Trang ChủKim ÂuBáo ChíLưu TrữVấn ĐềChính Nghĩa ViệtĐà LạtThư QuánDịch ThuậtTự Điển

Tác Phẩm Chính Nghĩa BBC LONDON HISTORY AUSTRALIAN RFI PARIS Chân Thiện Mỹ Tác Giả

ESPN3BannerLottery

 

 

 

 

US Senator John McCain , Kim Âu Hà văn Sơn

NT Kiên , UCV Bob Barr, Kim Âu Hà văn Sơn

 

 

 

 

 

Nguyễn Thái Kiên , Kim Âu Hà văn Sơn, Cố vấn an ninh đặc biệt của Reagan-Tỷ phú Ross Perot,Tŕnh A Sám

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Lời thú tội của một Sát thủ Kinh tế

 

"Confessions of an Economic Hit Man"

 

  

Tác giả: John Perkins

 

 

 

 

PHẦN III: 1975-1981

 

Chương 17

Các cuộc đàm phán về kênh đào Panama và Graham Greene

 

 

 

Ảrập Xêút đã làm nên sự nghiệp của rất nhiều người, trong đó có cả tôi. Nhưng những thành công của tôi tại vương quốc sa mạc này còn mở ra một cánh cửa mới. Cho đến năm 1977, tôi đã xây dựng được cho mình một đế chế nho nhỏ với một đội ngũ chuyên gia gồm khoảng 20 người làm việc tại trụ sở Công ty ở Boston, một nhóm các nhà tư vấn đến từ các phòng ban khác và các văn phòng rải rác trên khắp thế giới của MAIN. Tôi trở thành hội viên trẻ nhất trong lịch sử một trăm năm của Công ty. Ngoài chức vụ Kinh tế trưởng, tôi còn là Trưởng Ban Kinh tế và Hoạch định chính sách. Tôi đã đến giảng bài ở Harvard và một số nơi khác, báo chí cũng thường đăng ý kiến của tôi về những sự kiện đang diễn ra.(1)

Chiếc thuyền buồm của tôi đậu ở cảng Boston ngay bên cạnh con tàu chiến nổi tiếng Constitution, “Old Ironsides”, con tàu đã đánh bại bọn cướp biển Barbary không lâu sau Chiến tranh Cách mạng. Cùng với một mức lương lý tưởng, số cổ phiếu mà tôi sở hữu cũng hứa hẹn sẽ đưa tôi trở thành một trong số ít những nhà triệu phú trước khi tôi tròn 40 tuổi. Đúng là cuộc hôn nhân của tôi đã thất bại, nhưng bù lại tôi đã kết thân với nhiều phụ nữ xinh đẹp và quyến rũ trên khắp các châu lục.

Bruno đã đưa ra ý tưởng về một phương pháp dự báo vô cùng sáng tạo: một mô hình kinh tế lượng dựa trên những ghi chép của một nhà toán học người Nga hồi đầu thế kỷ. Mô hình gán các xác suất chủ quan với các dự báo cho rằng một số khu vực cụ thể của một nền kinh tế sẽ tăng trưởng. Đây dường như là một công cụ lý tưởng để biện hộ cho mức tăng trưởng giả tạo mà chúng tôi thường đưa ra để có được những khoảng vay lớn, và Bruno đề nghị tôi xem xét liệu tôi có thể làm gì với cách tiếp cận này.

Tôi đưa một nhà toán học trẻ từ Học viện Kỹ thuật Massachusset (MIT), giáo sư Nadipuram Prasad về và giao cho anh ta một ngân sách riêng. Trong vòng sáu tháng, anh ta đã xây dựng phương pháp Markov cho mô hình kinh tế lượng. Chúng tôi đã cùng viết một loạt các bài nghiên cứu, trong đó nêu rõ Markov là một phương pháp mang tính đột phá dùng để dự báo tác động của đầu tư cơ sở hạ tầng đối với tăng trưởng kinh tế. Đó chính là những gì chúng tôi đang cần: Một công cụ có thể “chứng minh” một cách khoa học là chúng tôi đang làm lợi cho các nước bằng cách giúp họ có được những khoản vay mà họ không bao giờ có khả năng thanh toán.

Bên cạnh đó, chỉ một nhà kinh tế lượng nhiều kinh nghiệm, được đầu tư nhiều thời gian và tiền bạc nghiên cứu mới có thể nắm bắt được sự phức tạp của phương pháp Markov hay đặt ra những nghi vấn về các kết luận của nó. Các nghiên cứu của chúng tôi đã được một số tổ chức có uy tín công bố, chúng tôi cũng đã chính thức trình bày các nghiên cứu này trong các cuộc hội thảo và tại các trường đại học ở một số nước. Những nghiên cứu này- và cả chúng tôi nữa- đã trở nên nổi tiếng trong ngành dự báo.(2)

 Omar Torrijos và tôi tôn trọng thỏa thuận bí mật giữa hai chúng tôi. Tôi bảo đảm rằng nghiên cứu của chúng tôi là trung thực và những kiến nghị mà chúng tôi đưa ra có lợi cho người nghèo. Mặc dù có những lời phàn nàn rằng các dự báo mà tôi làm cho Panama không đạt tiêu chuẩn thổi phồng như thông thường, thậm chí có vẻ như các dự báo đó còn mang hơi hướng của chủ nghĩa xã hội, nhưng thực tế là MAIN vẫn tiếp tục giành được các hợp đồng từ Chính phủ của Torrijos. Hợp đồng đầu tiên là xây dựng quy hoạch tổng thể với sáng kiến gắn nông nghiệp với các ngành truyền thống. Tôi cũng theo dõi việc Torrijos và Jimmy Carter chuẩn bị đàm phán lại Hiệp ước Kênh đào. Các cuộc đàm phán về kênh đào Panama đã lôi cuốn sự chú ý của toàn thế giới. Khắp nơi trên thế giới người ta chờ xem liệu Mỹ sẽ làm điều mà hầu hết các nước khác đều ủng hộ là để người Panama có quyền kiếm soát kênh đào này, hay sẽ cố gắng thiết lập lại một phiên bản mới của Thuyết Bành trướng do định mệnh trên toàn cầu, vốn đã từng bị lung lay sau thất bại của Mỹ tại Việt Nam. Đối với nhiều người, một người biết nghe lẽ phải và nhân ái như Carter dường như đã được bầu lên làm Tổng thống vào thời điểm thích hợp. Tuy nhiên, thành trì của phe bảo thủ ở Washington và các bài thuyết giáo về quyền tôn giáo lại khiến thế giới phẫn nộ. Làm sao nước Mỹ có thể từ bỏ bức tường thành quốc phòng, từ bỏ biểu tượng về sự khôn ngoan của nước Mỹ, từ bỏ dải biển đã gắn liền sự giàu có của Nam Mỹ với lợi ích thương mại của Mỹ?

Trong những lần tới Panama, tôi thường ở tại Khách sạn Continental. Tuy nhiên, lần thứ năm tới đây, tôi chuyển sang sống ở khách sạn Panama đối diện vì khách sạn Continental đang được tu bổ, và vì thế nó quá ồn. Thoạt đầu, tôi cảm thấy khó chịu vì sự bất tiện này- Continental đã trở thành nhà của tôi mỗi lần tới đây. Nhưng giờ đây khu hành lang rộng nơi tôi đang ngồi, những chiếc ghế mây và những chiếc quạt trần bằng gỗ có những cánh quạt hình mái chèo đã dần trở nên thân thuộc với tôi. Nơi này trông chẳng khác nào một cảnh quay trong phim Casablanca, và tôi tưởng tượng Humphrey Bogart có thể đến ở đây bất cứ lúc nào. Sau khi đọc xong một bài viết của Graham Greene về Panama, tôi đặt tờ New York Review of Books xuống. Nhìn chăm chăm vào những cánh quạt, tôi chợt nhớ lại một buổi tối hai năm về trước.

“Ford không mạnh và ông ta sẽ không thể tái đắc cử đâu”, năm 1975, Torrijos đã dự báo như vậy. Ông nói điều này với một nhóm những người Panama có thế lực. Tôi là một trong số ít những người nước ngoài được mời đến tham dự câu lạc bộ của những người thuộc tầng lớp thượng lưu này. Tôi vẫn còn nhớ tiếng quạt trần quay vù vù khi đó. “Đó là lý do vì sao tôi quyết định đẩy nhanh vấn đề kênh đào. Đây là thời điểm thích hợp để dốc hết sức tiến hành một cuộc chiến chính trị giành lại kênh đào”. Bài phát biểu đó của Torrijos đã cho tôi nguồn cảm hứng. Trở về khách sạn, tôi bắt đầu gạch xóa, chỉnh sửa bài viết mà sau đó tôi gửi cho tờ Boston Globe. Khi ở Boston, Tổng biên tập tờ báo này đã trả lời bằng cách gọi điện đến văn phòng cho tôi yêu cầu tôi viết một đoạn Lời soạn báo.

Và bài viết Năm 1975, chủ nghĩa thực dân không còn chỗ ở Panama đã chiếm gần nửa trang báo cùng với mục xã luận trong tờ báo số ra ngày 17/9/1975.

Bài viết đưa ra lý do cụ thể để giao lại kênh đào này cho người Panama. Thứ nhất, “Tình hình hiện tại là không công bằng- và đó là một lý do tốt cho bất cứ quyết định nào”. Thứ hai, “Nếu trả lại kênh đào cho người Panama, an ninh sẽ được đảm bảo tốt hơn so với hiện tại”. Tôi có nhắc tới một nghiên cứu do Ủy ban Kênh đạo liên đại dương thực hiện, trong đó kết luận rằng “chỉ cần một người bình thường cũng có thể làm cho giao thông của kênh đào bị ngưng trệ tới hai năm trời bằng cách gài một quả bom ở phía đập Gatun”, điểm này Tướng Torrijos đã công khai nhấn mạnh. Và thứ ba là “Tình hình hiện tại đang gây ra những vấn đề nghiêm trọng trong mối quan hệ vốn đã rất phức tạp giữa Mỹ và Châu Mỹ Latinh”. Tôi kết luận bài viết đó như sau: Để kênh đào hoạt động liên tục và hiệu quả, cách tốt nhất là giúp người Panama giành lại quyền kiếm soát và trách nhiệm đối với kênh đào. Làm được điều đó, chúng ta có thể tự hào vì hành động này sẽ tái khẳng định những cam kết của chính chúng ta từ 200 năm trước về quyền tự quyết...

Chủ nghĩa thực dân đã từng rất được hoan nghênh vào đầu thế kỷ này cũng như vào năm 1775. Trong bối cảnh lịch sử đó, một hiệp ước như vậy có thể được chấp nhận. Nhưng ngày nay, không gì có thể biện minh cho hiệp ước đó. Năm 1975, chủ nghĩa thực dân đã không còn chỗ đứng. Để kỷ niệm mốc hai trăm năm chúng ta phải thừa nhận điều này và hành động cho hợp lẽ.(3)

Dám viết một bài như vậy là rất táo bạo, nhất là khi tôi vừa trở thành hội viên của MAIN. MAIN không muốn các hội viên của mình tiếp xúc với báo chí và tất nhiên là hạn chế họ công bố những bài công kích chính trị trên trang xã luận của tờ báo có uy tín nhất New England này. Tôi nhận được cả đống thư từ với những lời lẽ bẩn thỉu từ những người cùng công ty, đa số các đoạn thư nặc danh đều đính kèm bản sao bài viết của tôi. Tôi biết chắc một trong số các bức thư viết tay đó là của Charlie Illingworth vì tôi nhận ra nét chữ của ông ta. Charlie Illingworth là Giám đốc dự án đầu tiên mà tôi tham gia, ông ta đã làm việc ở MAIN hơn mười năm (còn tôi mới chưa đầy 5 năm) mà vẫn chưa được là hội viên. Bức thư đó rất ngắn gọn, chỉ có một hình đầu lâu xương chéo rất to, bên dưới là một dòng chữ ngắn ngủi: “Liệu tên cộng sản này có thực là một hội viên của công ty chúng ta hay không?”

 

Bruno cho gọi tôi vào phòng và bảo: “Anh sẽ gặp rất nhiều phiền phức vì bài báo đó. MAIN là một công ty cực kỳ bảo thủ. Nhưng tôi nghĩ là anh rất khôn ngoan. Torrijos sẽ thích bài báo đó; tôi cũng hy vọng anh sẽ gửi một bản sao bài đó cho ông ấy. Những kẻ thích đùa trong công ty, những người nghĩ là Torrijos theo chủ nghĩa xã hội, sẽ chẳng quan tâm lắm đâu chừng nào công việc vẫn đổ về chỗ chúng ta”.

 

Như thường lệ, Bruno đã đúng. Năm 1977, Carter bước vào Nhà trắng. Những cuộc đàm phán nghiêm túc về kênh đào Panama được tiến hành. Rất nhiều đối thủ của MAIN đã chọn sai hướng và bị đánh bật ra khỏi Panama, trong khi đó công việc của chúng tôi tăng lên gấp bội. Giờ tôi đang ngồi tại tiền sảnh Khách sạn Panama, vừa đọc xong một bài báo của Graham Greene trên tờ New York Review of Books.

 

Bài báo “Đất nước trên năm mặt trận” là một bài viết sắc sảo, dám bàn luận đến nạn tham nhũng trong hàng ngũ các sỹ quan cao cấp thuộc lực lượng Cận vệ Quốc gia Panama. Theo lời tác giả, chính bản thân vị tướng đã phải thừa nhận rằng ông đã dành cho cấp dưới rất nhiều đặc ân, ví dụ cấp nhà ở sang trọng cho họ vì “nếu tôi không cho họ, CIA sẽ làm việc đó”. Bài viết rõ ràng ngụ ý là tình báo Mỹ quyết phá vỡ mong muốn của Tổng thống Carter, và nếu cần, họ sẽ hối lộ các sỹ quan quân đội Panama để phá hoại tiến trình đàm phán(4).

Tôi không thể không tự hỏi liệu những tên sát nhân đã bắt đầu tính đến chuyện hãm hại Torrijos hay chưa. Tôi đã từng nhìn thấy bức ảnh chụp Torrijos và Greene cùng ngồi với nhau, đăng trên mục “Nhân vật” của tờ Time hay Newsweek. Dưới bức ảnh chú thích, tác giả là một vị khách đặc biệt, là một người bạn tốt của tướng Torrijos. Tôi không hiểu vị tướng nghĩ gì về việc một nhà văn mà ông hết sức tin cậy lại viết một bài phê bình như vậy.

Bài viết của Graham Greene còn đặt ra câu hỏi khác, liên quan đến cái ngày tôi ngồi uống cà phê với Tướng Torrijos năm 1972. Khi đó, tôi cho rằng Tướng Torrijos biết cái trò viện trợ nước ngoài là để làm ông giàu lên trong khi đưa đất nước ông lâm vào cảnh khốn cùng do nợ nần. Tôi chắc ông biết tất cả những thứ đó diễn ra vì người ta tin rằng tất cả các quan chức đều dễ bị mua chuộc. Ông cũng biết rằng, việc ông quyết không theo đuổi lợi ích cá nhân- mà thay vào đó là sử dụng viện trợ nước ngoài để thực sự giúp người dân của mình- sẽ được coi là một mối đe dọa, và rốt cục có thể làm lung lay toàn bộ hệ thống. Cả thế giới đang dõi theo người đàn ông này; hành động của ông không chỉ có ảnh hưởng ở Panama mà còn lên toàn thế giới vì thế không thể xem nhẹ.

Tôi đã từng hỏi, liệu chế độ tập đoàn trị sẽ phản ứng thế nào khi những khoản vay dành cho Panama có thể giúp cho người nghèo mà không gây ra những khoản nợ khổng lồ. Giờ đây tôi lại băn khoăn không biết liệu Torrijos có ân hận với những gì mà tôi và ông đã thỏa thuận với nhau ngày hôm đó - bản thân tôi cũng không mấy chắc chắn về suy nghĩ của mình đối với những thỏa thuận đó. Tôi đã rút khỏi vai trò sát thủ kinh tế của mình. Tôi chấp nhận chơi theo luật của ông chứ không phải của tôi, đã chấp nhận những đòi hỏi về sự chân thực của ông để lấy nhiều hợp đồng hơn. Nếu chỉ xét đơn thuần về mặt kinh tế, đó là một quyết định làm ăn khôn ngoan cho MAIN. Tuy nhiên, điều đó lại không đúng với những gì mà Claudine đã tiêm nhiễm cho tôi: nó không củng cố cho đế chế toàn cầu. Có phải giờ đây nó đã tạo điều kiện để cho những tên chó săn được thả sức tung hoành không?

Lịch sử Châu Mỹ Latinh có không ít những anh hùng đã ra đi, tôi đã nghĩ như vậy khi rời khỏi căn nhà gỗ của Torrijos ngày hôm đó. Một hệ thống được dựng lên bởi những quan chức tham nhũng không thể tử tế với những người không thể bị mua chuộc. Đột nhiên tôi cảm giác mình như bị hoa mắt. Một bóng dáng quen thuộc đang đi chầm chậm dọc theo hành lang. Lúc đầu, tôi bối rối đến mức tin rằng đó là Humphrey Bogart, nhưng Bogart đã qua đời từ rất lâu rồi. Sau đó tôi nhận ra người đàn ông đang nhẹ nhàng đi ngang qua tôi là một trong những nhân vật vĩ đại trong làng văn học hiện đại Anh, tác giả của Kiêu hãnh và Vinh quang, Những diễn viên hài, Những người đàn ông của chúng tôi ở Havana, và của bài báo mà tôi vừa đặt xuống chiếc bàn cạnh mình. Graham Greene ngập ngừng trong giây lát, nhìn xung quanh rồi đi thẳng đến quầy ăn.

Tôi muốn gọi hoặc đuổi theo ông, song tôi đã dừng lại. Một giọng nói trong tôi vang lên bảo rằng ông cần sự riêng tư; một giọng nói khác lại bảo ông ta sẽ tránh xa tôi. Tôi cầm tờ New York Review of Books lên, và chỉ một lúc sau đã ngạc nhiên thấy mình đang đứng trên lối vào quầy ăn.

Tôi đã ăn điểm tâm rồi nên khi tôi bước vào, người phục vụ nhìn tôi với ánh mắt ngạc nhiên. Tôi liếc nhìn xung quanh. Graham Greene đang ngồi một mình ở chiếc bàn sát tường. Tôi chỉ chiếc bàn bên cạnh ông và hỏi người phục vụ: “Liệu tôi có thể ngồi ở kia và ăn thêm một bữa điểm tâm nữa không?” Tôi vốn là người hay boa tiền rộng rãi, nên người phục vụ mỉm cười một cách ranh mãnh và đưa tôi đến chiếc bàn đó. Greene như đang bị hút vào tờ báo ông đang đọc. Tôi gọi cafe và bánh sừng bò mật ong.

Tôi muốn biết Greene nghĩ gì về Panama, về Tướng Torrijos và về vụ kênh đào Panama, nhưng tôi còn chưa biết bắt chuyện với ông như thế nào. Rồi chợt ông ngẩng lên, uống một ngụm nước.

 

“Xin lỗi ông”, tôi nói. Ông nhìn tôi giận dữ - hay ít ra thì tôi cảm thấy thế. “Vâng?”

 

“Tôi rất ghét làm phiền người khác một cách đột ngột như thế này, nhưng xin hỏi ông có phải Graham Greene?” “Vâng, nhưng tại sao ông nhận ra tôi?”. Ông mỉm cười ấm áp, “ở Panama hầu hết mọi người không nhận ra tôi.”

 

Tôi liền thú nhận rằng ông là tác giả mà tôi yêu thích nhất, và sau đó tôi giới thiệu tóm tắt với ông về cuộc đời mình, về công việc của tôi ở MAIN và những lần gặp gỡ Torrijos. Ông hỏi liệu tôi có phải là nhà tư vấn đã viết bài báo về việc Mỹ nên rút khỏi Panama không: “Trên tờ Boston Globe thì phải, nếu tôi nhớ không nhầm?” Tôi ngạc nhiên đến sững sờ. “Ở vào địa vị của ông, đó là một hành động dũng cảm”, ông nói: “Ông không ngại chuyển sang ngồi cùng bàn với tôi chứ?”

 

Tôi chuyển sang bàn của Greene và ngồi đó với ông cả tiếng rưỡi đồng hồ. Qua nói chuyện, tôi nhận thấy, quan hệ giữa Greene và Tướng Torrijos đã trở nên thân thiết thế nào. Đôi khi Greene nói về vị tướng như một người cha nói về con trai mình vậy. Ông nói: “Tướng Torrijos muốn tôi viết một cuốn sách về đất nước của ông ta. Tôi vừa mới bắt tay vào việc đó. Nó sẽ là một câu chuyện có thực - hơi khác với thói quen thông thường của tôi”.

 

Tôi hỏi ông tại sao ông thường viết tiểu thuyết mà không viết truyện hiện thực

 

“Viết những điều hư cấu an toàn hơn”, ông nói. “Phần lớn những đề tài mà tôi viết là những vấn đề gây tranh cãi. Về Việt Nam, về Haiti, về cách mạng Mêxicô. Rất nhiều nhà xuất bản sợ phải xuất bản những cuốn truyện theo chủ nghĩa hiện thực về các đề tài này.” Ông chỉ vào tờ New York Review of Books mà tôi đang đặt bên chiếc bàn bên cạnh.

 

“Những từ ngữ kiểu như thế này có thể đem lại những tổn thất lớn”. Rồi ông cười nói tiếp: “Bên cạnh đó, tôi thích viết truyện hư cấu. Khi viết hư cấu tôi thấy mình tự do hơn”. rồi ông chăm chú nhìn tôi, nói: “Điều quan trọng là viết về những điều có ý nghĩa. Giống như bài báo của anh trên tờ Globe về kênh đào Panama ấy”.

 

Rõ ràng ông rất khâm phục Tướng Torrijos. Có vẻ như người đứng đầu nhà nước Panama đã gây được ấn tượng mạnh với nhà văn này, giống như đối với những người nghèo và vô sản. Tôi cũng cảm nhận được rằng Greene rất lo cho tính mạng của bạn mình. “Đấu lại với tên Khổng lồ của phương Bắc là một khó khăn ghê gớm”, ông lắc đầu buồn bã, “tôi lo cho sự an toàn của ông ấy”. Đã đến lúc Greene phải đi. “Tôi phải kịp chuyến bay sang Pháp”, ông nói, chậm rãi đứng dậy và bắt tay tôi. Ông nhìn thẳng vào mắt tôi: “Sao anh không viết sách”, ông gật đầu đầy khích lệ, “anh rất có năng khiếu. Nhưng anh nên nhớ, phải luôn viết về những điều có ý nghĩa”.

 

Ông quay bước đi, rồi chợt dừng lại, quay đầu nói với tôi: “Đừng lo. Tướng Torrijos sẽ không sao đâu, ông ấy sẽ lấy lại được kênh đào”. Torrijos đúng là đã lấy lại được kênh đào. Trong cùng năm đó, năm 1977, ông đã đàm phán thành công các hiệp ước mới về quyền kiểm soát kênh đào Panama với Tổng thống Carter. Sau đó Nhà trắng phải thuyết phục Nghị viện Mỹ thông qua hiệp ước.

Một cuộc đấu tranh dai dẳng và đầy cam go diễn ra. Theo kết quả kiểm phiếu cuối cùng, Hiệp ước Kênh đào đã được phê chuẩn nhờ hơn đúng một phiếu. Phe bảo thủ sẽ trả đũa vụ này. Vài năm sau đó, khi cuốn sách Tìm hiểu về vị tướng của Graham Greene được xuất bản, ông đề tặng: “Tặng những người bạn của bạn tôi, Omar Torrijos, ở Nicaragua, El Salvado và Panama”.

 

 

 

Chương 18

Vua của những vị vua

 

 

 

Trong khoảng thời gian từ năm 1975 đến năm 1978, tôi thường đến Iran. Đôi khi tôi di chuyển giữa Mỹ Latinh hoặc Indonesia và Teheran. Sa (vua của những vị vua, danh hiệu chức thức của ông) là một trường hợp hoàn toàn khác với những nước mà chúng tôi từng làm việc.

Iran rất nhiều dầu, và giống như Ảrập Xêút, nó không cần phải vay nợ để tài trợ cho những dự án đầy tham vọng của mình. Tuy nhiên, Iran hoàn toàn khác Ảrập Xêút vì phần lớn dân số nước này không phải là người Ả rập mà chủ yếu là người Trung Đông và người theo đạo Hồi. Bên cạnh đó, nước này còn có một lịch sử đầy rẫy những xáo trộn về chính trị - kể cả trong nước và với các nước láng giềng. Vì thế, chúng tôi đã dùng một cách khác: Washington và giới kinh doanh cùng hợp lực biến Sa thành một biểu tượng của sự tiến bộ.

Chúng tôi đã tập trung mọi nỗ lực để chứng minh cho cả thế giới thấy rằng, một đất nước hùng mạnh, dân chủ, làm bạn với những lợi ích chính trị và quyền lợi tập thể của Mỹ sẽ làm được gì. Chẳng hề bận lòng đến cái tiếng không dân chủ rõ rành rành, cũng như một sự thật tuy ít lộ liễu hơn là CIA đã sắp đặt âm mưu nhằm lật đổ vị thủ tướng đã được phái dân chủ chọn; Washington và các đối tác đồng minh của mình quyết chứng minh cho được rằng, chính phủ của nhà vua có thể là hình mẫu thay thế cho chính phủ ở các nước như Iraq, Libi, Trung Quốc, Triều Tiên và nhiều quốc gia khác, nơi đang dấy lên một làn sóng ngầm mạnh mẽ chống lại Mỹ.

Nếu chỉ nhìn bề ngoài, Sa tỏ ra là một người bạn cấp tiến của những người dân yếu thế. Năm 1962, Sa ra lệnh phân chia tất cả những vùng đất riêng rộng lớn và trao trả lại cho nông dân. Năm tiếp theo, ông ta phát động cuộc Cách mạng trắng, trong đó có chương trình cải cách kinh tế – xã hội toàn diện. Những năm 70, quyền lực của OPEC không ngừng lớn mạnh, và nhà vua ngày càng có ảnh hưởng trên trường quốc tế. Cùng thời gian đó, Iran cũng xây dựng một trong những lực lượng quân đội hùng mạnh nhất ở khu vực Trung Đông theo Đạo hồi.(1)

MAIN tham gia vào các dự án trên hầu khắp Iran, từ những khu du lịch dọc biển Caspi ở phía bắc đến các căn cứ quân sự bí mật nhìn ra eo biển Hormuz ở miền nam. Cũng như mọi lần, công việc chính của chúng tôi là dự báo các tiềm năng phát triển của khu vực và thiết kế các mạng lưới phân phối, truyền tải và phát điện đủ để cung cấp năng lượng cần thiết cho phát triển công nghiệp và thương mại, để hiện thực hóa những con số dự báo này.       

Dần dần tôi đi hầu hết các vùng của Iran. Tôi đi theo những con đường lạc đà qua những ngọn núi trên sa mạc, từ Kirman đến Bandar ‘Abbas, lang thang quanh các tàn tích Persepolis, nơi từng là cung điện huyền thoại của những vị vua cổ và cũng là một trong những kỳ quan của thế giới Cổ đại. Tôi đã đi đến những địa danh nổi tiếng tráng lệ của đất nước này: Shiraz, Isfahan, và thành phố của những chiếc lều vải gần Persepolis, nơi Sa lên ngôi. Dần dần, tôi trở nên yêu mảnh đất này và những con người đầy phức tạp của nó.     

Bề ngoài, Iran có vẻ là một hình mẫu cho sự kết hợp giữa đạo Hồi và đạo thiên chúa. Song, tôi nhanh chóng nhận ra rằng, cái bề ngoài yên bình đó có thể che giấu cả một sự oán giận sâu sắc bên trong.

Một buổi chiều muộn năm 1977, tôi trở lại phòng mình ở khách sạn và tìm thấy một tờ giấy nhét dưới cửa. Tôi kinh ngạc thấy trong đó có chữ ký của một chỉ thị tên là Yamin. Tôi chưa bao giờ gặp ông ta, nhưng trong một chỉ thị của Chính phủ, ông ta được mô tả như một nhân vật nổi tiếng với quan điểm cấp tiến và tư tưởng lật đổ mạnh mẽ nhất. Với nét chữ tiếng Anh tuyệt đẹp, ông mời tôi đến gặp ông tại một nhà hàng do ông chọn. Song, có một lời cảnh báo trước: tôi chỉ được đến nếu thực sự quan tâm đến một bộ mặt khác của đất nước Iran mà hầu hết những người “ở vị trí của tôi” không bao giờ thấy. Tôi tự hỏi không biết Yamin có biết gì về vai trò thực sự của tôi hay không. Tôi nhận ra rằng, tôi đang phải chấp nhận một rủi ro lớn, song, tôi không thể chống lại cái ý muốn gặp mặt nhân vật đầy bí hiểm này.

Taxi thả tôi xuống trước một cái cổng bé xíu bên trong một bức tường cao- cao đến mức tôi không thể nhìn thấy tòa nhà phía bên trong. Một phụ nữ Iran xinh đẹp, vận áo choàng đen dài dẫn tôi đi dọc theo một hành lang nhỏ, có mái che thấp, được chiếu sáng bởi các đèn dầu trang trí tuyệt đẹp. Đến cuối hành lang, chúng tôi bước vào một căn phòng sáng chói, khiến tôi lóa cả mắt, như thể đang ở bên trong một viên kim cương vậy. Khi mắt đã bắt đầu quen với ánh sáng, tôi mới thấy tường của căn phòng đều được khảm đá quý và xà cừ. Nhà hàng được chiếu sáng bằng những ngọn nến trắng cao, vươn lên từ những chân đèn bằng đồng, được chạm khắc hết sức tinh xảo.

Một người đàn ông cao lớn, với mái tóc đen dài, vận một bộ complet màu xanh nước biển được cắt may riêng tiến đến bắt tay tôi. Ông ta tự giới thiệu mình là Yamin. Giọng nói của ông cho thấy ông ta là một người Iran, từng được giáo dục trong hệ thống trường học của Anh. Ngay lập tức, tôi vô cùng sửng sốt bởi ông chẳng hề giống với một phần tử cấp tiến có tư tưởng lật đổ chút nào. Ông mời tôi đi qua mấy dãy bàn, nơi các cặp tình nhân đang lặng lẽ dùng bữa; đến một góc rất kín đáo. Ông cam đoan chúng tôi có thể nói chuyện một cách tuyệt đối bí mật. Tôi thấy rõ ràng nhà hàng này chỉ dành cho những buổi tối hẹn hò bí mật. Và rất có thể, đêm đó, chỉ duy có cuộc gặp mặt của chúng tôi không phải là một cuộc hẹn hò yêu đương.

Yamin rất thân mật. Qua nói chuyện tôi hiểu ra rằng, ông ta nghĩ tôi chỉ dơn thuần là một nhà tư vấn kinh tế, chứ không phải một người với những động cơ không thể tiết lộ. Ông nói ông chọn tôi vì ông biết rằng tôi đã từng là tình nguyện viên của Quân đoàn Hòa bình và vì người ta nói với ông rằng, tôi luôn tìm mọi cơ hội để tìm hiểu về đất nước của ông và hòa nhập với đồng bào ông.

 

“Anh còn rất trẻ so với hầu hết những người khác ở vị trí của anh”, ông ta nói. “Anh rất quan tâm đến đất nước tôi và đến những vấn đề hiện thời của chúng tôi. Anh là niềm hy vọng của chúng tôi.”

 

Câu nói này, khung cảnh của nhà hàng, bề ngoài của Yamin, và sự hiện diện của rất nhiều người nữa trong nhà hàng, mang lại cho tôi cảm giác khá thoải mái. Tôi đã quen với việc mọi người đối xử tốt với mình, giống như Rasy ở Java và Fidel ở Panama, và tôi coi đó như một lời khen và một cơ hội. Tôi biết, tôi khác với những người Mỹ khác bởi tôi luôn say mê những nơi mà tôi đến. Tôi biết, mọi người sẽ nhanh chóng đối xử nồng hậu với bạn nếu bạn sẵn sàng cởi mở tấm lòng và hòa nhập vào nền văn hóa của họ. Yamin hỏi tôi có biết gì về dự án Sa mạc nở hoa không.(2)

 

“Nhà vua tin rằng, sa mạc của chúng tôi từng là những vùng đồng bằng phì nhiêu và những khu rừng xum xuê tươi tốt. Ít nhất thì đó cũng là những gì ông ta quả quyết. Theo truyền thuyết này, dưới triều đại của Alexander Đại đế, những đội quân hùng mạnh đã càn quét qua vùng đất này, mang theo hàng triệu con dê và cừu. Những con vật này đã ăn tất cả cỏ và các loại cây khác. Sự biến mất của những loài thực vật này đã gây nên hạn hán và cuối cùng cả vùng đó biến thành sa mạc. Giờ đây, tất cả những gì chúng tôi phải làm, như nhà vua nói, đó là trồng ở đây hàng triệu, hàng triệu cây. Sau đó, rất nhanh mưa sẽ đến và sa mạc sẽ xanh tươi trở lại. Tất nhiên, để làm được điều này, chúng tôi phải cần đến hàng trăm triệu đô la.”

 

Ông ta cười khiêm nhường. “Các công ty như công ty của anh sẽ kiếm được những món lợi khổng lồ.” “Tôi cược là anh chẳng tin vào truyền thuyết này.”

 

“Sa mạc chỉ là một biểu tượng. Để mang lại màu xanh cho nó, người ta không chỉ cần có nông nghiệp mà còn hơn thế rất nhiều.”

 

Vài người hầu bàn bất ngờ đi đến chỗ chúng tôi với những khay đầy thức ăn Iran được bầy biện rất đẹp. Yamin xin phép tôi để chọn một thực đơn từ nhiều khay thức ăn. Sau đó, ông ta quay trở lại. “Tôi có một câu hỏi cho anh, anh Perkin, xin lỗi nếu tôi có quá đường đột. Điều gì đã tàn phá nền văn hóa của những người dân bản xứ ở nước anh, những người Anh điêng ấy?”

 

Tôi đáp, tôi nghĩ có rất nhiều yếu tố trong đó có lòng tham và sự xuất hiện của những vũ khí tối tân. “Đúng. Hoàn toàn đúng. Tất cả những cái đó đều là nguyên nhân. Nhưng hơn hết, chẳng phải là chính nó đã biến thành sự hủy hoại môi trường ư?” Rồi ông giải thích về việc những cánh rừng và những loài vật như trâu bò đã bị tàn phá thế nào, và khi con người chuyển đến sinh sống ở những vùng đất riêng, thì những gốc rễ căn bản nhất của văn hóa đã bị sụp đổ ra sao.

 

“Anh thấy đấy, tình hình ở đây cũng y như vậy”, ông ta nói. “Sa mạc là môi trường của chúng tôi. Dự án Sa mạc nở hoa đe dọa phá hủy toàn bộ nền văn hóa của chúng tôi. Làm sao chúng tôi có thể để điều đó xảy ra được chứ?”

 Tôi nói với ông rằng, theo tôi hiểu thì ý tưởng về dự án này do chính đồng bào của ông nghĩ ra. Ông đáp trả bằng một tiếng cười đầy hoài nghi, và nói, chính Chính phủ của đất nước tôi đã gieo rắc ý tưởng đó vào đầu óc của nhà vua, và rằng, nhà vua chỉ là một con rối trong tay Chính phủ Mỹ.

 

“Một người dân Persique chính cống sẽ không đời nào để điều đó xảy ra”, Yamin nói. Rồi ông bắt đầu một bài nói dài về mối quan hệ giữa nhân dân ông- những người Bedouins- và sa mạc. Ông nhấn mạnh rằng, nhiều người Iran mặc dù trở thành người thành thị song vẫn đi nghỉ ở sa mạc. Họ dựng những ngôi lều đủ lớn cho cả gia đình và ở đó đến cả tuần.

 

“Chúng tôi - nhân dân tôi - là một phần của sa mạc. Những người dân mà nhà vua đang đòi thống trị bằng bàn tay thép của ông ta không thuộc về sa mạc. Chúng tôi chính là sa mạc.” Sau đó, ông ta kể cho tôi nghe về những kinh nghiệm của chính bản thân ông về sa mạc. Khi buổi tối trôi qua, ông đưa tôi trở lại cánh cửa nhỏ bên trong bức tường cao.  

Xe taxi vẫn đợi tôi ở bên ngoài. Yamin bắt tay và cảm ơn tôi vì đã dành thời gian gặp ông. Một lần nữa, ông nhắc lại đến tuổi trẻ và sự cới mở của tôi, và rằng, việc tôi có được một vị trí như vậy mang lại cho ông niềm hy vọng về tương lai. “Tôi hết sức vui mừng vì gặp được một người như anh vào lúc này.” Ông tiếp tục nắm chặt tay tôi. “Tôi chỉ xin anh thêm một ân huệ nữa: Tôi không đề nghị anh điều này một cách hời hợt đâu. Tôi làm vậy vì sau khi nói chuyện với anh tối nay tôi biết nó sẽ rất có ý nghĩa với anh. Anh sẽ học được nhiều điều từ việc này.”

 

“Vậy tôi có thể làm được gì cho ông?”

“Tôi muốn giới thiệu anh với một người bạn rất thân của tôi, một người có thể nói cho anh biết rất nhiều điều về vị vua của chúng tôi. Ông ta có thể khiến anh sửng sốt, song tôi đảm bảo với anh rằng, anh rất nên giành thời gian gặp ông ta.”

 

 

 

Chương 19

Lời xưng tội của một người chịu nhục hình  

 

 

 

Vài ngày sau, Yamin lái xe đưa tôi ra khỏi thành phố Têhêran, qua một khu nhà ổ chuột bẩn thỉu và nghèo đói, dọc theo con đường mòn lạc đà, đến gần vùng sa mạc. Khi mặt trời đã khuất sau thành phố, Yamin dừng xe bên những túp lều đắp bằng bùn nằm giữa những rặng cọ.

 

Ông giải thích: “Ốc đảo này đã có từ lâu rồi, hàng thế kỷ trước khi Marco Polo đặt chân đến đây”. Rồi ông dẫn tôi đến một trong những chiếc lều. Ông nói: “Người đàn ông sống trong chiếc lều này có bằng tiến sỹ tại một trong những trường đại học danh tiếng nhất nước Mỹ. Vì những lý do mà sau này anh sẽ biết, tôi không thể tiết lộ tên của ông ta. Anh có thể gọi ông ấy là tiến sỹ Doc”.

 

Yamin gõ cửa, từ sau cánh cửa gỗ vang lên tiếng trả lời nghèn nghẹn. Yamin đẩy cửa và chúng tôi bước vào. Căn lều nhỏ xíu, không có cửa sổ, ánh sáng yếu ớt hắt ra từ chiếc đèn dầu đặt trên một chiếc bàn thấp ở góc phòng. Khi mắt tôi đã quen với bóng tối, tôi nhận thấy sàn nhà bẩn thỉu được phủ bằng những tấm thảm Ba Tư. Hình dạng lờ mờ của người chủ căn lều hiện ra. Ông ta ngồi quay mặt vào ngọn đèn để không ai có thể nhìn thấy khuôn mặt. Tôi chỉ thấy toàn thân ông ta quấn trong những tấm mền, trên đầu đội một vật gì đó. Ông ta ngồi trên một chiếc xe lăn và ngoài chiếc bàn ra, đây là đồ đạc duy nhất trong căn lều. Yamin ra hiệu cho tôi ngồi xuống thảm. Yamin tiến về phía trước, nhẹ nhàng ôm hôn người đàn ông, thì thầm điều gì đó vào tai ông ta, rồi quay lại ngồi xuống bên cạnh tôi.

 

“Thưa ngài, tôi đã kể cho ngài nghe về ông Perkins đây”, Yamin nói, “hôm nay chúng tôi rất vinh hạnh được đến thăm ngài.”

 

“Ông Perkins, chào mừng ông đến với chúng tôi”. Một giọng nói trầm khàn vang lên. Tiếng Anh của ông ta cực kỳ chuẩn xác. Song tôi phải cúi sát về phía trước mới nghe được những gì ông nói. “Trước mặt ông là người đàn ông ốm yếu. Trước đây, tôi cũng đã từng khỏe mạnh như ông. Tôi đã từng là cố vấn thân cận và tin cậy nhất của Quốc vương”. Ông ta ngừng lại một lúc lâu “Quốc vương của tất cả các Quốc vương, Vua của tất cả các vị Vua”. Giọng nói của ông ta buồn bã nhiều hơn là giận dữ.

 

“Cá nhân tôi biết rất nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới, từ Eisenhower, Nixon đến Tướng De Gaulle. Họ tin tưởng tôi sẽ giúp đưa đất nước này đi theo chủ nghĩa tư bản. Quốc vương tin tưởng tôi, và”, người đàn ông chợt bật ra một âm thanh nghe như tiếng ho, nhưng tôi nghĩ là ông ta đang cười”,

 

“Tôi tin tưởng Quốc vương. Tôi tin vào những lời nói hoa mỹ của ông ta. Ông ta đã làm cho tôi tin là Iran sẽ đưa thế giới Hồi giáo tiến vào một kỷ nguyên mới, rằng Ba Tư sẽ thực hiện được lời hứa của mình. Đó dường như là sứ mệnh của đất chúng tôi, của Quốc vương, của tôi và của tất cả những ai tin rằng chúng tôi sinh ra là để thực hiện sứ mệnh đã được giao phó đó”.

 

Cả đống chăn như chuyển động, chiếc xe lăn khẽ kẽo kẹt và hơi xoay lại. Lúc này tôi có thể nhìn thấy những đường nét trên khuôn mặt và bộ râu rậm của ông ta. Rồi tim tôi bỗng thắt lại. Trước mặt tôi là một khuôn mặt phẳng lỳ. Không có mũi, người đàn ông trước mặt tôi không có mũi.

 

“Hẳn không phải là một cảnh tượng đẹp, phải không ông Perkins? Thật tệ là ông không được nhìn thấy nó ngoài ánh sáng. Đúng là một bức tranh khủng khiếp”. Rồi tiếng cười nghèn nghẹn lại cất lên từ ông ta. Ông ta nói tiếp: “Tôi tin ông hiểu là tôi buộc phải giữ kín danh tính của mình. Tất nhiên nếu muốn, ông có thể tìm hiểu xem tôi là ai, dù có thể ông sẽ phát hiện ra rằng tôi đã chết. Đúng vậy, trên danh nghĩa tôi đã không còn tồn tại trên thế giới này. Nhưng tôi tin ông sẽ không cố tìm hiểu. Sẽ tốt hơn cho bản thân ông và gia đình ông nếu ông không làm vậy. Đâu đâu cũng có vây cánh của Quốc vương và SAVAK (Cơ quan tình báo an ninh Iran)”.

 

Chiếc ghế lại khẽ rung lên và trở lại vị trí bắt đầu. Tôi có cảm giác như vừa được giải thoát vì không phải nhìn thấy tất cả nỗi đau đớn vì bị hành hạ mà người đàn ông đó phải chịu. Khi đó, tôi chưa biết về phong tục này của đạo Hồi. Những người bị coi là đem lại sự ô nhục cho xã hội hay cho lãnh tụ của mình sẽ bị trừng phạt bằng cách cắt mũi. Bằng cách đó, họ bị đánh dấu suốt đời- khuôn mặt của người đàn ông này rõ ràng đã chứng minh điều đó.

 

Không chờ tôi đáp lại, ông ta lại tiếp tục: “Ông Perkins, tôi tin chắc ông đang thắc mắc vì sao chúng tôi mời ông đến đây. Ông thấy đây, kẻ luôn tự xưng mình là Vua của các vị Vua thực chất là một con quỷ Satăng. CIA của các ông đã phế truất cha ông ta, và dù rất ghét khi phải nói ra, nhưng việc này được thực hiện với sự giúp đỡ của tôi. Vì cha ông ta bị coi là đồng minh của phát xít. Và sau đó là thảm họa Mossadegh. Ngày nay, Quốc vương của chúng tôi còn vượt xa cả Hitler trong cái thế giới của quỷ dữ. Chính phủ các ông biết rõ ông ta làm những điều này và hoàn toàn ủng hộ”.

 

“Tại sao lại như vậy?” tôi hỏi “Đơn giản thôi, ông ta thực sự là đồng minh duy nhất của các ông ở Trung Đông này. Mà thế giới công nghiệp lại đang quay quanh trục dầu lửa là Trung Đông. Tất nhiên các ông còn có đồng minh là Israel, nhưng thực chất đó là một món nợ chứ không phải là tài sản của các ông. Và ở Israel lại chẳng có dầu. Các chính trị gia nước ông sẽ phải xoa dịu các cử tri Do Thái, phải dùng tiền của họ để tài trợ cho các chiến dịch của mình. Vì thế, tôi e là với Israel, các ông đang bị mắc kẹt.

Tuy nhiên, Iran chính là chìa khóa giúp các ông giải quyết vấn đề này. Những công ty dầu lửa của các ông - những công ty đang nắm giữ thậm chí nhiều quyền lực hơn cả người Do Thái - cần chúng tôi. Các ông cần, hoặc ít nhất là các ông nghĩ rằng mình cần Quốc vương. Giống như khi các ông nghĩ mình cần những nhà lãnh đạo tham nhũng”.

 

“Phải chăng ngài muốn ngụ ý một điều gì khác? Liệu trường hợp Iran có giống như một vài nước không?” “Thậm chí còn có thể tồi tệ hơn thế nhiều. Ông thấy đấy, vị Quốc vương này sẽ không nắm quyền lâu nữa đâu. Cả thế giới Hồi giáo căm ghét ông ta. Không chỉ người Hồi giáo ở các nước Ả rập mà là ở khắp nơi - ở Indonesia, ở Mỹ, nhưng đa số vẫn là ngay ở đất nước này, từ chính những thần dân Ba Tư của ông ta”.

 

Một tiếng động lớn chợt phát ra từ phía ông ta, và tôi nhận thấy ông vừa đập mạnh tay xuống thành ghế. “Ông ta là quỷ dữ. Người Ba Tư chúng tôi căm ghét ông ta”. Sau đó là sự im lặng, chỉ còn nghe thấy hơi thở nặng nhọc của tiến sỹ, hẳn là ông ta đã kiệt sức vì cố gắng quá mức. “Tiến sỹ rất gần gũi với các giáo sỹ Hồi giáo”.

 

Yamin khẽ nói với tôi một cách bình tĩnh: “Ở đất nước này, có một thế giới ngầm khổng lồ đứng đằng sau các phe phái tôn giáo và nó có mặt ở hầu khắp đất nước, ngoại trừ một số ít người thuộc tầng lớp doanh nhân được hưởng lợi từ chế độ tư bản chủ nghĩa của Quốc vương”. “Tôi không nghi ngờ ông”, tôi nói, “nhưng tôi phải nói rằng qua bốn lần đến thăm đất nước này, tôi không hề nhận thấy những điều đó. Tất cả những người tôi từng trò chuyện đều bày tỏ lòng yêu kính đối với Quốc vương, và đánh giá cao sự tăng trưởng kinh tế của đất nước này”.

 

“Đó là vì anh không nói tiếng Farsi”, Yamin nhận xét. “Anh chỉ nghe những điều đó từ những người vốn được lợi nhiều nhất từ chính sách của Quốc vương. Đó là những người được giáo dục ở Mỹ hoặc Anh rồi trở về làm việc cho Quốc vương. Đây, chính tiến sỹ là một ngoại lệ.” Yamin chợt ngừng lại, dường như để cân nhắc xem nên nói tiếp điều gì. Rồi ông tiếp tục : “Giới báo chí của các anh cũng vậy. Họ chỉ nói chuyện với một số ít những người họ hàng và thân cận thuộc phe của Quốc vương. Và tất nhiên, báo chí của anh đa phần cũng bị chi phối bởi dầu lửa. Vì thế họ chỉ nghe những gì họ muốn nghe và viết những gì mà những người đăng quảng cáo trên báo muốn đọc”.

 

“Ông có biết vì sao chúng tôi nói những điều này với ông không, ông Perkins”, tiến sỹ lại lên tiếng, giọng nói thậm chí còn khàn hơn lúc trước. Hình như những nỗ lực để nói chuyện và bày tỏ cảm xúc đã làm cạn kiệt phần năng lượng nhỏ nhoi còn lại mà người đàn ông này cố dành cho buổi nói chuyện hôm đó. Tiến sỹ nói tiếp: “Bởi  vì chúng tôi muốn thuyết phục ông rời khỏi đây cũng như thuyết phục công ty ông tránh xa đất nước chúng tôi. Chúng tôi muốn cảnh báo cho biết rằng mặc dù ông có thể nghĩ mình sẽ kiếm được một vụ làm ăn hời ở đất nước này, nhưng đó chỉ là ảo tưởng mà thôi. Chính phủ này không tồn tại lâu nữa đâu”. Và một lần nữa tôi lại nghe thấy tiếng tay đập mạnh xuống thành ghế. “Và một khi chính phủ này không còn, chính phủ khác sẽ không thông cảm với ông và những người giống như ông nữa đâu”.

 

“Có phải ý ngài muốn nói chúng tôi sẽ chẳng có lợi gì ở đây phải không?”

 

Tiến sỹ gục xuống vì một cơn ho. Yamin tiến về phía tiến sỹ và vỗ vỗ vào lưng ông ta để giúp ông ngừng cơn ho. Khi cơn ho đã qua, Yamin nói vài câu bằng tiếng Farsi rồi quay về ngồi xuống bên cạnh tôi. “Chúng ta phải kết thúc buổi nói chuyện tại đây”, Yamin nói với tôi, “và để trả lời cho câu hỏi của ông thì thưa vâng, các ông sẽ không có được gì ở đây đâu. Các ông đã làm việc rất vất vả, nhưng đến ngày hái quả, chính phủ của Quốc vương sẽ sụp đổ”.

 

Trên đường trở về, tôi hỏi Yamin vì sao ông và tiến sỹ muốn giúp MAIN thoát khỏi thảm họa tài chính mà ông ta đã tiên đoán. “Chúng tôi rẩt muốn nhìn thấy công ty của anh bị phá sản. Tuy nhiên, chúng tôi muốn thấy các anh rời khỏi Iran hơn. Chỉ cần một công ty như công ty của anh ra đi sẽ có thể các công ty khác cũng ra đi theo. Đó là những gì chúng tôi đang hy vọng. Anh thấy đấy, chúng tôi không muốn nơi này biến thành một biển máu, nhưng Quốc vương phải ra đi và chúng tôi sẽ làm bất cứ việc gì để điều đó có thể xảy ra dễ dàng hơn. vì thế chúng tôi cầu thánh Allah rằng anh sẽ thuyết phục được ngài Zambotti đưa công ty ra khỏi đất nước này ngay khi còn có thể”.

 

“Nhưng tại sao lại là tôi?”

 

“Ngay từ khi chúng ta cùng ăn tối với nhau và nói chuyện về Dự án Sa mạc nở hoa, tôi đã biết anh là người sẵn lòng tiếp nhận sự thật. Tôi biết những thông tin mà chúng tôi có được về anh là chính xác - anh là nhân vật ở giữa hai thế giới, là người đứng giữa”. Câu nói của Yamin

 

 

Chương 20

Sự sụp đổ của một vị vua

 

 

 

 

Một buổi tối năm 1978, khi đang ngồi một mình tại quầy bar sang trọng bên ngoài tiền sảnh Khách sạn InterContinent ở Têhêran, chợt ai đó vỗ vào vai tôi. Tôi quay lại. Trước mặt tôi là một người Iran to béo, mặc complet. “John Perkins! Không nhận ra tôi sao”. Chàng cựu cầu thủ bóng đá đã lên cân khá nhiều song giọng nói thì không lẫn vào đâu được. Đúng là Farhad, người bạn cũ của tôi ở Middlebury mà tôi đã không gặp hơn mười năm nay. Chúng tôi ôm lấy nhau, rồi cùng ngồi xuống trò chuyện. Tôi nhanh chóng nhận ra rằng Farhad biết tất cả mọi thứ về bản thân tôi và về công việc của tôi. Nhưng rõ ràng là anh không hề có ý muốn nói cho tôi biết về công việc của mình.

Khi chúng tôi bắt đầu gọi đến lượt bia thứ hai, Farhad nói: “Thôi, đi thẳng vào vấn đề nhé. Ngày mai tôi sẽ bay sang Roma. Cha mẹ tôi đang sống ở đó. Tôi cũng đã mua vé cho anh đi cùng chuyến bay của tôi. Anh phải rời khỏi đây. Mọi thứ ở đây đang đảo lộn hết cả rồi.” Anh đưa tôi vé máy bay. Ngay lập tức, tôi tin anh.

Đến Roma, chúng tôi ăn tối với cha mẹ của Farhad. Cha anh, một vị tướng Iran nay đã nghỉ hưu, đã từng đứng ra đỡ đạn cho Quốc vương khi ông ta bị ám sát. Nhưng giờ đây những ảo tưởng của ông về Quốc vương đã tan vỡ. Ông nói, những năm gần đây, Quốc vương đã bộc lộ rõ bản chất của mình, lộ rõ sự ngạo mạn và tham lam của ông ta. Vị tướng già lên án, chích sách của Mỹ - mà cụ thể là chính sách ủng hộ Israel, hậu thuẫn cho các nhà lãnh đạo tham nhũng và chính phủ chuyên quyền bạo ngược - đã làm dấy lên sự căm thù, oán hận ở khắp Trung Đông. Ông tiên đóan, Quốc vương sẽ sụp đổ chỉ trong vòng vài tháng tới. Ông nói: “Anh biết đấy, chính các anh đã gieo những mầm mống nổi nổi loạn từ đầu những năm 50 khi lật đổ Mossadegh. Hồi đó các anh nghĩ đó là một cách khôn ngoan, và tôi cũng vậy. Nhưng giờ đây, các anh và cả chúng tôi nữa đang phải gặt lấy những gì mà các anh đã từng gieo.” (1)

 

Tôi sững sờ trước lời tuyên bố của vị tướng già. Tôi đã từng nghe Yamin và tiến sỹ nói đến những điều này, nhưng khi những lời đó do chính vị tướng già này nói ra thì nó mang một ý nghĩa khác hẳn. Tính đến khi đó, tất cả mọi người đều biết đến sự tồn tại một thế giới ngầm của những người Hồi giáo cực đoan, nhưng chúng tôi tự thuyết phục mình rằng Quốc vương được đa số người dân yêu mến và vì thế ông ta có ảnh hưởng hơn bất cứ ai về mặt chính trị. Tuy nhiên, vị tướng già, cha của Farhad rất kiên quyết:

“Hãy ghi nhớ những gì tôi nói”, ông trịnh trọng tuyên bố, “sự sụp đổ của Quốc vương chỉ là sự khởi đầu. Nó báo trước cho chúng ta biết thế giới Hồi giáo sẽ đi tới đâu trong tương lai. Sự phẫn nộ của chúng tôi đã được nung nấu quá lâu dưới lớp cát kia. Sớm muộn gì, cơn giận dữ đó cũng sẽ bùng lên”.

 

Trong suốt bữa tối, tôi được nghe rất nhiều về Ayatollah Ruhollah Khomeini. Cả Farhad và cha anh đều không tán thành chủ nghĩa Shiite cuồng tín của Khomeini nhưng rõ ràng là họ đánh giá rất cao những gì Khomeini đã làm để chống lại Quốc vương - hai cha con Farhad cho tôi biết Khomeini là một giáo sỹ, sinh năm 1902 trong một gia đình trung thành với trường phái Shiite ở một ngôi làng gần Teheran, và Khomeini có nghĩa là “Được Chúa Trời tạo ra”

 

Khomeini đã quyết định không tham gia vào những cuộc chiến giữa Quốc vương và Mossadegh vào đầu những năm 50, song đến thập kỷ 60, ông ta lại tích cực phản đối Quốc vương và chỉ trích nhà cầm quyền gay gắt đến mức ông ta bị trục xuất sang Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó là đến thánh địa của người Shiite ở An Najaf, Iraq. Ở đây, ông ta trở thành người lãnh đạo nổi tiếng của phe đối lập. Ông liên tục viết những lá thư, bài báo, truyền thông điệp qua băng ghi âm nhằm kích động người Iran đứng lên lật đổ Quốc vương và thành lập một nhà nước của các giáo sỹ.

Hai ngày sau bữa tối của tôi với cha con Farhad, tôi được tin về những vụ đánh bom và nổi dậy ở Iran. Ayatollah Khomeini và các giáo sỹ bắt đầu tấn công và nhanh chóng giành quyền kiếm soát. Sau đó, mọi thứ diễn ra rất nhanh. Cơn thịnh nộ mà cha Farhad nhắc tới đã bùng nổ thành một cuộc nổi dậy đầy bạo lực của người Hồi giáo. Quốc vương phải bỏ chạy sang Ai Cập vào tháng 1 năm 1979, và sau đó, được chuẩn đoán là bị mắc bệnh ung thư, và ông ta đã đến New York chữa trị.

Những người theo Ayatollah Khomeini đòi Quốc vương quay trở lại Iran. Tháng 11 năm 1979, một nhóm sỹ quan Hồi giáo đã chiếm giữ Đại sứ quán Mỹ tại Teheran, bắt 22 người Mỹ làm con tim trong 444 ngày. Tổng thống Carter đã rất nỗ lực đàm phán để giải cứu cho các con tin này. Khi các nỗ lực đàm phán không mang lại kết quả, tháng 4 năm 1980, Tổng thống đã hạ lệnh cho quân đội tấn công giải cứu con tin. Sự kiện này đã trở thành một thảm họa, và được ví như chiếc đinh cuối cùng đóng lên chiếc quan tài chôn vùi chức tổng thổng của Carter.

Trước sức ép rất lớn từ các nhóm chính trị và thương mại Mỹ, Quốc vương vốn đang mang trong mình căn bệnh ung thư đã buộc phải rời khỏi nước Mỹ. Khi về đến Teheran, ông ta chẳng tìm được chỗ nào để ẩn náu; tất cả bạn bè cũ đều xa lánh ông ta. Song, Tướng Torrijos, với lòng nhân ái vốn có đã cho phép Quốc vương tị nạn chính trị ở Panama dù bản thân ông không ưa gì quan điểm chính trị của Quốc vương. Nơi trú ẩn cuối cùng của Quốc vương lại chính là nơi mà gần đây diễn ra các cuộc đàm phán về Hiệp ước Kênh đào Panama mới.

Các giáo sỹ yêu cầu trao đổi Quốc vương với các con tin trong Đại sứ quán Mỹ tại Teheran. Những người trước đây phản đối việc ký kết Hiệp ước nói trên đã buộc tội Tướng Torrijos là tham nhũng và câu kết với Quốc vương, đe dọa tính mạng các công dân Mỹ. Họ đòi phải giao nộp Quốc vương cho Ayatollah Khomeini. Điều nực cười là, chỉ vài tuần trước đó, nhiều người trong số họ còn là những kẻ ủng hộ Quốc vương trung thành nhất. Vua của các vị Vua lừng lẫy một thời, cuối cùng được đưa trở về Ai Cập và sau đó mất tại  đây vì bị ung thư.

Tiên đoán của tiến sỹ đã thành sự thật. MAIN mất hàng triệu đô la tại Iran, và nhiều địch thủ khác của chúng tôi cũng vậy. Carter thất bại trong cuộc tái tranh cử. Chính quyền Reagan - Bush lên nắm quyền với lời hứa sẽ tìm cách trả tự do cho các con tin, hạ bệ các giáo sỹ, trả lại nền dân chủ cho Iran và giải quyết tình hình kênh đào Panama.

Đối với tôi, đó là một bài học không thể chối cãi. Iran là một minh chứng rõ ràng rằng, Mỹ luôn cố phủ nhận sự thật về vai trò của chúng tôi trên thế giới. Không thể hiểu nổi tại sao chúng tôi lại có thể bị thông tin sai lạc đến thế về Quốc vương và về làn sóng căm phẫn đang dâng lên chống lại ông ta. Ngay cả nhân viên của những công ty như MAIN, vốn đặt cả trụ sở hoạt động ở đất nước này cũng không được biết về điều đó. Chắc chắn là NSA và CIA đã nhìn thấy cái điều mà Torrijos biết rất rõ, thậm chí ngay từ khi tôi gặp ông vào năm 1972. song chính mạng lưới tình báo của chúng tôi đã cố tình khích lệ chúng tôi nhắm mắt làm ngơ trước sự thật này. 

 

 

 

  1. Confessions of an Economic Hit Man

  2. Confessions of an Economic Hit Man

  3. Confessions of an Economic Hit Man

  4. Confessions of an Economic Hit Man

  5. Confessions of an Economic Hit Man

  6. Confessions of an Economic Hit Man

  7. Confessions of an Economic Hit Man

  8. Confessions of an Economic Hit Man

  9. Confessions of an Economic Hit Man

  10. Confessions of an Economic Hit Man

 

http://www.chinhnghia.com/

http://chinhnghiaviet.informe.com/forum/

http://nguoidalat.informe.com/forum/

http://chinhnghiamedia.informe.com/forum/

 

 

 

 

Your name:


Your email:


Your comments: