường tư giàu có và trác táng. Họ cũng tìm hiểu kỹ tâm trạng chán nản của tôi về cuộc sống thiếu đàn bà và tiền bạc cùng cái thế giới tưởng tượng của tôi xuất phát từ sự thiếu thốn đó. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy họ đặc biệt chú ý tới mối quan hệ giữa tôi và Farhad, và cả việc tôi sẵn sàng nói dối để bảo vệ cậu ta ở đồn cảnh sát.    

 Thoạt đầu, tôi cho rằng, tất cả những điều mà tôi cho là quá tiêu cực này sẽ khiến NSA không nhận tôi, nhưng rồi những cuộc phỏng vấn vẫn tiếp tục. Mọi việc đã không như tôi nghĩ. Phải vài năm sau, tôi mới nhận ra rằng, những yếu tố tiêu cực này theo quan điểm của NSA lại là tích cực. Theo những đánh giá của họ, lòng trung thành của tôi với đất nước không quan trọng bằng sự chán nản của tôi trong đời. Sự hằn học của cha mẹ, nỗi ám ảnh về phụ nữ, và cả cái tham vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn của tôi đã giúp họ tạo ra một cạm bẫy. Tôi đã bị xiêu lòng. Quyết tâm thể hiện trong học tập và trong thể thao, sự nổi loạn tột bậc chống lại cha tôi, khả năng kết thân với người nước ngoài và việc tôi sẵn sàng nói dối cảnh sát chính là cái kiểu tính cách mà họ đang tìm kiếm. Sau này, tôi cũng phát hiện ra rằng cha của Farhad làm việc cho những tổ chức tình báo Mỹ ở Iran, do vậy, tình bạn giữa tôi và Farhad rõ ràng đã cộng cho tôi thêm một điểm.       

 Vài tuần sau cuộc kiểm tra của NSA, tôi được mời tham gia một khóa huấn luyện tình báo. Khóa này sẽ bắt đầu vài tháng ngay sau khi tôi nhận bằng tốt nghiệp tại BU. Tuy nhiên, trước khi chính thức nhận lời mời này, tôi lại bốc đồng tham dự một hội thảo do một nhân viên tuyển mộ thuộc Quân đoàn Hòa bình tổ chức tại BU. Điểm hấp dẫn nhất ở đây là, cũng giống như NSA, với việc làm ở Quân đoàn Hòa bình tôi sẽ được hoãn quân dịch.       

 Quyết định tham gia hội thảo đó là một trong những sự kiện ngẫu nhiên mà vào thời điểm đó dường như chẳng có gì quan trọng, nhưng sau này lại làm thay đổi cả cuộc đời tôi. Người tuyển mộ giới thiệu một số nơi trên thế giới hiện đang rất cần các tình nguyện viên. Ông ta nhấn mạnh, một trong những địa điểm đó là rừng rậm Amazon, nơi mà những người bản xứ vẫn đang sống cuộc sống của những thổ dân Bắc Mỹ trước khi có sự xuất hiện của người Châu Âu.       

Tôi luôn mơ được sống như những người Abnakis, những người đã sinh sống ở New Hamphshire khi tổ tiên của tôi lần đầu tiên định cư tại vùng đất này. Tôi biết dòng máu Abnaki chảy trong huyết quản của mình, và tôi cũng muốn được học toàn bộ những hiểu biết và truyền thuyết về rừng mà họ có. Sau cuộc nói chuyện, tôi tìm gặp người tuyển mộ và hỏi về khả năng được cử đến Amazon. Ông ta cam đoan với tôi rằng, vùng này đang cần rất nhiều người tình nguyện và rất có khả năng là tôi sẽ được cử đến đó. Tôi gọi điện cho chú Frank.

Trước sự ngạc nhiên của tôi, chú Frank khuyến khích tôi tham gia Quân đoàn Hòa bình. Ông tiết lộ, sau sự sụp đổ của Hà Nội- mà vào những ngày đó, đối với những người ở vị trí của ông, điều đó tưởng như đã chắc chắn- Amazon sẽ trở thành một điểm nóng.       

 

“Vùng đó có rất nhiều dầu lửa”, ông nói. “Ở đó chúng ta sẽ cần đến những đặc vụ giỏi - những người hiểu rõ dân bản địa”. Ông đảm bảo với tôi rằng Quân đoàn Hòa bình sẽ là một trường đào tạo tuyệt vời. Ông cũng khuyên tôi nên thạo tiếng Tây Ban Nha cũng như tiếng địa phương. Ông cười: “ Rất có thể rốt cuộc cháu sẽ làm cho một công ty tư nhân chứ không phải cho chính phủ đâu”.       

 

Khi đó, tôi không hiểu ông có ý gì. Tôi đang được đào tạo nâng cao để từ một gián điệp trở thành một EHM mặc dầu trước đó và cho đến cả vài năm nữa, tôi vẫn chưa được nghe tới từ này. Tôi chẳng có khái niệm gì về việc có đến hàng trăm người, cả đàn ông, đàn bà, rải rác trên khắp thế giới, làm việc cho các công ty tư vấn và những công ty tư nhân khác. Họ chưa bao giờ nhận một đồng lương từ bất kỳ một tổ chức chính phủ nào, song vẫn không ngừng phục vụ vì lợi ích của cả một đế chế. Tôi cũng chẳng thể đoán nổi rằng, đến cuối thiên niên kỷ này, một nghề mới, được che đậy dưới rất nhiều cái tên khác nhau, sẽ thu hút đến hàng nghìn con người và rằng, tôi sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo dựng nên cả một đội quân không ngừng lớn mạnh.       

 

Ann và tôi nộp đơn xin gia nhập Quân đoàn Hòa bình và yêu cầu được đến vùng Amazon. Khi giấy báo chúng tôi được chấp nhận, cảm giác đầu tiên của tôi là cực kỳ thất vọng. Giấy báo viết, chúng tôi được cử đến Êcuađo.  

 

 Trời ạ, tôi nghĩ, nơi tôi muốn đến là Amazon chứ không phải Châu Phi.       

 

Tôi kiến tập bản đồ và tìm Êcuađo. Tôi mất hết cả tinh thần khi chẳng thể tìm thấy Êcuađo trên bản đồ lục địa Châu Phi. Đến khi xem bảng chú giải, tôi mới biết rằng, thực ra Êcuađo nằm ở Châu Mỹ Latin và nhìn trên bản đồ, tôi thấy hệ thống sông chảy từ dãy núi băng Andy tạo thành thượng nguồn cho dòng sông Amazon hùng vĩ. Đọc thêm nữa, tôi càng chắc rằng những khu rừng rậm nhiệt đới của Êcuađo nằm trong số những khu rừng đa dạng và bí hiểm nhất thế giới. Những người bản xứ ở đó vẫn sống cuộc sống như họ đã sống từ hàng nghìn năm trước. Và chúng tôi đồng ý.       

Ann và tôi hoàn thành khóa đào tạo của Quân đoàn Hòa bình ở miền Nam California. Tháng 9 năm 1968, chúng tôi đi về phía Êcuađo. Chúng tôi đã sống trong rừng Amazon với người Shuar. Họ sống cuộc sống gần giống với cuộc sống của thổ dân Bắc Mỹ từ trước thời thuộc địa. Chúng tôi đã ở cùng với hậu duệ của người Incas trên núi Andy. Đó là phần của thế giới mà tôi chưa từng nghĩ là vẫn còn tồn tại. Cho đến khi đó, những người Mỹ Latinh duy nhất mà tôi từng biết là những học sinh tư thục giàu có ở trường của cha tôi. Tôi thấy mình gắn bó với những người bản xứ, những người vốn chỉ sống dựa vào săn bắn và trồng trọt. Thật kỳ lạ, tôi có cảm giác như họ là những người ruột thịt của tôi vậy. Dù sao thì họ cũng làm tôi nhớ tới đám bạn bè thị trấn mà tôi đã bỏ lại đằng sau.       

Một hôm, có người đàn ông, đóng bộ complet rất lịch sự, tên là Einar Greve, bay đến chỗ chúng tôi. Ông là Phó chủ tịch Chas.T.Main,Inc. (MAIN), một hãng tư vấn quốc tế rất ít khuyếch trương, có trách nhiệm tiến hành các nghiên cứu để quyết định xem Ngân hàng Thế giới có nên cho Êcuađo và những quốc gia láng giềng vay hàng tỷ đô la để xây dựng đập thủy điện và những dự án hạ tầng cơ sở khác hay không. Einar cũng là đại tá trong lực lượng Quân dự bị Mỹ.       

Einar bắt đầu kể cho tôi nghe về những lợi ích khi làm việc cho một công ty kiểu như MAIN. Khi tôi nói, tôi từng được NSA tuyển trước khi gia nhập Quân đoàn Hòa bình, và rằng tôi đang cân nhắc việc quay trở lại làm việc cho họ, ông ta cho tôi hay, ông còn đóng vai trò sĩ quan liên lạc của NSA. Ánh mắt của ông ta khiến tôi ngờ rằng, một trong những nhiệm vụ của ông ta ở đây là đánh giá năng lực của tôi. Giờ thì tôi tin chắc rằng khi đó ông ta đang cập nhập hồ sơ của tôi, và đặc biệt là đánh giá khả năng sống sót của tôi trong những môi trường mà hầu hết người Bắc Mỹ thấy không thể chịu đựng được.

Chúng tôi làm việc với nhau vài ngày ở Êcuađo, rồi sau đó chỉ liên hệ qua thư từ. Ông ta đề nghị tôi gửi cho ông ta các báo cáo đánh giá triển vọng kinh tế của Êcuađo. Tôi có một máy chữ xách tay loại nhỏ, lại thích viết lách và rất thích thú với đề nghị này. Trong khoảng một năm, tôi đã gửi cho Einar ít nhất khoảng mười lăm lá thư dài. Trong thư, tôi nhận định tương lai kinh tế, chính trị của Êcuađo, bình luận về nỗi tuyệt vọng ngày càng lớn dần của những người dân bản địa khi họ chiến đấu chống lại các công ty dầu mỏ, các tổ chức phát triển quốc tế và cả những thế lực khác hòng kéo họ vào cái thế giới hiện đại của chúng tôi.       

Khi nhiệm vụ của tôi ở Quân đoàn Hòa bình kết thúc, Einar mời tôi tham gia phỏng vấn xin việc tại trụ sở chính của MAIN ở Boston. Trong cuộc gặp riêng giữa hai chúng tôi, Einar nhấn mạnh, MAIN chủ yếu hoạt động trong ngành công trình. Song, khách hàng lớn nhất của công ty là Ngân hàng Thế giới gần đây lại nhất định muốn ông tuyển thêm nhân viên là các nhà kinh tế, những người có thể đưa ra những dự báo kinh tế quan trọng, nhằm xác định tính khả thi và quy mô của các dự án đầu tư. Einar tiết lộ cho tôi biết, trước đây ông ta đã từng thuê ba nhà kinh tế tầm cỡ không chê vào đâu được- hai trong số đó có bằng cao học và một số có bằng tiến sỹ. Nhưng họ đều thất bại thảm hại. 

Einar nói: “Không ai trong số họ có khả năng dự báo kinh tế cho những quốc gia nơi chẳng hề có con số thống kê đáng tin cậy nào”. Ông ta còn bảo, tất cả bọn họ đều thấy không thể đảm đương được những công việc mà ông ta yêu cầu, như đến những vùng xa xôi ở những nước như Êcuađo, Inđonêxia, Iran hay Ai Cập, gặp gỡ với lãnh đạo địa phương, rồi đưa ra những đánh giá cá nhân về triển vọng phát triển kinh tế của những vùng đó. Một người thậm chí đã suy nhược thần kinh phải sống trong một ngồi làng biệt lập ở Panama. Cảnh sát nước này phải đưa anh ta ra sân bay và tống lên máy bay trở về Mỹ.  

“Những lá thứ của cậu cho tôi thấy rằng cậu sẵn sàng liều mạng, ngay cả khi cậu chẳng có chút dữ liệu đáng tin cậy nào. Và nhìn điều kiện sống của cậu ở Êcuađo, tôi tin cậu có thể sống sót ở bất cứ đâu”.

Einar nói với tôi rằng ông ta đã sa thải một trong ba nhà kinh tế kia và sẵn sàng sa thải nốt hai người còn lại nếu tôi đồng ý làm công việc này.

 Vậy là, tháng 1 năm 1971, tôi được đề nghị trở thành chuyên gia kinh tế cho MAIN. Tôi đã qua tuổi hai sáu - một cái tuổi kỳ diệu vì tôi không còn lo phải đi lính nữa. Tôi hỏi ý kiến gia đình Ann. Mọi người khích lệ tôi nhận công việc này, và tôi nghĩ chú Frank chắc cũng đồng tình với họ. Tôi nhớ lại hồi ông nói rồi tôi có thể sẽ làm cho một công ty tư nhân. Chẳng có gì rõ ràng ngay từ đầu cả, nhưng tôi chắc rằng, công việc của tôi ở MAIN rõ ràng là kết quả của chính những sự sắp đặt mà chú Frank đã chuẩn bị cho tôi từ ba năm trước, cộng thêm những kinh nghiệm của tôi ở Êcuađo và việc tôi yêu thích nghiên cứu về thực trạng kinh tế, chính trị của quốc gia này.  

Tôi trăn trở trong nhiều tuần, và cái tôi trong tôi trỗi dậy. Tấm bằng cử nhân mà tôi nhận được từ BU không thể mang lại cho tôi vị trí một nhà kinh tế tại một công ty tư vấn tiếng tăm đến như vậy. Tôi biết, rất nhiều bạn học của tôi, những người không đủ tiêu chuẩn đi lính và đã kịp kiếm thêm bằng cao học hay trên đại học khác nữa sẽ phát ghen lên với tôi. Tôi tự hình dung ra mình trong vai trò một điệp viên bí mật hào hoa, ở những vùng đất lạ, nhởn nhơ bên những bể bơi khách sạn, xung quanh là hàng tá đàn bà mặc bikini tuyệt đẹp với ly rượu Matini trên tay.  

Dù đó đơn thuần chỉ là tưởng tượng, song tôi biết sự thật cũng sẽ gần như thế. Einar đã tuyển tôi để làm chuyên gia kinh tế, nhưng tôi nhanh chóng nhận ra rằng, công việc thật sự của tôi còn đi xa hơn thế.

Quả thực, nó giống với công việc của một James Bond hơn những suy đoán của tôi rất nhiều.

 

Chương 2 “Không đường lui”

 

Về mặt luật pháp, MAIN là một công ty cổ phần không công khai; chỉ có khoảng 5% trong số 2.000 nhân viên sở hữu toàn bộ công ty này. Người ta gọi họ là các đối tác hay các hội viên, vị trí mà rất nhiều người ao ước. Chẳng những các đối tác có quyền sai khiến tất cả mọi người mà họ còn kiếm được rất nhiều tiền. Điểm khác biệt là họ kín đáo. Họ thân quen với các nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo các tập đoàn, những người luôn đòi hỏi các chuyên gia tư vấn, cũng giống như các luật sư và bác sĩ tâm lý của họ phải tuân thủ những chuẩn mực cực kỳ chặt chẽ về sự cẩn mật tuyệt đối. Nói chuyện với báo chí là điều cấm kỵ. Điều này đơn giản là không thể tha thứ được. Vì vậy mà hầu hết như chẳng có ai ngoài những nhân viên của MAIN biết về công ty, mặc dù nhiều người trong số họ có thể quen thuộc với những đối thủ của chúng tôi như Arthur D.Little, Stone & Webster, Brown & Root, Halliburton, và Bechtel.       

Cụm từ “những đối thủ” mà tôi dùng không chính xác lắm vì trên thực tế những công ty này cũng cùng hội cùng thuyền với MAIN. Phần lớn nhân viên có chuyên môn của chúng tôi là các kỹ sư, mặc dù chúng tôi chẳng hề có máy móc thiết bị gì và cũng chưa từng xây dựng dù chỉ là một kho chứa đồ. Nhiều nhân viên của MAIN từng tham gia quân đội; tuy nhiên, chúng tôi chẳng có liên hệ gì với Bộ Quốc phòng hay với bất kỳ đơn vị quân đội nào. Phương tiện làm việc của chúng tôi khác lạ đến nỗi trong những tháng đầu làm việc ở đó, tôi không thể hiểu nổi công việc thực sự của chúng tôi là gì. Điều duy nhất mà tôi biết là nhiệm vụ đầu tiên của tôi sẽ là Inđônêxia, trong một nhóm gồm 11 người, được cử đến để xây dựng quy hoạch năng lượng tổng thể cho đảo Java.        

Tôi cũng biết là Einar và những người có liên quan đến công việc này đang cố thuyết phục tôi rằng nền kinh tế Java sẽ tăng trưởng mạnh, và nếu tôi muốn được coi là một chuyên gia dự báo kinh tế giỏi (và nhờ vậy sẽ có cơ hội thăng tiến), tôi sẽ phải đưa ra những dự báo đúng như vậy.       

“Từ những biểu đồ trong bản dự báo”, Einar thường nói. Ông ta vung tay trên đầu: “Một nền kinh tế sẽ bay vút lên như một cánh chim”.       

Einar thường đi công tác ngắn hạn, chỉ trong vòng hai đến ba ngày. Không ai bàn luận gì về những chuyến đi này và có vẻ như chẳng ai biết là ông ta đi đâu. Lúc tôi có mặt ở văn phòng, ông ta thường mời tôi vào nói chuyện đôi lát bên tách cà phê. Ông hỏi về Ann, về căn hộ mới của chúng tôi và về con mèo mà chúng tôi mang về từ Êcuađo về. Và tôi cố tìm hiểu thêm về ông cũng như về điều mà mọi người trông chờ tôi thực hiện. Nhưng ông thường tránh không trả lời. Einar cực giỏi trong việc lái các câu chuyện sang hướng khác. Một lần, trong một cuộc nói chuyện tương tự, tôi thấy ông nhìn tôi rất lạ:       

“Anh không cần phải lo lắng đến thế”, ông ta nói. “Chúng tôi trông đợi nhiều ở anh. Mới đây tôi có đến Washington...” Ông kéo dài giọng và mỉm cười bí hiểm. “Dầu sao đi nữa, thì anh cũng nên biết rằng, chúng ta hiện có một dự án lớn ở Cô oét. Vẫn còn thời gian trước khi anh phải đi Inđônêxia. Tôi nghĩ anh nên dành thời gian trước khi anh phải đi Inđônêxia. Tôi nghĩ anh nên dành thời gian đó để nghiên cứu về Cô oét. Thư viện Công cộng Boston (BPL) có nguồn tư liệu rất lớn, và chúng tôi cũng có thể giới thiệu anh đến các thư viện của MIT và Harvard”.       

Sau cuộc nói chuyện hôm đó, tôi đã dành nhiều thời gian đến những thư viện này, đặc biệt là Thư viên Công cộng Boston, chỉ cách văn phòng có vài tòa nhà và rất gần với căn hộ của tôi ở Back Bay. Tôi trở nên quen thuộc với Cô oét, và đọc rất nhiều sách về thống kê kinh tế do Liên Hiệp Quốc, Quỹ tiền tệ (IMF), và Ngân hàng Thế giới (WB) phát hành. Tôi biết, người ta đang mong chờ tôi xây dựng các mô hình kinh tế lượng cho Inđônêxia và Java. Tôi quyết định bắt đầu bằng cách làm một mô hình cho Cô oét.       

Tuy vậy, bằng cử nhân quản trị kinh doanh không chuẩn bị cho tôi thành một nhà kinh tế lượng, vì thế, tôi đã phải bỏ ra rất nhiều thời gian để tìm hiểu về môn này. Tôi thậm chí còn đăng ký tham gia một vài khóa học về nó nữa. Trong quá trình hoc, tôi nhận thấy rằng, các số liệu thống kê có thể được trình bày theo nhiều cách để đi đến rất nhiều kết luận khác nhau, kể cả để làm theo ý thích của người phân tích.       

MAIN là công ty của phái mạnh. Vào năm 1971, chỉ có 4 phụ nữ nắm giữ các vị trí chuyên môn. Tuy nhiên, có khoảng 200 nhân viên nữ giữ các vị trí thư ký- mỗi vị phó chủ tịch và giám đốc công ty có 1 thư ký- và có cả một nhóm tốc ký, phục vụ những nhân viên khác. Tôi đã quen với sự bất bình đẳng giới tính này. Vì vậy mà một hôm, trong phòng tra cứu của Thư viện Công cộng Boston, tôi vô cùng sửng sốt trước những gì xảy ra.       

Một cô gái tóc nâu quyến rũ xuất hiện và ngồi vào chiếc ghế bên cái bàn đối diện với tôi. Trong bộ vét nữ xanh thẫm, trông cô ta thật sành điệu. Tôi đoán cô ta hơn tôi vài tuổi, song tôi cố không chú ý đến cô ta, và giả bộ thờ ơ. Vài phút sau, chẳng nói một lời, cô ta đẩy một cuốn sách đang mở về phía tôi. Trong đó có một danh mục các thông tin mà tôi đang tìm kiếm về Cô oét- và một tấm danh thiếp có tên cô ta, Claudine Martin, với chức danh chuyên gia tư vấn đặc biệt của Chas.T.Main,Inc. Tôi ngẩng lên, nhìn vào đôi mắt xanh nhạt của cô, và cô chìa tay ra.       

“Tôi được giao nhiệm vụ hướng dẫn anh”, cô ta nói. Có trong mơ tôi cũng không thể tưởng tượng được điều đang xảy ra với tôi.

Kể từ ngày hôm sau, chúng tôi gặp nhau ở căn hộ của Claudine trên phố Boston, cách Trung tâm Prudential nơi MAIN đặt trụ sở vài tòa nhà. Ngay từ đầu, Claudine đã giải thích, vị trí của tôi rất đặc biệt và vì vậy chúng tôi phải hết sức giữ bí mật. Cô cũng nói,  chẳng ai có thể nói cụ thể về công việc cho tôi cả vì không ai có quyền làm như vậy-trừ cô ta. Rồi Claudine cho tôi biết, nhiệm vụ của cô ta là biến tôi trở thành một sát thủ kinh tế(EHM).       

Cái tên đó đã đánh thức những giấc mơ trinh thám xưa cũ của tôi. Tôi bối rối vì tiếng cười bồn chồn của mình. Claudine mỉm cười và cam đoan với tôi rằng, sự hài hước chính là một trong những lý do để họ chọn cụm từ này. “Ai có thể ngờ đó thật chứ?”, cô ta nói.       

Tôi phải thú nhận rằng mình chẳng hiểu tí gì về vai trò của một sát thủ kinh tế.       

“Anh không phải là người duy nhất không biết điều này”, cô cười lớn. “Sát thủ kinh tế là những con át chủ bài trong một ván bài bẩn thỉu. Không ai được biết về công việc của anh - thậm chí cả vợ anh”. Cô ta nghiêm giọng. “Tôi sẽ rất thành thật với anh, trong những tuần tới, tôi sẽ dạy anh tất cả những gì tôi biết. Sau đó anh phải lựa chọn. Quyết định của anh là cuối cùng. Một khi đã dấn thân vào, anh sẽ không có đường lùi.” Kể từ đó, hiếm khi cô ta sử dụng tên đầy đủ; chúng tôi chỉ đơn giản là những EHM.       

Giờ thì tôi đã biết những gì mà khi đó tôi chưa biết. Thực sự là Claudine đã lợi dụng được tất cả những điểm yếu trong tính cách của tôi mà tập hồ sơ ở NSA đã phơi bày. Tôi không biết ai đã cung cấp cho Claudine các thông tin đó - Einar, NSA, phòng nhân sự của MAIN, hay một ai khác, chỉ biết rằng cô ta đã sử dụng chúng hết sức tài tình. Cô ta dùng cả sức hấp dẫn ngoại hình của mình, và cả lời nói để điều khiển tôi, mặc dù vậy, tất cả vẫn đúng mực, vẫn trong khuôn phép của những cách thức thông thường mà tôi đã thấy người ta áp dụng trong những phi vụ làm ăn tuy béo bở nhưng đầy mạo hiểm. Ngay từ đầu, Claudine biết rằng tôi không đời nào mạo hiểm cuộc hôn nhân của mình để tiết lộ ra những hoạt động của chúng tôi. Cô ta thẳng thắn đến tàn nhẫn khi nói về sự đen tối của những gì mà tôi sẽ phải làm.       

Đến giờ tôi vẫn không biết ai trả lương cho Claudine, tuy vậy chẳng có lý do gì mà không tin rằng đó là MAIN, như chính danh thiếp của cô ta cũng cho thấy. Nhưng khi đó, tôi quá ngây thơ, quá choáng váng và khiếp sợ nên không thể hỏi những câu hỏi mà giờ đây đã trở nên quá rõ ràng.       

Claudine nói rằng công việc của tôi nhằm hai mục tiêu chính. Trước tiên, tôi phải hợp lý hóa những khoản vay quốc tế khổng lồ mà sau này sẽ đổ trở lại MAIN và các công ty Mỹ khác (như Bechtel, Halliburton, Stone & Webster, và Brown & Root) qua các dự án xây dựng và công trình quy mô lớn. Sau đó, tôi sẽ làm cho những nước nhận các khoản vay này vỡ nợ (tất nhiên là sau khi họ đã trả tiền cho MAIN và các nhà thầu Mỹ khác) để vì thế mà các nước này sẽ mãi mãi phải chịu ơn chủ nợ. Nhờ vậy, mỗi khi chúng ta cần gì họ sẽ sẵn sàng đáp ứng, kể từ việc đặt các căn cứ quân sự, hay bỏ phiểu ở Liên Hợp Quốc, cho đến khả năng tiếp cận dầu và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác.       

Claudine nói, công việc của tôi là dự báo tác động của việc đầu tư cho một nước hàng tỷ đô la. Cụ thể là tôi sẽ phải đưa ra những nghiên cứu về dự báo tăng trưởng kinh tế cho 20 đến 25 năm sau, và đánh giá tác động của hàng lọat các dự án. Ví dụ, nếu người ta quyết định cho một nước vay 1 tỷ USD để thuyết phục nước này không liên kết với Liên Xô, tôi sẽ phải so sánh giữa lợi ích của việc đầu từ cho một mạng lưới đường sắt quốc gia mới hoặc một hệ thống viễn thông. Hoặc người ta có thể bảo tôi rằng nước đó đang có cơ hội được tiếp nhận một hệ thống điện hiện đại. Và rằng nhiệm vụ của tôi là phải chứng minh được, một hệ thống như vậy sẽ mang lại mức tăng trưởng kinh tế đủ mạnh, tương xứng với khoản vay đó. Trong mọi trường hợp, yếu tố mang tính quyết định là tổng sản phẩm quốc dân GNP. Dự án thắng cuộc là dự án mang lại tốc độ tăng trưởng GNP trung bình hàng năm cao nhất. Nếu chỉ có một dự án cần được xem xét, tôi sẽ phải chứng minh rằng dự án đó sẽ mang lại những lợi ích tốt nhất cho GNP.       

Điều không bao giờ được nói ra trong những dự án kiểu này là chúng được dựng lên nhằm mang lại những khoản lợi nhuận béo bở cho các nhà thầu và chỉ làm lợi cho một số ít những người giàu có và có thế lực ở nước nhận dự án mà thôi, còn thì vẫn phải bảo đảm rằng, các nước này về lâu dài phải chịu phụ thuộc về tài chính và từ đó buộc phải trung thành với nước Mỹ. Khoản vay càng lớn càng tốt. Người ta đã không tính đến cái khả năng gánh nặng nợ đặt lên vai một nước sẽ cướp đi của những người dân khốn cùng ở nước đó sức khỏe, giáo dục và các dịch vụ xã hội khác trong nhiều thập niên tiếp theo.       

Claudine và tôi đã tranh luận hết sức cởi mở về bản chất dối lừa của GNP. Ví dụ GNP có thể tăng ngay cả khi sự tăng trưởng đó có thể chỉ mang lại lợi ích cho một người, ví dụ như chủ một công ty dịch vụ công, trong khi phần đông dân chúng phải oằn vai gánh nợ. Người giàu càng giàu hơn, người nghèo ngày càng nghèo đi. Mặc dù vậy, theo những con số thống kê, điều này vẫn được nhìn nhận là tiến bộ kinh tế.       

 

Như phần lớn các công dân Mỹ, hầu hết những người làm cho MAIN tin rằng chúng ta đang ban phát đặc ân cho các nước khác khi xây dựng các nhà máy điện, đường cao ốc, và cảng biển. Trường học và báo chí dạy chúng ta rằng, tất cả những việc làm của chúng ta xuất phát từ lòng bác ái. Trong nhiều năm trời, tôi được nghe đi nghe lại những câu nói như “Nếu họ đốt cờ Mỹ và biểu tình chống sứ quán của chúng ta thì tại sao chúng ta không bỏ đi khỏi cái đất nước chết tiệt của họ và để họ sa lầy trong chính sự nghèo đói của họ nhỉ?”       

 

Những người nói như vậy thường là những người có bằng cấp, bằng chứng cho thấy họ được giáo dục tốt. Song, họ không hề biết rằng, lý do chính để chúng ta đặt đại sứ quán của mình trên khắp thế giới là để phục vụ cho lợi ích của chính chúng ta, và trong nửa cuối thế kỷ XX, điều này có nghĩa là biến nước Mỹ thành một Đế chế toàn cầu. Bằng cấp cũng không làm cho họ hiểu biết hơn những tên thực dân thể kỷ XVIII khi những tên này tin rằng những người da đỏ đang chiến đấu bảo vệ đất đai của chính mình là tôi tớ của quỷ Sa tăng.       

 

Trong vài tháng sau đó, tôi sẽ phải đến đảo Java của Inđônêxia, khi đó được mô tả như một điểm có mật độ dân số đông nhất hành tinh. Rất ngẫu nhiên, Inđônêxia cũng là một nước Hồi giáo có nhiều dầu mỏ,...       

 

“Đó sẽ là quân đôminô tiếp sau Việt Nam”, Claudine thường nói. “Chúng ta phải lôi kéo người dân Inđônêxia về phía mình. Chà, họ mà không theo chúng ta thì...” cô ta đưa ngón trỏ lên vạch ngang qua cổ và mỉm cười ngọt ngào. “Thôi, chỉ cần biết là anh phải đưa ra được một dự báo cự kỳ lạc quan về nền kinh tế, rằng nó sẽ lớn mạnh đến thế nào khi mà tất cả các nhà máy, mạng lưới điện được xây dựng. Dự báo đó sẽ khiến USAID và các ngân hàng quốc tế đồng ý cho nước này vay tiền. Tất nhiên, anh sẽ được trả công xứng đáng, anh có thể tiếp tục đến với những dự án khác ở những nơi mới lạ. Thế giới sẽ là của anh”. Song, cô ta cũng nói trước là vai trò của tôi sẽ vô cùng khó khăn. “Các chuyên gia ngân hàng sẽ bám sát anh. Nhiệm vụ của họ là tìm ra những kẽ hở trong các dự báo của anh- đó là nghề của họ. Phát hiện ra những điểm yếu của anh là công việc của họ”.       

 

Một hôm, tôi nhắc với Claudine là còn có 10 người khác nữa trong nhóm nhân viên của MAIN được cử đến Java. Liệu có phải tất cả họ đều đang được huấn luyện như tôi không? Claudine đảm bảo với tôi là không.       

 

“Họ là các kỹ sư”, cô ta nói. “Họ thiết kế các nhà máy điện, các mạng lưới truyền tải và phân phối điện, các cảng biển, đường bộ để chuyển tải nhiên liệu. Còn anh có nhiệm vụ dự báo tương lai. Các dự báo của anh sẽ quyết định quy mô của những hệ thống mà họ thiết kế- và vì thế cả quy mô của khoản vay. Anh thấy đấy anh là người quan trọng nhất”.

 

Mỗi lần ra khỏi căn hộ của Claudine, tôi tự hỏi liệu những điều mình đang làm có đúng không? Tự trong đáy lòng, tôi thấy nghi ngờ những việc mình đang làm. Nhưng rồi những chán nản của quá khứ cứ bám riết lấy tôi. Dường như MAIN đã mang lại cho tôi mọi điều mà từ trước tới nay tôi chưa bao giờ có. Tuy nhiên, tôi cứ tự hỏi, nếu ở địa vị của tôi, liệu Tom Pain có làm như thế không? Cuối cùng, tôi tự thuyết phục mình rằng chính bằng việc tìm hiểu nhiều hơn, và trải nghiệm những điều đó, sau này tôi sẽ có thể vạch trần nó- tham gia vào để hiểu là cách chứng minh xưa cũ nhất.       

 

Khi tôi nói điều này với Claudine, cái nhìn của cô ta khiến tôi bối rối. “Đừng có ngớ ngẩn thế. Một khi đã dấn thân vào, anh sẽ không có đường lui. Anh phải quyết định, trước khi tiến xa hơn nữa.” Tôi hiểu, và những gì Claudine nói khiến tôi hoảng sợ. Sau khi rời căn hộ của Claudine, tôi lang thang xuống đại lộ Commonwealth, qua phố Darmouth, và tự nhủ rằng mình là một ngoại lệ.       

 

Vài tháng sau, vào một buổi chiều, Claudine và tôi ngồi trên ghế sofa cạnh cửa sổ ngắm tuyết rơi trên phố Beacon. “Chúng tôi là một nhóm đặc biệt”, cô ta nói. “Chúng ta được trả công- rất hậu hĩnh- để đi khắp thế giới lừa đảo hàng tỷ đô la. Phần lớn công việc của anh là khuyến khích lãnh đạo các nước trên thế giới tham gia vào một mạng lưới vô cùng rộng lớn nhằm phục vụ cho lợi ích thương mại của nước Mỹ. Kết cuc̣ là, các nhà lãnh đạo này sẽ bị sa lầy vào một mớ nợ nần. Gánh nặng nợ này bảo đảm rằng họ sẽ phải trung thành với nước Mỹ. Chúng ta có thể bòn rút của họ bất cứ khi nào chúng ta muốn- để thỏa mãn những nhu cầu kinh tế, chính trị hoặc quân sự của chúng ta. Đổi lại, các nhà lãnh đạo đó sẽ có cơ hội củng cố vị thế chính trị của họ bằng việc mang lại cho người dân của mình những khu công nghiệp, nhà máy điện, và sân bay. Cùng lúc, các công ty xây dựng và lắp ghép Mỹ cũng sẽ trở nên rất giàu có”.      

Buổi chiều đó, trong căn phòng yên ả của Claudine, thư thả ngắm những bông tuyết xoay xoay bên cửa sổ, tôi biết thêm về nguồn gốc công việc mà tôi sắp dấn thân vào. Claudine kể, trong hầu hết chiều dài lịch sử, các đế chế lớn đều được tạo dựng nhờ sức mạnh quân sự hoặc mối đe dọa của nó. Song, cùng với sự kết thúc của cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ II, sự lên ngôi của Liên bang Xô viết, và nỗi ám ảnh về sự hủy diệt của vũ khí hạt nhân đã khiến chiến tranh trở thành một giải pháp quá nguy hiểm.  

Năm 1951 là thời điểm mang tính quyết định khi Iran vùng lên chống lại một công ty dầu khí Anh đang khai thác tài nguyên thiên nhiên và bóc lột người dân nước này. Công ty này chính là tiền thân của tập đoàn dầu mỏ BP ngày nay. Thủ tướng Iran, người được bầu hết sức dân chủ và chiếm được lòng dân (người đã từng đạt danh hiệu Người đàn ông của năm do tạp chí Time bình chọn năm 1951), Mohammad Mossadegh, đã tiến hành quốc hữu hóa tất cả các tài sản dầu khí của Iran. Bị lăng nhục, nước Anh đã tìm sự giúp đỡ từ đồng minh trong Thế chiến Hai, đó là Mỹ. Song, cả hai nước đều sợ rằng sự trả đũa bằng quân sự sẽ khiến Liên Xô đứng ra thay Iran hành động.       

Do vậy, thay vì cử binh chủng lính thủy đánh bộ đến Iran, Washington đã phái nhân viên mật vụ CIA Kermit Rooservelt (cháu nội của Theodore) đi. Anh ta đã hoàn thành sứ mệnh một cách hoàn hảo, lôi kéo người dân Iran bằng cả tiền và những lời đe dọa. Rồi anh ta xúi giục họ dấy lên hàng loạt những vụ phá rối trên đường phố và các cuộc biểu tình bạo động, nhằm tạo ấn tượng là Mossadegh không được lòng dân và không có năng lực lãnh đạo. Cuối cùng, Mohammad Reza Sha, một kẻ thân Mỹ lên nắm quyền và trở thành một tên độc tài chưa từng có. Kermit Roosevelt đã dựng lên một vũ đài cho một nghề nghiệp mới, cái nghề mà tôi sắp bước vào.(1)       

Viên gạch đầu tiên mà Rooservelt đặt đã tái hiện lịch sử của Trung Đông, đồng thời biến tất cả những chiến lược nhằm mưu đồ quyền lực trước đây trở nên lạc hậu. Nó diễn ra cùng lúc với việc bắt đầu hàng loạt các cuộc thử nghiệm “can thiệp quân sự phi hạt nhân”, mà cuối cùng đưa đến sự thất bại ê chề của Mỹ ở Triều Tiên và Việt Nam. Đến năm 1968, năm mà tôi được NSA phỏng vấn, thì vấn đề đã trở nên khá rõ ràng. Nếu muốn thực hiện giấc mơ trở thành một đế quốc toàn cầu (như nguyện vọng của Tổng thống Johnson và Nixon), thì Mỹ buộc phải áp dụng chiến lược kiểu như Rooservelt đã thực hiện ở Iran. Đó là cách duy nhất để đánh bại Liên Xô, đồng thời tránh được hiểm họa bùng nổ một cuộc chiến tranh hạt nhân.  

Song còn một vấn đề nữa. Kermit Rooservelt là một nhân vật của CIA. Nếu bị bắt, hậu quả sẽ thật kinh khủng. Anh ta đã dàn dựng thành công âm mưu lật đổ một chính phủ nước ngoài đầu tiên của Mỹ, và nhiều người sẽ nối tiếp anh ta, nhưng điều quan trọng là tìm cách giấu đi vai trò của Washington. Thật may cho các nhà chiến lược, những năm 60 còn chứng kiến một cuộc cách mạng khác nữa: đó là việc trao quyền cho các tập đoàn quốc tế và các tổ chức đa quốc gia như Ngân hàng Thế giới- WB, Quỹ tiền tệ- IMF chủ yếu do Mỹ và các cường quốc chị em ở Châu Âu tài trợ. Mối quan hệ hai bên cùng có lợi giữa các chính phủ, các tập đoàn, và các tổ chức đa quốc gia được hình thành.

Vào thời điểm tôi ghi tên vào khoa quản trị kinh doanh của BU, giải pháp cho vấn đề Roosevelt- là mật vụ CIA đã được đưa ra. Các cơ quan tình báo Mỹ - trong đó có NSA có nhiệm vụ phát hiện những người có khả năng trở thành EHM, và sau đó các tập đoàn quốc tế sẽ thuê họ. Các EHM này sẽ không bao giờ nhận lương từ chính phủ; thay vào đó, khu vực tư nhân sẽ trả lương cho họ. Kết quả là, các công việc bẩn thỉu của họ, nếu có bị bại lộ, sẽ chỉ bị coi là sự hám lợi của các tập đòan chứ không phải do các chính sách của chính phủ. Hơn nữa, các tập đòan thuê họ, dù được các tổ chức chính phủ và các đối tác ngân hàng đa quốc gia trả lương (bằng tiền của công chúng), được bảo vệ bởi một hàng rào luật pháp với những điều luật như luật thương hiệu, luật thương mại quốc tế và luật về tự do thông tin.(2)

 

“Anh thấy không”, Claudine kết luận, “chúng ta chỉ là thế hệ tiếp bước một truyền thống đáng tự hào có từ khi anh còn học lớp một”.

 

 

Chương 3 Những bài học cho một EHM

 

 

 

Ngoài việc tìm hiểu thêm về công việc mới, tôi cũng dành nhiều thời gian để đọc những cuốn sách viết về Inđônêxia. Claudine khuyên: “Càng hiểu rõ về đất nước mà anh sắp đến thì công việc của anh sẽ càng dễ dàng hơn”. Một lời khuyên mà tôi luôn ghi lòng tạc dạ. Năm 1492, Columbus căng buồm ra khơi với cái đích là Inđônêxia, lúc đó được biết đến dưới cái tên Quần đảo Hương liệu. Trong suốt thời kỳ thực dân, quần đảo này được coi là một kho báu còn đáng giá hơn cả châu Mỹ. Đảo Java, với các chủng loại vải vóc phong phú, các loại gia vị hư truyền, những vương quốc thịnh thượng, là viên ngọc quý nhưng cũng là nơi luôn xảy ra những cuộc xung đột giữa các nhà thám hiểm người Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh và Bồ Đào Nha. Năm 1750, Hà Lan giành chiến thắng, nhưng cho dù có kiểm soát được Java, phải mất 150 năm sau họ mới chinh phục được hết các hòn đảo xung quanh.

 

Trong Đại chiến Thế giới lần II, quân Nhật xâm lược Inđônêxia, Hà Lan chống cự rất yếu ớt. Kết quả là người dân Inđônêxia, đặc biệt là dân đảo Java, phải chịu đựng sự thống trị rất khắc nghiệt. Sau khi quân Nhật đầu hàng, Sukarno, một nhà lãnh đạo có uy tín đứng lên giành độc lập. Cuộc chiến kéo dài bốn năm, cuối cùng đã kết thúc vào ngày 27 tháng 12 năm 1949, khi thực dân Hà Lan hạ cờ và trả lại chủ quyền cho một dân tộc trong suốt ba thế kỷ không biết đến gì khác ngoài những cuộc đấu tranh và vươn tới. Sukarno trở thành vị Tổng thống đầu tiên của nước cộng hòa non trẻ.

Tuy nhiên điều hành đất nước Inđônêxia lại là một thách thức lớn hơn nhiều so với đấu tranh chống lại thực dân Hà Lan. Quần đảo gồm 17.500 hòn đảo nhỏ không đồng nhất này luôn sôi sục bởi những cuộc xung đột giữa các bộ tộc, các nền văn hóa cùng hàng chục các ngôn ngữ và thổ ngữ, những nhóm dân tộc thiểu sổ hận thù nhau hàng thế kỷ. Sukarno đã phải quyết liệt ngăn chặn các cuộc xung đột ác liệt thường xuyên xảy ra. Năm 1960, ông giải tán Quốc hội và vào năm 1963 được bổ nhiệm làm Tổng thống vô thời hạn. Ông hình thành những liên minh với các chính phủ cộng sản trên khắp thế giới để đổi lấy các trang thiết bị và đào tạo về quân sự. Ông cử những đội quân Inđônêxia được Nga trang bị vũ khí sang nước láng giềng Malaysia nhằm khuyếch trương chủ nghĩa cộng sản ra tòan khu vực Đông Nam Á và để giành được sự chấp nhận từ phía các nhà lãnh đạo các nước xã hội chủ nghĩa.

Vào năm 1965, phe đối lập hình thành và một cuộc đảo chính được phát động. Sukarno thoát chết trong vụ ám sát chỉ nhờ vào sự nhanh trí của tình nhân. Nhưng nhiều sĩ quan cao cấp trong quân đội và những phụ tá thân cận của ông đã không may mắn như vậy. Sự kiện này chẳng khác gì những vụ việc xảy ra ở Iran năm 1953. Cuối cùng, Đảng Cộng sản - đặc biệt là những phe phái có liên minh với Trung Quốc bị quy kết trách nhiệm.  

Trong những cuộc thảm sát do quân đội tiến hành sau đó, ước tính có khoảng ba trăm nghìn đến năm trăm nghìn người bị giết. Người đứng đầu quân đội, Tướng Suharto, tiếp quản chức vụ Tổng thống năm 1968. Năm 1971, những diễn biến bất lợi của cuộc Chiến tranh Việt Nam khiến Mỹ càng nâng cao quyết tâm thuyết phục Inđônêxia từ bỏ chủ nghĩa cộng sản. Vào mùa hè năm 1969, Tổng thống Nixon cho bắt đầu các cuộc rút quân hàng loạt và Mỹ bắt đầu một chiến lược toàn cầu hơn. Chiến lược của Mỹ đặc biệt hướng vào một số nước; Inđônêxia đóng vai trò then chốt. Dự án điện khí hóa của MAIN là một phần trong toàn bộ kế hoạch nhằm đảm bảo cho vị thế của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á.

 Theo quan điểm ngoại giao của Mỹ, Suharto sẽ phục vụ Washington như Sa của Iran đã từng làm. Mỹ cũng hy vọng Inđônêxia sẽ là một hình mẫu cho các quốc gia khác trong khu vực. Một phần chiến lược của Washington dựa trên giả định rằng những lợi ích đạt được ở Inđônêxia có thể sẽ ảnh hưởng tích cực đến toàn thế giới Hồi giáo, đặc biệt là điểm nóng Trung Đông. Và nếu điều đó chưa đủ khích lệ thì điều quan trọng là Inđônêxia có dầu. Không ai biết rõ về khối lượng hoặc chất lượng dự trữ dầu mỏ của Inđônêxia nhưng các nhà địa chất học của công ty dầu mỏ lại tràn đầy lạc quan.

 

Càng nghiền ngẫm các cuốn sách tại PBL, tôi càng cảm thấy phấn khích. Tôi bắt đầu tưởng tượng về những cuộc thám hiểm sắp tới. Làm việc cho MAIN, tôi sẽ có một cuộc sống sang trọng và xa hoa thay cho lối sống khắc khổ trong Quân đoàn Hòa bình. Mối quan hệ với Claudine đã biến những gì trước đây chỉ là trong trí tưởng tượng của tôi trở thành sự thật; tất cả như trong một giấc mơ. Tôi cảm thấy phần nào được đền đáp cho quãng thời gian tù túng mà tôi phải trải qua tại các trường nội trú chỉ dành cho học sinh nam.

 

Có một sự thay đổi khác nữa trong cuộc đời tôi: Ann và tôi đã không còn gắn bó nữa. Tôi chắc cô ấy phải cảm nhận được rằng tôi đang sống một cuộc sống hai mặt. Tôi tự bào chữa điều đó là kết quả sự phẫn uất của tôi đối với cô ấy vì cô ấy đã ép chúng tôi làm đám cưới. Dù cô ấy đã chăm sóc và ủng hộ tôi trong suốt quãng thời gian khó khăn tại Quân đoàn Hòa bình ở Êcuađo. Song, cô ấy khiến tôi thấy mình vẫn chưa thoát khỏi sự kìm kẹp của bố mẹ. Tất nhiên, suy cho cùng, tôi biết chắc rằng mối quan hệ của tôi với Claudine mới là nhân tố chính. Tôi không thể kể cho Ann biết về mối quan hệ này, nhưng cô ấy cảm nhận được điều đó. Dẫu sao đi nữa, chúng tôi cũng quyết định bắt đầu sống ly thân.

Vào một ngày trong năm 1971, khoảng một tuần trước khi phải đến Inđônêxia theo kế hoạch, tôi đến chỗ Claudine. Trên chiếc bàn nhỏ trong phòng ăn có bày nhiều loại pho mát với bánh mì và cả một chai Beaujolais loại ngon. Claudine nâng cốc chúc mừng tôi. “Anh đã thành công”. Cô ta mỉm cười nhưng tôi thấy dường như nụ cười của cô ấy không được chân thành cho lắm. “Bây giờ chúng ta đã cùng hội cùng thuyền.”

Chúng tôi trò chuyện khoảng nửa tiếng đồng hồ, sau đó, khi đã gần uống cạn chai rượu, cô ta nhìn tôi với ánh mắt mà tôi chưa từng bắt gặp ở bất cứ ai. “Đừng bao giờ thú nhận với ai về những lần chúng ta gặp nhau”, cô ta nói một cách lạnh lùng. “Nếu anh làm như vậy tôi sẽ không tha thứ, và sẽ phủ nhận là đã từng gặp anh”. Cô ta nhìn tôi chằm chằm- và sau đó cười nhạt. “Kể cho người khác nghe về chúng ta sẽ chỉ làm cho cuộc sống của anh trở nên nguy hiểm”.

Tôi choáng váng. Tôi bàng hoàng. Nhưng sau đó, khi một mình quay trở lại Trung tâm Prudential, tôi phải thừa nhận cái kế hoạch của cô ấy thật sự thông minh. Sự thật là tất cả những lần chúng tôi gặp nhau đều diễn ra tại căn hộ của cô ấy. Không có bất cứ một bằng chứng nào về mối quan hệ của chúng tôi, và không ai ở MAIN dính líu đến chuyện này. Một phần nào đó, tôi thầm đánh giá cao sự trung thực của cô ấy; cô ta đã không lừa tôi như bố mẹ tôi trong vụ Tilton và Middlebury.

 

Chương 4 Giải thoát một đất nước.

 

 

 

Tôi có một cái nhìn lãng mạn về Inđônêxia, đất nước mà tôi sắp đến sinh sống trong vòng ba tháng tới. Những bức tranh trong một vài quyển sách tôi đọc mô tả những người phụ nữ xinh đẹp với những chiếc sarông màu sắc tươi sáng, những vũ công Bali hấp dẫn, những vị pháp sư thổi lửa, và những chiến binh chèo thuyền độc mộc trên làn nước xanh biếc dưới chân những ngọn núi lửa. Ấn tượng nhất là một loạt ảnh về những chiến thuyền với những cánh buồm đen lộng lẫy của những tên cướp biển thuộc quần đảo, những kẻ đã làm cho các thủy thủ người Châu Âu trước đây phải khiếp sợ đến nỗi họ trở về nhà và dọa bọn trẻ: “Các con phải ngoan, nếu không bọn cướp biển Bugi sẽ đến bắt các con đi đấy”. Ôi, những bức ảnh này làm tâm hồn tôi xao xuyến biết bao.

 

Lịch sử và những truyền thuyết của đất nước này là một kho tàng lớn với những nhân vật phi thường; những vị thánh đầy giận dữ, những con rồng Cômôđô, những tộc trưởng các bộ lạc Hồi giáo, và những câu chuyện cổ tích mà từ trước khi chúa Giêsu ra đời đã vượt qua những ngọi núi ở Châu Á, xuyên qua các sa mạc xứ Ba Tư và qua cả vùng biển Địa Trung Hải để rồi khắc sâu vào tâm khảm chúng ta. Những cái tên của các hòn đảo huyền thoại- Java, Sumatra, Borneo, Sulawesi làm mê mẩn tâm trí. Đây là một vùng đất của sự huyền bí, tính thần thoại, và vẻ đẹp gợi tính là kho báu luôn ẩn mình mà Columbus tìm nhưng chưa bao giờ thấy; là nàng công chúa mà cả người Tây Ban Nha, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Nhật Bản luôn muốn chinh phục nhưng chưa bao giờ là sở hữu của riêng ai; là ảo ảnh và giấc mơ. Tôi kỳ vòng rất nhiều, có lẽ chẳng khác nào những nhà thám hiểm vĩ đại trước đây. Nhưng cũng giống như Columbus, đáng lẽ tôi phải biết kiềm chế bớt những ảo tưởng. Đáng lẽ tôi phải biết rằng ngọn đèn của số phận chẳng bao giờ là hình ảnh trong tưởng tượng. Inđônêxia là kho báu đầy hứa hẹn nhưng không phải là một phương thuốc trị bách bệnh mà tôi mong đợi. Thật ra, những ngày đầu tiên của tôi ở thủ đô Jakarta đầy ẩm thấp vào mùa hè năm 1971 là một cú sốc.

 

Vẻ đẹp vẫn hiện hữu. Những phụ nữ xinh đẹp trong bộ sarông sặc sỡ. Những khu vườn sang trọng rực rỡ đầy hoa. Những vũ công Bali thật hấp dẫn. Những chiếc xích lô với những hình vẽ bảy sắc cầu vồng vui mắt. Những khu biệt thự và những ngọn tháp nhà thờ từ thời thuộc địa Hà Lan. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cái xấu và sự bi thảm cũng tồn tại. Thay cho bàn tay lành lặn là những cùi tay đầy máu của những người bị bệnh phong. Những cô gái trẻ bán thân chỉ để nhận vài đồng. Những con mương tuyệt đẹp từ thời thuộc địa nay đã trở nên ô nhiễm. Những căn nhà làm bằng bìa các tông dọc hai bên bờ rác rưởi của những con sông đen kịt nơi có nhiều gia đình chui rúc. Những tiếng còi inh ỏi và khói bụi đến nghẹt thở. Nét đẹp và cái xấu, sự thanh tao bên cạnh cái thô thiển, tính thiêng liêng và sự trần tục. Đó chính là Jakarta, nơi mà mùi thơm đầy quyến rũ của cây đinh hương và những loài hoa lan nở rộ phải chống chọi lại với luồng khí độc xông lên từ các cống rãnh lộ thiên.

 

Tôi đã từng nhìn thấy cảnh đói nghèo. Một vài người bạn học ở New Hamsphire đã sống trong những ngôi nhà bằng giấy nhựa lụp xụp, đến trường trong chiếc áo khoác mỏng và đi những đôi giầy thể thao sờn cũ giữa những tháng ngày mùa đông khi nhiệt độ dưới 00; người họ bốc lên mùi mồ hôi và mùi phân bón lâu ngày vì không được tắm rửa. Tôi đã từng sống trong những căn lều đắp bằng bùn cùng những người nông dân vùng núi Andy với những bữa ăn chỉ toàn ngô và khoai tây khô, ở những nơi mà nhiều lúc dường như một đứa trẻ chết ngay khi vừa mới chào đời. Tôi đã từng thấy sự nghèo đói, nhưng không có nơi nào giống với Jakarta.

 

Tất nhiên đoàn chúng tôi ở lại khách sạn đẹp nhất nước này, khách sạn Inter Continental Inđônêxia. Sở hữu bởi hãng hàng không Pan America, cũng giống như một chuỗi khách sạn Inter Continental khác nằm rải rác khắp toàn cầu, khách sạn này luôn chiều theo ý những người ngoại quốc giàu có, đặc biệt là những tay giám đốc của các công ty dầu lửa và gia đình họ. Vào buổi tối đầu tiên, tay quản lý  dự án, Charlie Illingworth, mở tiệc chiêu đãi chúng tôi tại nhà hàng sang trọng trên tầng thượng.

Charlie là một người rất am hiểu chiến tranh; ông ta dành phần lớn thời gian rảnh rỗi để đọc sách và các tiểu thuyết lịch sử về những vị tướng lĩnh vĩ đại và những trận chiến lẫy lừng. Ông ta là một ví dụ điển hình về những người lính không trực tiếp tham gia chiến đấu nhưng rất ủng hộ cuộc chiến tranh Viêt Nam. Như thường lệ, buổi tối hôm đó ông ta mặc bộ quần áo kaki có hai cầu vai kiểu quân đội trên vai chiếc áo cộc tay.

Sau khi chào đón chúng tôi, ông ta châm một điếu xì gà. “Mừng cuộc sống tốt đẹp”, ông ta nói và nâng cao ly rượu sâm banh. “Mừng cuộc sống tốt đẹp”, chúng tôi cũng đáp lại, và cùng chạm cốc. Khói thuốc xì gà cuộn tròn quanh Charlie, ông ta liếc nhìn quanh căn phòng. “Ở đây chúng ta sẽ được nuông chiều,” ông ta vừa nói vừa gật đầu một cách tán thưởng. “Người Inđônêxia sẽ chăm sóc chúng ta. Người ở Sứ quán Mỹ cũng vậy. Nhưng đừng quên là chúng ta còn có sứ mệnh phải hoàn thành”. Ông ta nhìn xuống tập giấy viết sẵn. “Đúng vậy, chúng ta đến đây để lập một bản qui hoạch tổng thể về điện khí hóa cho đảo Java- vùng đất có mật độ dân số đông nhất thế giới. Nhưng đó mới chỉ là bề mặt của tảng băng.”

 

Ông ta bỗng trở nên nghiêm túc; ông ta làm tôi liên tưởng tới George C. Scott, người đã từng đóng vai Tướng Patton, một trong những người hùng của Charlie. “Chúng ta đến đây để thực hiện không gì khác ngoài nhiệm vụ giải thoát đất nước này".

 

Như các bạn đã biết, Inđônêxia đã trải qua một lịch sử dài và đầy bi thảm. Khi mà đất nước này sẵn sàng bước vào thế kỷ hai mươi thì một lần nữa lại phải đối mặt với thử thách. Trách nhiệm của chúng ta là phải đảm bảo rằng Inđônêxia không đi theo bước chân của những người hàng xóm. Một hệ thống điện hợp nhất là nhân tố chủ chốt. Nhân tố đó, hơn cả các yếu tố đơn lẻ khác (có lẽ chỉ loại trừ yếu tố dầu mỏ), sẽ bảo đảm cho sự thống trị của chủ nghĩa tư bản và chế độ dân chủ”.

 

“Nói đến dầu mỏ”, ông ta rít một hơi thuốc lá và búng nhẹ lên một tờ giấy. “Tất cả chúng ta đều biết đất nước của chúng ta phụ thuộc vào dầu mỏ đến mức nào. Xét về khía cạnh đó, Inđônêxia có thể là một đồng minh hùng mạnh của chúng ta. Vì thế, khi các bạn dựng bản qui hoạch tổng thể này, hãy làm tất cả để bảo đảm cho ngành công nghiệp dầu mỏ và tất cả những ngành phụ trợ - cầu cảng, ống dẫn dầu, công ty xây dựng - có được lượng điện họ cần thiết trong suốt khoảng thời gian của kế hoạch hai mươi lăm năm”.

 

Ông ta rời mắt khỏi tập giấy và nhìn thẳng vào tôi. “Thà cứ phóng đại lên còn hơn là dự báo quá thấp.” Đêm hôm đó, khi nằm trên giường, cao vượt lên khỏi thành phố, an toàn trong sự xa hoa của căn phòng hạng nhất, hình ảnh của Claudine lại đến với tôi. Những bài giảng của cô ta về nợ nước ngoài cứ ám ảnh tôi. Tôi tự an ủi mình bằng cách nhớ lại những bài học trong các khóa học kinh tế vĩ mô tại trường kinh tế. Suy cho cùng, tôi tự nhủ, tôi đến đây để giúp Inđônêxia thoát khỏi một nền kinh tế thời Trung cổ và để có chỗ đứng trong thế giới công nghiệp hiện đại.

Nhưng tôi cũng biết rằng, ngay sáng hôm sau, tôi sẽ nhìn ra ngoài cửa sổ, và xa khỏi sự sang trong của những khu vườn và bể bơi của khách sạn, tôi sẽ thấy những ngôi nhà tôi tàn trải dài hàng dặm theo hình quạt phía bên dưới. Tôi biết rằng ở đó trẻ sơ sinh đang chết vì thiếu lương thực và nước uống, và rằng trẻ em cũng như người lớn đang phải gánh chịu những loại bệnh tật truyền nhiễm khủng khiếp và sống trong điều kiện tồi tệ. 

Trằn trọc trên giường, tôi nhận thấy không thể chối cãi rằng Charlie và những người khác trong nhóm chúng tôi đến đây với những lý do ích kỷ. Chúng tôi đang giúp đẩy mạnh chính sách đối ngoại của Mỹ và lợi ích của các doanh nghiệp. Chúng tôi bị chi phối bởi lòng tham hơn là mong muốn mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho phần lớn người dân Inđônêxia. Một từ xuất hiện trong đầu tôi: tập đoàn trị. Tôi không chắc đã nghe từ này trước đây hay vừa mới nghĩ ra nó, nhưng dường như nó miêu tả rất chính xác nhóm người đầy thế lực với quyết tâm thống trị toàn thế giới.

Đó là một nhóm nhỏ gồm những người có chung một mục đích và các thành viên trong nhóm có thể dễ dành chuyển đổi vị trí thường là giữa các vị trí cấp cao của các tập đoàn và của chính phủ. Tôi chợt nhận ra là chủ tịch đương nhiệm của Ngân hàng Thế giới - Robert Mc Mamara là một ví dụ hoàn hảo. Ông ta đã chuyển từ vị trí là giám đốc của công ty Ford Motor sang là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dưới thời Tổng thống Kenedy và Johnson, và bây giờ lại nắm giữ vị trí cao nhất của một tổ chức tài chính có quyền lực lớn nhất thế giới.

Tôi cũng nhận ra rằng các giáo sư đại học của tôi đã không hiểu hết được bản chất thật sự của kinh tế vĩ mô: rằng trong nhiều trường hợp, giúp một nền kinh tế tăng trưởng chỉ làm cho một số ít người đã giàu lại càng giàu thêm, trong khi chẳng làm được gì cho những người ở dưới đáy xã hội ngoại trừ việc đẩy họ xuống thấp hơn. Quả thực, củng cố chủ nghĩa tư bản thường dẫn đến một hệ thống cũng tương tự như những xã hội phong kiến thời Trung cổ. Nếu bất kỳ một giáo sư nào của tôi biết điều này, họ cũng không thừa nhận nó - có thể là vì các tập đoàn lớn và những ông chủ tập đoàn là người tài trợ cho các trường đại học. Vạch trần sự thật chắc chắn sẽ làm những vị giáo sư đó mất việc - cũng như tiết lộ bí mất sẽ làm tôi trắng tay.

 

Những suy nghĩ đó tiếp tục làm xáo trộn giấc ngủ của tôi hằng đêm ở khách sạn Inter Continental Inđônêxia. Cuối cùng, tôi tìm cách biện hộ cho chính bản thân mình: tôi đã phải đấu tranh để tìm đường thoát khỏi New Hamsphire, thoát khỏi trường nội trú, và thoát quân dịch. Vị trí trong cuộc sống tươi đẹp mà tôi hiện có là kết quả của sự kết hợp giữa một chuỗi các sự kiện ngẫu nhiên và lao động miệt mài. Tôi cũng cảm thấy nhẹ nhõm với sự thật rằng tôi đang làm việc đúng đắn xét theo cái nhìn từ nền văn hóa của chúng tôi. Tôi đang trên đường trở thành một nhà kinh tế học thành công và được kính trọng. Tôi đang làm theo những gì đã được học ở trường kinh tế. Tôi đang giúp thực hiện một mô hình phát triển đã được những chuyên gia cố vấn hàng đầu thế giới với những bộ óc vĩ đại thừa nhận. Tuy nhiên, những lúc nửa đểm, tôi thường phải tự an ủi bản thân với một lời hứa rằng một ngày nào đó tôi sẽ nói lên sự thật. Rồi tôi đọc những tiểu thuyết của Louis L’amour về những tay súng Miền Tây cho đến khi ngủ thiếp đi.

 

 

  1. Confessions of an Economic Hit Man

  2. Confessions of an Economic Hit Man

  3. Confessions of an Economic Hit Man

  4. Confessions of an Economic Hit Man

  5. Confessions of an Economic Hit Man

  6. Confessions of an Economic Hit Man

  7. Confessions of an Economic Hit Man

  8. Confessions of an Economic Hit Man

  9. Confessions of an Economic Hit Man

  10. Confessions of an Economic Hit Man

 

http://www.chinhnghia.com/

http://chinhnghiaviet.informe.com/forum/

http://nguoidalat.informe.com/forum/

http://chinhnghiamedia.informe.com/forum/

 

 

 

 

Your name:


Your email:


Your comments: