Thư tác giả
Cuối tháng 11. 2016
Thưa bạn đọc,
Gần đây, nhà văn Nhật Tiến cho phổ biến một lá thư riêng của tôi có nội dung không đồng ý với một số phát biểu của ông về Trung tâm Văn bút Việt Nam. Không những đã thóa mạ tôi ngay từ lúc đó, ông vẫn còn tiếp tục "vấn đáp" với Kiều Phong Lê Tất Điều trong một loạt bài mới để cả hai có dịp đưa ra những tin tức một chiều hầu có cớ xuyên tạc một số bài viết của tôi liên quan đến Văn học Miền Nam và Trung Tâm Văn bút Việt Nam. Chứng cớ gần đây nhất là ông nguyền rủa tôi về một tài liệu [tạp chí Tin Sách số 39] mà ông cho rằng ông không lấy từ tôi. Mấy loạt bài này đã được Nhật Tiến cho đăng tải trên blog của ông cũng như xuất hiện trên một số forum khác.
Trong thời đại thông tin toàn cầu bằng mạng Internet, những vấn đế đó nếu chỉ được phổ biến một chiều rất dễ gây nên hậu quả là, dĩ nhiên, chỉ được phản ảnh một chiều. Bởi thế, tôi chính thức nhờ anh Kim Âu Hà Văn Sơn cho tôi được trình bày vấn đề với nhận định cũng như tài liệu của tôi --về mấy vấn đề mà Nhật Tiến nhắc tới --trong một loạt bài tôi sẽ gửi tuần tự để rộng đường dư luận. Loạt bài này có thể sẽ được tôi thu ngắn hay hoàn chỉnh nhưng tựu chung, nội dung không thay đổi. Bài đầu tiên trong loạt này là "Thư ngỏ gửi nhà văn Ngô Thế Vinh" về việc ông phê bình giới ...phê bình hải ngoại trong việc họ ...phê bình không tốt đẹp về bộ sách Văn học Miền Nam của nhà văn Võ Phiến. Lá thư ngỏ này cũng sẽ cho thấy tôi rất công bằng với cả Võ Phiến lẫn Nhật Tiến, dẫn đến một điều tôi sẽ cố gắng giải thích sau: Tại sao bây giờ Nhật Tiến lại hành xử như thế khi trước đây ông biết rõ Võ Phiến "hiểm độc" [chữ của ông] như thế nào? Nhưng ngay tại đây, Nhật Tiến không thể hy vọng rằng, khi đưa Lê Tất Điều vào, ông sẽ làm loãng được vấn đề. Cách đây 17 năm, Võ Phiến vẫn phải nhận trách nhiệm về bộ sách VHMN. Tương tự, rồi ra, Nhật Tiến sẽ không đẩy vấn đề VBVN ra khỏi những phát biểu của ông. Lê Tất Điều không bao giờ sẽ được cái danh dự đối thoại với tôi cả.
Cách đây 17 năm, khi tôi và các con bị những kẻ vô lại văn nghệ tấn công, anh Kim Âu Hà Văn Sơn, dù không hề quen biết, đã là một trong những người đầu tiên giang tay giúp đỡ phổ biến các bài phản bác Kiều Phong Lê Tất Điều; nay lại cho tôi một cơ hội khác. Tôi xin trân trọng cảm ơn anh.
***
THƯ NGỎ GỬI NHÀ VĂN NGÔ THẾ VINH
nhân bài Võ Phiến-Tháng 8. 2015
NGUYỄN TÀ CÚC
Bìa một cuốn trong tập "Văn Học Miền Nam tổng quan" Võ Phiến - nguồn Internet
Dẫn nhập: Nhà văn Ngô Thế Vinh cho phổ biến bài "Bốn mươi năm Võ Phiến, nhà văn lưu đầy" nhắm bênh vực nhà văn Võ Phiến bằng cách chỉ trích giới phê bình hải ngoại nói riêng và văn giới cũng như độc giả hải ngoại nói chung vì họ đã có những nhận xét hết sức thiệt hại cho loạt 7 cuốn viết về Văn học Miền Nam của Võ Phiến. Dĩ nhiên Ngô Thế Vinh hoàn toàn có quyền phát biểu. Điều đáng nói ở đây, khiến tôi phải viết bức thư ngỏ này, là thái độ không ngay thẳng khi Ngô Thế Vinh cố tình đẩy vấn đề sai lầm của Võ Phiến-- đã được chứng minh không thể chối cãi được bằng văn bản và bằng nhiều người trong giới từ nhiều năm nay-- bằng cách không những không chỉ đích danh những người đó; mà mặt khác, còn cố ý đưa ra nhiều tin tức thiếu sót và sai lầm hầu bênh vực cho luận cứ của ông. Thế nên, tôi lên tiếng bằng cách chính thức phản bác Ngô Thế Vinh với lá thư ngỏ này hầu góp thêm tài liệu cho văn sử Miền Nam được chính xác hơn, nhưng trên hết thẩy, để Văn học Miền Nam không bị tổn hại vì loạt sách bất khả tín của nhà văn Võ Phiến qua bài viết thiếu dẫn chứng của nhà văn Ngô Thế Vinh. Lá thư ngỏ này đã được đăng trên tạp chí Khởi Hành, California, nhưng nay tôi hoàn chỉnh để có thể phổ biến rộng rãi hơn. -NTC
Thưa Ngô tiên sinh,
Tôi vừa được một số bạn đọc hỏi cảm tưởng về bài viết thượng dẫn "Bốn mươi năm Võ Phiến, nhà văn lưu đầy" của tiên sinh. Sở dĩ họ hỏi vì tiên sinh có lạm bàn đến các-nhà-phê-bình-chúng-tôi về cái tội chê "gay gắt" nhà- văn- lưu- đầy-Võ-Phiến-của-tiên sinh. Thú thật mấy hôm nay tôi bận quá nhưng bắt buộc phải trình bày cảm tưởng một cách công khai, không những với độc giả đã hỏi mà cả với tiên sinh, vì tôi cho rằng tiên sinh đã rời cái sở trường của mình là viết văn, nghĩa là có quyền tưởng tượng; mà tiến ngay vào lĩnh vực phê bình, là một nơi không dung thứ sự thiếu chính xác một khi có ác ý, khi tiên sinh cung cấp một cái nhìn lệch lạc và thiếu sót tài liệu dẫn chứng về sinh hoạt văn nghệ và văn sử của ngành phê bình tại hải ngoại- một ngành có phần nào liên quan trực tiếp đến bộ sách Văn học Miền Nam của nhà văn Võ Phiến.
Quả thật tôi hơi ngạc nhiên khi đọc xong bài "Bốn mươi năm" này. Tôi ngạc nhiên không phải vì tiên sinh ra sức bênh nhà văn Võ Phiến mà vì hoàn toàn không ngờ một ..."trượng phu" như tiên sinh lại có lối viết ám chỉ hết sức không-Văn học Miền Nam [khiến các độc giả khác phải báo cho tôi biết], như sau:
Cho dù bộ sách Văn Học Miền Nam của Võ Phiến có những hạn chế đưa tới nhiều tranh cãi khá gay gắt. Người ta đã nặng lời trách ông về những phần thiếu sót trong bộ sách ấy ...Ai cũng hiểu bộ sách Văn Học Miền Nam "không chuyên nghiệp" của Võ Phiến sẽ không bao giờ là bộ sách phê bình văn học duy nhất hay cuối cùng, nhưng đó là một bước tạo thuận/ facilitation khởi đầu, một roadmap dẫn tới cả một khối tài liệu đồ sộ để tham khảo, nó như một giàn phóng cho những công trình hoàn chỉnh kế tiếp. Đây chính là phần trách nhiệm và nghiệp vụ của giới phê bình chuyên nghiệp, họ cần có hùng tâm để"bắt đầu nghiêm chỉnh" việc đánh giá nền văn học 1954-75 bằng những tác phẩm xứng đáng thay vì cứ mãi xoáy nhìn vào "nửa phần vơi" của bộ sách Võ Phiến." [Ngô Thế Vinh, http://damau.org/archives/36540]
Vâng, thưa "trượng phu" Ngô Thế Vinh, ai là "người ta" để "người ta" còn lên tiếng cho kịp và công bằng với luật bất thành văn của chúng ta là phản bác?! Và "ai" mà bất lịch sự rồi không biết điều đến nỗi "cứ mãi xoáy nhìn vào 'nửa phần vơi" của bộ sách Võ Phiến"?! Tôi e rằng nếu tiên sinh chỉ đích danh thì cái danh sách "bất bình" [chữ của tiên sinh] sẽ dài lắm đấy, từ Mặc Đỗ tới Mai Thảo rồi Viên Linh, từ Thụy Khuê sang tới Hoàng Nguyên Nhuận vv... Dĩ nhiên là chưa nói tới tôi. Ấy là chưa kể đến những người "ngoài văn học" mà tiên sinh phải buộc lòng nhắc đến. Từng đó người, từng đó kinh nghiệm trong làng văn, từ trong nước ra tới hải ngoại...cả một tập thể như thế chẳng lẽ nói oan cho Võ Phiến đến nỗi tiên sinh phải nộ khí xung thiên oán thán lắm điều nhiều lời nhưng nhất định chỉ phô phang bao nhiêu đức tính cao quý nết ăn đức ở của Võ tiên sinh mà tuyệt nhiên không dẫn chứng những sai lầm của ông một cách công minh, thâm ý hẳn muốn cho muôn-đời-sau tưởng nhầm là chúng tôi, à quên, người ta "gay gắt"?
Hơn thế nữa, tôi càng ngạc nhiên cũng chính vì hai chữ "gay gắt" mà tiên sinh đã dùng để oán thán cũng đúng là hai chữ mà Võ Phiến đã mượn cuộc phỏng vấn của tạp chí Văn Học thời nó còn sinh tiền để ám chỉ "dư luận" đã phê bình ông. Tôi e, như thế, tiên sinh cần gọt dũa lại nghề làm văn của Tiên sinh, đọc thêm và học thêm trước khi ghé thăm ngành phê bình-chúng-tôi. Nhưng trên hết thẩy, tiên sinh cần phải trở về Văn học Miền Nam, một nền văn học luôn luôn có sự đối thoại hay bàn thảo công khai và minh bạch: Phạm Công Thiện, Nguyễn Nhật Duật và Trần Phong Giao đã chỉ đích danh Nguyên Sa khi cảnh cáo ông về những bài viết hữu danh hay nặc danh tấn công họ. Mặc Đỗ, khi được hỏi đến --đã không chỉ "bất bình" như kiểu nói lửng lơ con cá vàng của tiên sinh --mà giáng cho Võ Phiến mấy chùy công khai, đại khái rằng một anh nhà văn quèn, đêm buồn tỉnh lẻ, kiến thức bao nhiêu mà bày đặt...? Sau nữa, dù muốn dù không, tác phẩm của Võ Phiến [dưới bút hiệu Tràng Thiên] cũng đã xuất hiện ở Việt Nam nên gán cái nhãn hiệu "nhà văn lưu đầy" cho ông quả là nghịch nhĩ, nhất là khi chính tiên sinh mới là người ca ngợi sự cẩn trọng của Võ Phiến.
Nay tôi xin được lạm bàn dăm chữ đôi điều về bài thượng dẫn. Nói chung, bài tiên sinh có bốn khuyết điểm rất lớn, khiến gẫy toàn bài:
I- Một thứ lý luận phi văn học
Thứ nhất, tiên sinh không thể che chở cho Võ tiên sinh bằng thứ lý luận phi văn học như sau:
[...]Suốt hơn 15 năm từng bước hoàn thành công trình Văn Học Miền Nam với hơn ba ngàn trang sách ấy, Võ Phiến vẫn đang là một công chức sở Hưu bổng làm việc full time cho quận hạt Los Angeles, như vậy là ông đã phải làm việc ngoài giờ và những ngày cuối tuần. Võ Phiến về hưu tháng 7 năm 1994, ông tiếp tục viết thêm 5 năm nữa để hoàn tất toàn bộ Văn Học Miền Nam 1999. Nếu không có hùng tâm, với công sức của một cá nhân khó có thể làm được như vậy...."[Ngô Thế Vinh, sđd]
Tôi xin thành thực được lục vấn tiên sinh rằng có ai trong chúng ta đây được khi trông hoa nở khi chờ trăng lên mà tức cảnh sinh tình để nhả ngọc phun châu? Phần tôi, vừa có lúc đã làm nghề thợ sơn, vừa có lúc làm cho một công ty tính toán sổ sách, vừa có lúc thức đêm thức hôm luông áo dài làm thuê để lo cho gia đình. Không riêng gì tôi, tôi tin hầu hết anh chị em trong giới đều phải phấn đấu tương tự. Nhưng nếu tôi viết sai với ác ý thì liệu Chủ bút Viên Linh, độc giả Khởi Hành, độc giả gần xa và cả tiên sinh nữa, có tha thứ cho không? Hay vì kiêm thêm nghề viết mà tôi sao nhãng nghề luông khiến chiếc áo dài bị xộc xệch thì bà chủ tiệm may và khách hàng có tha thứ cho tôi không? Chắc chắn là không rồi mà cũng không nên. Một người tự trọng, chứ chưa nói là trọng cái nghề và đồng nghiệp của mình bất kể nghề gì, cũng không nên đưa các lý do ấy ra để bào chữa hay tự tôn vinh.
II- Một "công trình" đầy sai sót với ác ý
Thứ hai, "công trình" ấy, "ba ngàn trang" ấy thấm tháp gì với "công trình" của nhiều anh chị em khác, nhất là những anh chị em đã bỏ công bỏ của xây dựng Văn học Hải ngoại hay lưu giữ Văn học Miền Nam [...] Thêm vào đó, còn có một nguồn tài liệu rất đặc biệt, rất dồi dào như Diễn đàn Sách xưa nơi quy tụ những tay chơi sách vốn xuất thân là những chàng [hay nàng] thông hiểu văn chương kim cổ với tấm lòng hào hiệp sẵn sàng giúp đỡ người nghiên cứu. Nếu tôi không nhầm, chẳng phải tiên sinh đã mấy lần lấy tài liệu của các thành viên Diễn đàn Sách xưa để lồng vào các bài viết nhưng chỉ chú thích rất mơ hồ là "Nguồn Internet" hay không chú thích gì cả đó sao?! Kể ra cũng lạ: học tới tấn sĩ tại Hoa Kỳ như tiên sinh mà không biết chú thích một nguồn tài liệu cho đúng nguyên tắc liêm khiết trí thức hay phải phép thì phải nói là hy hữu.
Việc tôn vinh quá đáng một cá nhân như Võ Phiến—nhất là sau khi ông đã bị chứng minh rõ ràng không thể chối cãi được là sử dụng tài liệu hay ngụy chứng với ác ý triệt hạ các tác gia và các nhóm văn nghệ khác thuộc Văn học Miền Nam, một nền văn học đã và đang bị người Cộng sản tiêu huỷ-- là một điều thậm vô lý; là một thứ "love is blind" mà cỡ “Văn Vĩ” nay cũng hẳn sáng mắt. Chẳng phải là từ Võ tiên sinh rồi nay tới tiên sinh cứ phải trú ẩn mãi vào cái "công trình" tý tẹo ấy mà hết nỉ non bào chữa lại đến khúm núm vinh danh, là có phải đã tự nhận nó sai lầm lắm ru? Mà hễ nhận là có sai lầm thì nên lương thiện mà thôi đi, mà thành thực vái bốn phương tấm lòng nhầm lẫn từ sau xin chừa, cớ sao cứ nguây nguẩy đổ vạ cho bao nhiều thành phần khác trong cả một cộng đồng văn chương? Cho nên, chính tiên sinh mới là người "xoáy vào cái nửa vơi" này của Võ tiên sinh để lấy cớ chỉ trích những người bất đồng ý kiến. Nói theo kiểu nhà Phật thì, Nam mô A di đà phật, chính tiên sinh mới là chú tiểu vẫn còn vấn vương sân si cô gái mà bạn tiểu mình đã cõng qua một rãnh nước rồi bỏ cô ấy xuống để còn lên đường tu tập.
Bìa và trang trong, Tiêu Sơn Tráng Sĩ, Khái Hưng do Phan Cự Đệ viết lời giới thiêu, Nhà Xuất bản Đại học và Giáo dục Chuyên nghiệp xuất bản, 1989. [Tài liệu của NTC]
Thế nên, muốn bênh vực Võ Phiến một cách hiệu quả, tiên sinh không nên kể lể công ơn, ca bài "con cá nó sống vì nước đá" cũ rích ấy, mà phải làm thế nào tìm tới "nguyên nhân", nghĩa là chứng minh ngược lại những điều mà chỉ riêng phần tôi đã trưng ra được bằng tài liệu. Xin kể sơ lược vài thí dụ: Võ Phiến đã vu khống Vũ Hoàng Chương và Đinh Hùng bằng cách cắt xén tài liệu; phỉ báng nhóm Quan Điểm bằng một câu "không làm cách mạng được thì làm dáng" gần như nguyên văn từ công thần Cộng sản Phan Cự Đệ phỉ báng nhóm Tự Lực Văn đoàn " Không làm được anh hùng ngoài cuộc đời thì người ta làm anh hùng trong mộng tưỏng...(Phan Cự Đệ, "Tiểu Thuyết Lịch Sử", đăng trên tờ Văn Học tại Hoa Kỳ, chủ bút Nguyễn Mộng Giác, số 203&204, tháng 3- 4, trang 15, sđd) Đặng Tiến không biết trò vặt này của Võ Phiến, mới ca ngợi rằng:
-"Làm giặc là những tờ báo Trình Bày, Đối Diện, Tin Văn, làm dáng là báo Vấn Đề của Vũ Khắc Khoan với Mai Thảo, và những bạn bè trong nhóm Quan Điểm. Tức là những trí thức tiểu tư sản làm cách mạng. “Làm cách mạng mãi không xong, nản lòng xoay sang làm dáng“(tr. 273). Câu kéo như thế, người Pháp gọi là “cú pháp sát nhân “, phrase assassine (!)" [Đặng Tiến, "Đọc lại Tổng quan Văn học Miền Nam của Võ Phiến", "http://www.art2all.net/tho/dangtien/vophien/dt_doclaivanhocmiennamcuavophien.html"
Trang 8-9, Phan Cự Đệ, sđd [Tài liệu của NTC]
Năm 2003, bài "Tiểu thuyết lịch sử ", Phan Cự Đệ, xuất hiện trên tờ Văn Học, Số Tháng 3&4, trang 4-30, Hoa Kỳ [Chủ bút Nguyễn Mộng Giác] lập lại khoảng vài ba trang trích từ Lời Giới thiệu [Phan Cự Đệ, trang 5-14, Tiêu Sơn Tráng sĩ] nêu trên, phê bình Khái Hưng, Nhất Linh--nghĩa là nhóm Tự Lực Văn đoàn--và Việt Nam Quốc Dân Đảng như sau: " lớp đàn em những người tiểu tư sản trí thức đã đi theo Nguyễn Thái Học [...] và đã thất bại [...]Không làm được anh hùng ngoài cuộc đời thì người ta làm anh hùng trong mộng tưởng..." [Tiêu sơn tráng sĩ, trang 9, 12 & Văn học, trang 15] Năm 1986, Võ Phiến lập lại câu trên của Phan Cự Đệ hầu như y hệt, chỉ sửa đi một chút nhắm xỉ mạ nhóm Quan Điểm, Mai Thảo vv. nghĩa là các nhà văn di cư từ Bắc vào: " Làm dáng là báo Vấn Đề của Vũ Khắc Khoan với Mai Thảo, và những bạn bè trong nhóm Quan Điểm. Tức là những trí thức tiểu tư sản làm cách mạng. “Làm cách mạng [...] mãi không xong; nản lòng , xoay sang làm dáng..."[Võ Phiến, sđdd] Thế nên, nói cho cùng, Đặng Tiến cũng đúng, nhưng chỉ đúng một nửa: Viết lách kiểu đó thì đúng là loại thích- khách- văn -nghệ nhưng Võ Phiền cũng chưa đạt tới mức đó, còn phải học hỏi công thần Phan Cự Đệ nhiều!
"Tiểu thuyết lịch sử", Phan Cự Đệ, Văn Học, Số Tháng 3&4, 2003. Trong bài này, phần cuối Phan Cự Đệ có phê bình bộ Sông Côn Mùa Lũ của Nguyễn Mộng Giác, trang 27-29, sđd [Tài liệu của NTC]
Nào ngờ Mặc Đỗ công khai chỉ đích danh thích khách Võ Phiến là "anh thợ giầy muốn cao hơn đôi giầy". Chưa hết, Võ Phiến vu cáo Nguyễn Đình Toàn vô tích sự; sang đoạt công lao Nguiễn Ngu Í trong vụ tạp chí Bách Khoa rồi phải im lặng khi bị chủ nhiệm sáng lập Huỳnh Văn Lang chất vấn; phỉ báng Nhật Tiến về vụ nhân tính; vu khống Hà Thúc Sinh "tỉ tê thân thiết với bộ đội cộng sản, lời lời ngọt xớt, cứ ta ta chú chú" và "bất nhất vì ông đổi thay thoăn thoắt theo giai đoạn theo hoàn cảnh"; dèm xiểm Bình-nguyên Lộc một cách nham hiểm; vu cáo Cao Huy Khanh khi ngụy chứng tài liệu để gán cho tội chê Vũ Khắc Khoan, vu cáo Đỗ Tiến Đức một cách gián tiếp là nói dối khi tiếp tục tự nhận Võ Phiến là Phó hay Giám đốc Nha Điện ảnh (!!!), vu khống Phạm Thiên Thư là định theo Cộng sản và phỉ báng PTT là "văn nô" trong câu "Phạm Thiên Thư làm văn nô không thành văn nô, làm sư cũng không hẳn ra sư"... vv và vv. Các sự vu khống, vu oán hay vu cáo này được chuyên chở bằng một thứ chữ nghĩa thập phần đê hạ thí dụ như "tay luồn vào chỗ trên tay thọc chỗ dưới bóp chỗ này úp lên chỗ kia nhiệt liệt khẩn trương" [VP, trang 1475], "Thôi! 'Anh lên em nhé', này này sự đã quả tang. Xưa nay nữ phái bị đè bẹp, bây giờ bà muốn lật ngược thế cờ. Tranh đấu khỏe dữ đa! Vẻ vang đa!" [VP, trang 1552] vv và vv.
Khi nào tiên sinh vui thú điền viên để có thể bỏ ra khoảng chừng mươi năm [Vâng, tôi mất chừng đó năm để hoàn chỉnh bài phê bình về đời văn Võ Phiến] thu thập tương đối đủ tài liệu và nhân chứng để bàn về Bộ Văn học Miền Nam của Võ Phiến --một bộ sách xứng đáng được đại diện một phần bằng một chữ "VU" ngay ngoài bìa--, chúng ta sẽ bàn tiếp nếu Tiên sinh bỏ được cái giọng hậm hực và lối viết dựa trên vài mẩu tư liệu ít ỏi rồi ra sẽ hết sức bất lợi cho đời văn của tiên sinh. Chỉ trong trường hợp này, tư liệu mà tiên sinh đã dùng không thể phản bác CHỈ MỘT tư liệu mà tôi đã công bố trên Khởi Hành gần mười năm nay: đó là lá thư viết tay [và cả phong bì có dấu bưu điện] của nhà văn Bình-nguyên Lộc viết cho một văn hữu. Lá thư đó cực tả tư cách văn chương của Võ Phiến:
Năm đó Phạm Thái làm giám đốc Báo chí. Tôi có 1 quyển sách do nhà Nam Cường xin xuất bản mà Phạm Tháí không chịu ký tên cho phép. Nam Cường yêu cầu tôi vận động.Trước khi vận động, tôi hỏi 1 người bạn cũng làm ở sở Kiểm Duyệt dưới quyền Phạm Thái, để biết do đâu mà Phạm Thái không chịu ký tên. Anh bạn đó cười ngất và nói: “Tại thằng Võ Phiến, chính nó kiểm duyệt sách của anh rồi phúc trình như sau: “Sách này dở quá, không nên cho ra.” Anh bạn tôi lại cho biết anh ta đã hăm dọa đưa Phạm Thái ra tòa, vì Kiểm Duyệt chỉ có quyền cấm sách khiêu dâm và sách thân cộng mà không có quyền cấm sách quá dở. Phạm Thái biết rằng y hớ, nên hoảng hốt, năn nỉ với bạn tôi rồi ký ngay “khi sáng nầy” Vậy là tôi khỏi phải vận động. Chắc anh đã thấy ngay cái bỉ ổi và cái độc tài của người làm phúc trình.
Và điều này, xin anh giữ kín, tôi chết rồi, mới nên công bố, vì hễ tôi xì ra thì tôi sẽ là “Kẻ biết quá nhiều” trước mắt Võ Phiến, và số mạng của kẻ biết quá nhiều sẽ ra sao, chắc anh dư rõ.[…]nên tôi mới xì ra cho anh biết chuyện động trời do Võ Phiến làm. Tôi cho rằng caí bản phúc trình đó là một chuyện động trời, vừa động trời, vừa bỉ ổi. Người bạn nói trên là thi sĩ …làm chung một phòng kiểm duyệt với Phiến mà Phiến không biết là bạn của tôi.” [Thư của nhà văn Bình-Nguyên Lộc viết và gửi đi từ California, Hoa Kỳ]
Thư nhà văn Bình-nguyên Lộc gửi cho nhà văn Mặc Đỗ vào năm 1986, thuật lại việc ông bị Võ Phiến ám hại trong việc xin xuất bản sách trước 1975. Tại sao Bình-nguyên Lộc lại viết câu này: "Và điều này, xin anh giữ kín, tôi chết rồi, mới nên công bố, vì hễ tôi xì ra thì tôi sẽ là “Kẻ biết quá nhiều” trước mắt Võ Phiến, và số mạng của kẻ biết quá nhiều sẽ ra sao, chắc anh dư rõ[…]" Trước khi bênh vực Võ Phiến, cả ba Nhật Tiến, Ngô Thế Vinh và Lê Tất Điều cần suy ngẫm về, thứ nhất, sự việc này đã xẩy ra như thế nào; thứ hai, về một nhà văn danh tiếng như Bình-nguyên Lộc [đoạt giải nhất trong khi Võ Phiến chỉ đoạt giải nhì] mà phải nhận xét như thế.
Tôi vẫn thắc mắc tại sao Bình-nguyên Lộc căn dặn văn hữu nhận thư "Và điều này, xin anh giữ kín, tôi chết rồi, mới nên công bố, vì hễ tôi xì ra thì tôi sẽ là “Kẻ biết quá nhiều” trước mắt Võ Phiến, và số mạng của kẻ biết quá nhiều sẽ ra sao, chắc anh dư rõ.[…] " Đến nay, được đọc bài thượng dẫn của tiên sinh, có lẽ tôi đã hiểu ra phần nào sự lo ngại của Bình-nguyên Lộc: một nhà văn như ông -vừa biết quá rõ về Võ Phiến vừa có vai vế trong Văn học Miền Nam--thì chắc chắn không thể nào chịu nổi lối xúc phạm kiểu- hậu -sinh-Ngô- Thế- Vinh- bây- giờ. Ngoài lá thư của Bình-nguyên Lộc, tôi còn có bản thảo của một cuốn sách liên quan trực tiếp đến Võ Phiến và Võ Đình do bà quả phụ Võ Đình cho phép sử dụng nếu cần. Và không chỉ tiên sinh mới có thư của Võ Phiến, chính tôi cũng còn giữ mấy lá thư của ông có chi tiết liên quan đến Văn học Miền Nam. Nói thế để tiên sinh hiểu ngành phê bình là một ngành rất cực nhọc, đòi hỏi truy cứu tài liệu, nhất là các tài liệu hiếm để công bằng cho đối tượng nghiên cứu và các nhân sự liên hệ. Đưa ra một lá thư bằng ba bàn tay trẻ con và nhờ ông...Đặng Tiến-- người đã có mấy cuốn sách xuất bản ở Việt Nam trong khi cuốn phim Chân Trời Tím dựng trên truyện dài của nhà văn cựu Quản đốc Đài Phát thanh Quân đội Văn Quang đã bị lờ đi khi đạo diễn Lê Hoàng Hoa qua đời--cố vấn để dựng một case nhắm chỉ trích và "dậy dỗ" người khác thì quả tiên sinh coi rẻ chính mình chứ không phải đám phê bình-chúng tôi.
Tiên sinh còn dùng nhiều chữ sai quá đáng mà một trong những chữ sai khôi hài nhất là chữ "tranh cãi" [về Võ Phiến]. Chữ "tranh cãi" này không có trong ngữ vựng của Văn học Miền Nam hay bất cứ một nền văn học nào. Hay tiên sinh đồng hóa các diễn đàn đứng đắn, nhất là những diễn đàn mà tiên sinh đang cộng tác như Diễn đàn Thế kỷ, Da Màu vv, với loại báo trên trời dưới đất đầy những bài “tranh” dành và “cãi” cọ khiến người ta liên tưởng đến sự sa đoạ của những kẻ sử dụng mực và giấy chỉ nhắm vu khống và phỉ báng người khác? Tôi càng không hiểu tiên sinh ám chỉ, hay chứng minh được ai "tranh cãi" với ai, nhưng Võ Phiến đã bị Mặc Đỗ mắng công khai mà không đỡ được. Cuối năm 1999, Võ Phiến cũng không thể phản bác một bài 26 trang của tôi phê bình sự sai lầm và ác ý đầy dẫy trong 7 cuốn sách của ông. Cuối cùng, ông phải gượng mượn tờ Văn Học để trả lời quàng xiên [một thái độ mà đáng tiếc thay, tiên sinh đã lập lại ở đây]. Tôi đã từng tặng bốn chữ "nụy nhân nô nhan" cho mấy kẻ lúc ấy xông ra bênh vực Võ Phiến khi họ lôi con cái đầu xanh vô tội và đời riêng của tôi lên nhựt trình. Vâng, cái võ bỉ ổi lôi con cái hay mini jupe hay các bạn trai của người bị tấn công để vu khống và bôi nhọ xem ra rất thịnh hành với trường phái này. Không thấy tiên sinh ít nhất thì cũng đằng hắng cho chúng sinh biết cái nỗi bất bình? Hay là tôi nhầm: tiên sinh coi đó là sự thường tình? Ít nhất cũng xin giúp một lời cảnh cáo: "mai sau dù có bao giờ" nếu tiên sinh có lỡ viết về Bình-nguyên Lộc thì nhớ đừng quên tư liệu này đấy nhé. Hay trước khi lăm le viết về nhà văn Miền Nam nào thì cũngnên dở bộ sách của Võ Phiến ra nghiên cứu cho trôi những đoạn VU ấy.
III- Nhân danh Văn học Miền Nam để tấn công cá nhân
Thứ ba, tiên sinh hoàn toàn né tránh khi không đề cập trực tiếp đến những vấn đề mà Võ tiên sinh đã bị chỉ trích. Một trong những vấn đề đó là đưa đời riêng của một tác gia ra dèm xiểm qua thí dụ điển hình của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng
[...] Tình cờ mà Nguyễn thị Hoàng với Kim Lefèvre cùng sinh vào năm 1939, cùng học ở Nha Trang, về sau cùng là văn sĩ tiếng tăm. Vào thập niên 50, ở Nha Trang có xẩy ra hai mối tình thày trò. Hai nữ sinh yêu thày mỗi người phản ứng một cách. Người “tây” hơn cả, người có hẳn một nửa lượng máu Tây phương trong huyết quản, lại khuất phục theo truyền thống Á Đông, cúi đầu chịu trận đòn dữ dằn trong gia đình, bỏ Nha Trang đi nơi khác trốn lánh sự đay nghiến của dư luận. Còn người kia…Vậy thái độ cương cường, dõng dạc trước dư luận, đâu phải lúc nào cũng là một thái độ …tây! (trang 1095, sđd)
Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng tức Hoàng Đông Phương
Theo tôi, một người cầm bút mà không có lòng nhân từ, mà bới móc đến thảm kịch của một [ở đây là hai] người cầm bút khác, thì quả là đáng ngờ bởi lẽ bình mực ấy đã được dùng để đổ vấy lên những dòng chữ nhân danh Văn học Miền Nam. Ngoài ra, là một người đàn ông, chứ chưa nói đến là "trượng phu" Miền Nam, tiên sinh không mảy may chạnh lòng khi một đồng nghiệp phụ nữ bị lôi đời riêng ra tấn công sao? Chỉ vì người đó không phải là chị, em gái hay con gái mình? Hay chỉ vì người đó dám công khai phê bình một cây đa cây đề trong văn giới như tôi? Tiên sinh ôi, không ai dám bảo đảm rằng đã hay sẽ không vấp phạm, cứ thử ngẫm về bản thân sẽ tỏ tường ngay. Quen thói hất mực sang nhà hàng xóm, biết đâu mực chẳng âm thầm biến thành lũ lụt tại sảnh đường rồi? Tiên sinh rất hăng hái trích thư Võ Phiến gửi chị Lê Thị Huệ [Gió-O] để biện minh, khiến tôi càng ngạc nhiên không thấy tiên sinh dẫn chứng bài của nhà văn Túy Hồng viết về Võ Phiến cũng đăng trên Gió-O. Hay là tiên sinh sợ "rút dây động ... cả mấy rừng" khi các-nhà-phê-bình-chúng-tôi cũng noi gương cụ Võ mà đưa đời riêng ...cụ Võ ra nghiên cứu?!
Phần tiên sinh, tiên sinh có muốn giải nghĩa cho độc giả rằng "những chuyện ngoài văn học diễn ra ở toà soạn Bách Khoa trong suốt thời kỳ ấy" là những chuyện gì trong đoạn viết sau đây hay chăng:
Năm 2006, trong dịp đi thăm Đồng Bằng Sông Cửu Long, tôi gặp lại anh Lê Ngộ Châu nơi toà soạn Bách Khoa, 160 Phan Đình Phùng ngày nào, anh vẫn nhớ và nhắc tới buổi gặp gỡ hôm đó. Khi hỏi anh về cuốn hồi ký 18 năm tờ báo Bách Khoa, anh Lê Ngộ Châu cười dí dỏm trả lời: "Anh Vinh hỏi Võ Phiến có cho tôi viết không?" Anh Châu muốn nói tới những chuyện ngoài văn học diễn ra ở toà soạn Bách Khoa trong suốt thời kỳ ấy. [NTV, sđd]
Nếu không nhầm, phải chăng tiên sinh ám chỉ tới những lá thư [ngoại] tình và những cuộc [ngoại] tình được cất giấu ở tòa soạn Bách Khoa mà Tạ Tỵ có lần bạch hóa bằng cách nêu tắt danh tính những nhân sự liên hệ trong cuốn hồi ký của ông? Tôi không ngạc nhiên về cái "the old boys' club" này chút nào: nó đã bị nhà văn Túy Hồng trừng trị đích đáng bằng bài bạch hóa của bà trên Gió-O [http://www.gio-o.com/Chung/TuyHongVoPhien.htm]. Nhưng chẳng lẽ cả tiên sinh nay cũng lạc hậu [và khả ố] như họ khi thuật lại với một vẻ hý hửng như thế? Dĩ nhiên, tiên sinh có quyền phản bác về điểm này cũng như về các điểm khác. Thế nên, tiên sinh đã càng sai khi viết rằng:
[...] Rồi cả cách ông phê bình các nhà văn, nhà thơ được ông chọn đưa vào sách cũng bị ông sử dụng cái sở trường văn phong tuỳ bút/ nay thành sở đoản để châm biếm mỉa mai cá nhân với nhiều thiên lệch... Nhưng khách quan mà nói, ngòi bút Võ Phiến cũng không thiếu phần tự trào, và cả châm biếm bản thân mình. Khi trả lời phỏng vấn Lê Quỳnh Mai trong chương trình Văn học Nghệ thuật đài TNVN Montréal 29-10-2000, nhà văn Võ Phiến đã không ngại khi ví mình như một Xuân Tóc Đỏ của Vũ Trọng Phụng: "Nói tới sự may mắn, chắc chị còn nhớ tới Số Đỏ của Vũ Trọng Phụng, nếu tôi có được một số độc giả chú ý, chẳng qua cũng như anh chàng Xuân Tóc Đỏ trong truyện ấy thôi." [Ngô Thế Vinh, sđd]
Thú thật tôi không hiểu nổi cái kiểu lý luận phi văn chương này của tiên sinh: bản thân Võ Phiến có quyền tự nhận là "Xuân Tóc đỏ" nhưng "châm biếm mỉa mai cá nhân với nhiều thiên lệch" các nhà thơ nhà văn khác thì quyết phải là một vấn đề hết sức hệ trọng. Tệ hơn nữa, lại nhân danh Văn học Miền Nam để tiện thực hiện mưu đồ đó. Thêm cái kiểu bào chữa vì-ông-viết-ngay-từ-75-nên-dù -có-sai-ông-cũng-đáng-được-tuyên-dương là một lý luận phản khoa học hết sức.
IV- Nguyên ủy và chi tiết của vấn đề Võ Phiến bị phản đối
Điều thứ tư dẫn đến tâm điểm của bài viết thượng dẫn: tiên sinh đã thiếu thành thực và không lương thiện với độc giả, nếu không muốn nói là tự dối mình, khi không hề đề cập đến nguyên ủy và chi tiết của vấn đề Võ Phiến bị phản đối hay miệt thị. Võ Phiến bị phản đối hay miệt thị không phải vì "đầy những lôi thôi thiếu sót" hay vì không-chuyên-nghiệp mà vì ông đã rắp tâm triệt hạ các nhà văn Miền Nam khác, nhất là các nhà văn di cư từ Miền Bắc vào. Thế nên, ngoài thói tấn công cá nhân như chính tiên sinh phải công nhận, thứ nhất, Võ Phiến đã cắt xén hay ngụy chứng tài liệu để vu khống hay vu cáo các tác gia khác. Thứ hai, Võ Phiến đã cố tình "trầm hà" một vài tác gia như Nguiễn Ngu Í, để tôn mình lên một trong những vị trí "trùm" của tạp chí Bách Khoa bằng cách hoàn toàn không đề cập đến tài văn và công lao của Nguiễn Ngu Í ngay tại tạp chí này. Thứ ba, Võ Phiến đã kỳ thị các nhà văn Miền Bắc di cư quá rõ-- ngoài việc loại rất nhiều các nhà thơ này ra-- bằng lối viết mỉa mai một cách đê hạ như trường hợp Nguyễn Đình Toàn, mượn lời Vũ Hạnh để mạt sát Nhật Tiến mất nhân tính, dè bỉu ngầm Nhật Tiến chỉ có tài văn của một anh thầy giáo hoặc khôn lỏi hơn nữa thì dùng những chữ tệ mạt ["hơi hám"] để đá ngầm Thanh Nam vv. Nói theo kiểu các ông Lang Tây thì tiên sinh chỉ mới lo chữa chạy "hậu quả" mà chưa chẩn mạch nổi "nguyên nhân".
Nay tôi sẽ chứng minh sự cố tình che đậy cho Võ Phiến của tiên sinh bằng hai trường hợp điển hình với thêm nhiều chi tiết rất minh bạch, rất tỏ tường để tiên sinh tiện phản bác. Đó là trường hợp của nhà văn Nguyễn Đình Toàn và nhà văn Nhật Tiến. Tôi chọn hai nhà văn cùng cư ngụ ngay tại địa phương với tiên sinh để cho công bằng nếu họ muốn lên tiếng, mà để chính tiên sinh nếu có dịp "bác đến chơi đây, ta với ta" [Nguyễn Khuyến] cũng tỏ âm hao cho thấu họ nghĩ sao về nhân tình thế thái. Ấu cũng là để tiên sinh ngộ ra rằng cái thời viết lách không coi trọng độc giả đã đành mà còn coi thường luôn cả tác giả và văn hữu quả đã đến lúc chấm dứt vì văn giới Miền Nam còn sống sót tại Hoa Kỳ tuy nhỏ nhưng vẫn đủ lớn để có mặt mà quan sát.
1- Trường hợp Nguyễn Đình Toàn
Tiên sinh vừa ca ngợi nhà văn này lên đến mây xanh trong một bài mới xuất hiện như sau:
[...] Phát biểu của Nguyễn Đình Toàn khiến người ta liên hệ tới bài diễn văn của Albert Camus khi dự lễ nhận giải Nobel văn chương 1957 tại Stockholm, Camus đưa ra nhận định rằng ngày nay nhân loại gồm số nhỏ người làm lịch sử và đông đảo những người phải gánh chịu những hậu quả do biến cố lịch sử. Và tác giả La Peste / Dịch Hạch cho rằng vị trí của những người làm văn học nghệ thuật là đứng về phía những người khổ vì lịch sử. [Ngô Thế Vinh, Nguyễn Đình Toàn: từ đồng cỏ tới áo mơ phai, http://tuanvannguyen.blogspot.com/2015/08/nguyen-inh-toan-tu-ong-co-toi-ao-mo- phai.html, ngày 2.8.2015]
Nguyễn Đình Toàn đọc câu này chắc là hoan hỷ lắm, nhưng, lại vẫn chữ "nhưng" trớ trêu, "Có biết đâu niềm vui đã nằm trong thiên tai" [Tình khúc thứ nhất, Nguyễn Đình Toàn] vì Võ Phiến từng viết về ông như thế này:
Trong kịch của Nguyễn Đình Toàn không có động tác bao nhiêu[...]Lời lẽ chúng nó đùa cợt qua lại[...]Như người ta múa kiếm gỗ trên sân khấu[...]Lời lẽ tất nhiên có chứa ý tưởng. Nhưng ở đây ý tưởng cũng nhẹ lắm[...]Một người lính từ mặt trận về (như chàng Thanh trong vở kịch sau đây chẳng hạn) gặp một nhân vật Nguyễn Đình Toàn, bảo "Nhiều bạn hữu đã coi anh như một thứ xa xỉ phẩm của đời sống. Anh nghĩ sao?" Còn nghĩ sao nữa? Nhân vật nọ đáp ngay: "Vậy thì tôi là một thứ xa xỉ phẩm của đời sống." [...] Hãy tưởng tượng những nhân vật như vậy xúm xít nhau ở Hà Nội: làm thơ, làm thiếc, làm kịch làm cọt, cà-phê cà pháo, đấu qua tán lại v.v..Ít lâu, Hà Nội mất. Họ kéo nhau vào Sài Gòn xúm xít nhau ngày ngày làm thơ, làm thiếc, làm kịch làm cọt, cà-phê cà pháo, tán qua đấu lại v.v..[]Những nhân vật thông minh như thế, xinh xắn như thế, tài hoa như thế, lành như thế và vô tích sự như thế, rốt cuộc họ khổ cực điêu đứng. Tội nghiệp quá chừng. Thương ơi là thương.” (Võ Phiến, Văn học Miền Nam-Kịch & Tuỳ bút, “Nguyễn Đình Toàn”, trang 2503-2504)
Tôi sẽ không coi thường sự thông minh của tiên sinh để "dắt tận tay day tận mắt" rằng, trong đoạn "phê bình" thượng dẫn, ác ý của Võ Phiến nằm đâu trong việc đồng hóa tác giả Nguyễn Đình Toàn với "nhân vật Nguyễn Đình Toàn" để, một cách nham hiểm, khéo dẫn đến chân dung tác giả mà nặng lời nhiếc móc. Vâng, mỉa mai thay, cái chân dung Nguyễn Đình Toàn do chính tiên sinh tô vẽ với nhiều nét "hoành tráng" lại chứng thực cho chân dung của Võ Phiến thượng dẫn: Nguyễn Đình Toàn từng "xúm xít nhau ở Hà Nội: làm thơ, làm thiếc, làm kịch làm cọt, cà-phê cà pháo, đấu qua tán lại", rồi từng "kéo nhau vào Sài Gòn", từng "làm thơ, làm thiếc, làm kịch làm cọt", từng "cà-phê cà pháo, tán qua đấu lại":
Có lẽ Nguyễn Đình Toàn viết khá sớm từ những ngày niên thiếu ở Hà Nội, cũng lập bút nhóm và chọn bút hiệu ban đầu là Tô Hà Vân. Khi di cư vào Nam, thời gian ban đầu, Nguyễn Đình Toàn sống chung với gia đình Nhật Tiến[...]Vào thập niên 1960, có ba chương trình nhạc được thính giả yêu thích là chương trình Tiếng Tơ Đồng của nhạc sĩ Hoàng Trọng, Tiếng Nhạc Tâm Tình do ca sĩ Anh Ngọc và Mai Thảo phụ trách, và chương trình Nhạc Chủ Đề của Nguyễn Đình Toàn[...]Quán cà phê La Pagode thường là nơi có thể dễ dàng gặp Toàn và các bạn văn nghệ của anh, cũng là nơi hình thành nhóm Đêm Trắng sau này. Nguyễn Đình Toàn ngoài giờ làm ở đài phát thanh, hầu như thường ngày ra ngồi viết nơi quán Cái Chùa này[...]Võ Phiến khi viết về thi phẩm Mật Đắng của Nguyễn Đình Toàn, thay vì bốn cái khổ: sinh, bệnh, lão, tử "trong Mật Đắng không có cái lão, nhưng thay bằng cái ái, càng tệ hơn... Sinh, bệnh, ái, tử, nghe có hơi lạ tai một chút, dù sao cũng là chuyện của mọi nơi chốn, mọi thời đại"...[Ngô Thế Vinh, sđd]
Tiên sinh trả lời ra sao về đoạn phê bình của Võ Phiến mà lẽ ra tiên sinh phải trích dẫn trong bài Nguyễn Đình Toàn: từ đồng cỏ tới áo mơ phai để phân tích xem sự "vô tích sự" của những nhà văn di cư từ Miền Bắc vào Nam như Nguyễn Đình Toàn là có công bằng hay chăng? Tôi có thể giải thích bằng hai lý do: một, tiên sinh không hề đọc hết 7 cuốn về Văn học Miền Nam của Võ Phiến, có 2 trang về Nguyễn Đình Toàn mà tôi chưng ra. Hai, tiên sinh biết mà cứ lơ đi vì tiên sinh coi thường...độc giả, rằng tiên sinh có thể "qua mặt" họ bằng những bài viết thiếu sót như vậy. Thế nên, tuy rất ngại làm mích lòng bà Nguyễn Đình Toàn, tôi sẽ bàn thêm một vấn đề nữa mà tôi cho rằng một nhà văn như tiên sinh, dù gì cũng đã đoạt giải ba đồng hạng Văn học Nghệ thuật Toàn quốc của Miền Nam, thì cần cẩn thận khi phóng những lời khen không những rỗng tuếch mà còn lộ một sự thiếu hiểu biết căn bản về các danh gia thế giới. Tôi muốn nhắc đến câu sau đây của tiên sinh trong cùng bài: "[...] Chị có vẻ đẹp với cá tính mà các hoạ sĩ rất muốn vẽ, một thứ người mẫu cho những bức tranh của Modigliani..." [Ngô Thế Vinh, bđd]. Vâng, sau khi không chỉ đích danh giới phê bình để trách móc, tiên sinh lại đại diện…giới hoạ sĩ để tìm người mẫu cho họ, mà lại là “thứ người mẫu cho những bức tranh của Modigliani”! Hay tiên sinh muốn tránh cái tiếng khen …vợ bạn nên phải đổ vấy cho các ông họa sĩ vô danh? Nhưng thật ra, tại sao tôi phải phát biểu-về- vụ- Modigliani này?
Số là họa sĩ Võ Đình đã từng viết một bài chỉ trích các "họa sĩ trẻ" của Miền Nam trước 1975 đã bắt chước loại vẽ các cô "mặt dài, người dài" của Modigliani: "Modigliani sống chết quằn quại với những khuôn mặt thon dài, những đôi mắt không ngươi. Đến thập niên 60, rồi 70, những khuôn mặt ấy đã trở thành một thú thời trang ở Sài Gòn, những mẩu mặt thơ mộng rất … dễ thương..." Dĩ nhiên tôi không dại gì gây chiến với cả cái ...hội họa-sĩ-trẻ-nay-đã-già này, nhưng tôi phải công nhận có một thời Miền Nam [trừ Thái Tuấn, Duy Thanh, Ngọc Dũng, Bé Ký vv nhưng những người này lại không thuộc hội kia...], chúng ta đã thấy một loại tranh vẽ quý cô từa tựa như nhau, những cô cổ dài, đầu dài và người dài khiến gợi nhớ đến các-cô-Modgliani. Nhưng có phải Modigliani chỉ vẽ các cô như thế không? Và "người mẫu" mà tiên sinh nói đến đây có phải là loại-từa-tựa như thế không? Chính ra, có lẽ tiên sinh đã nhầm "phong cách vẽ" với "người mẫu" bằng xương bằng thịt. Nếu tiên sinh "google" tìm xem chân dung quý ông trong các tranh Modigliani thì sẽ hiểu ngay điều tôi muốn nói. Nghĩa là, bất cứ ai, kể cả tiên sinh, rơi vào tay Modigliani cũng có nhiều phần sẽ được cùng "cá tính" ẻo lả, cổ dài, đầu dài, người dài và "mắt không ngươi" cả. Nghĩa là, nói một cách đơn giản, người–giống-tranh là thường vì rất nhiều quý ông và quý bà đều có thể trông -từa -tựa một hình ảnh điển hình nào đó của một họa sĩ nào đó. Nhưng có hay không có sức sống đằng sau hình ảnh điển hình đó, khiến cho một hoạ sĩ có cảm hứng để tạo nên một “hình ảnh điển hình” khác mới là điều đáng nói.
Lại nói một cách đơn giản nữa, hình như tiên sinh rất sính xui dại văn nghệ sĩ bắt chước một người khác. Với giới phê bình, tiên sinh yêu cầu chúng tôi phải “hoàn chỉnh” công trình đầy ác ý của Võ Phiến. Với giới hội hoạ, tiên sinh đề nghị một người mẫu thuộc loại “người mẫu cho những bức tranh của Modigliani”?! Tại sao không tự sáng tạo cho mình một loại người mẫu mới? Như tranh Duy Thanh, Thái Tuấn hay Nguyễn Thị Hợp, Bé Ký? Sau nữa, nếu nói đến tranh Modiglinani thì không thể không nhắc tới các bức "nude" của ông. Những người "nude" này đầy tràn sức sống, "vạm vỡ", choán hết hay như nhoài ra khỏi canvas. Họ diễm lệ một cách u uẩn vì sức sống ấy chứ không phải vì họ “đẹp”, cái đẹp của những người đàn bà chỉ e lệ hay chỉ mảnh dẻ. Khác với các tranh chân dung với những "con mắt không ngươi", những tranh nude này đều có những đôi mắt to, nhìn chăm chắm lại người xem.
Hơn thế nữa, ai là "người mẫu" cho Modigliani? Theo Ban biên tập của Bộ sách The Great Artist: A Library of Their Life, Time and Paintings, Tập 12-Modigliani [Nhà xuất bản Fratelli Fabbri Editori giữ bản quyền& Nhà xuất bản Funk&Wagnalls Inc., New York, xuất bản, 1978], thì những người mẫu này gồm: nghệ sĩ, các cô điếm, người buôn tranh, trẻ mồ côi&bụi đời, đám gypsy và người tình lúc đó [trích Athony Bertram, Lời tựa, sđd] Thế nên, đó lại càng là một lý do khiến tiên sinh cần rất nên cẩn thận, kẻo sẽ làm mích lòng họa sĩ người Ý Amedeo Clemente Modigliani [ngày 12.7.1884 – ngày 24 .1. 1920] khi gán bừa các ý tưởng thiếu căn cớ vào tác phẩm của ông.
2- Trường hợp Nhật Tiến
Võ Phiến không xa lạ gì với Nhật Tiến. Tại Sài gòn, về hoạt động xã hội, nhà văn Nhật Tiến đảm nhận chức vụ Phó Chủ tịch Trung Tâm Văn Bút trong một thời gian dài [...] Võ Phiến khi sử dụng lời chỉ trích của Vũ Hạnh, một cán bộ Cộng sản nằm vùng, để có cớ gán những ý tưởng chính là của Võ Phiến nhắm phỉ báng Nhật Tiến. Nếu người đọc còn biết thêm rằng Văn bút Việt Nam do Thanh Lãng làm chủ tịch đã tranh đấu để chính phủ Việt Nam Cộng hòa trả tự do cho Vũ Hạnh thì càng không có lẽ gì Võ Phiến lại cần trích dẫn một cán bộ Cộng sản từng bị bắt giam [...] Nhưng Võ Phiến đã mượn bàn tay Vũ Hạnh mà không ngờ rằng với ai, kể cả với chính Võ Phiến, Vũ Hạnh cũng có thể "phê bình" như thế. Nhưng những đoạn trích ra sau đây không phải của cán bộ Cộng sản Vũ Hạnh mà nguyên văn lại của nhà văn Miền Nam Võ Phiến:
Cô Nhân mất nhân tính, cô Nhân bậy, không phải bậy cách tình cờ. E bậy từ... gốc. Nghĩa là tác giả. Bởi vì các nhân vật khác do ông dựng lên cũng bậy luôn[...] Nhật Tiến giống cô Nhân nhiều quá: lắm tình cảm mà thiếu ý thức về "sinh kế," tức về quyền lợi, thiếu cả sự bất bình, cả ý chí đấu tranh. Như vậy có mất luôn cả nhân tính, cả sáng suốt, cả cao quý chăng? Nhân vật Nhật Tiến "dù là người nghèo" cũng đã sai quấy rồi, huống hồ người không nghèo... [Võ Phiến, Truyện 2-Nhật Tiến, trang 1273- 1274, Văn nghệ xuất bản,1999, Hoa Kỳ]
Cái võ đồng hóa tác giả với nhân vật trong tác phẩm để phỉ báng đủ đại diện "sự mất luôn cả nhân tính, cả sáng suốt, cả cao quý" không chỉ của Vũ Hạnh mà của chính nhà văn Võ Phiến. Chưa hết, đây là một đoạn khác mà tiên sinh sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu muốn bênh vực Võ tiên sinh. Lấy cớ Nhật Tiến là một nhà giáo, Võ tiên sinh đã dùng chi tiết rất giản dị ấy để dè bỉu nhưng chỉ vì quá hiểm độc, ông đi quá đà rồi lọt ngay vào cái bẫy do chính mình dăng ra, bầy tỏ sự kèn cựa và nhỏ nhen của một người tự nhận làm công việc thu thập và phân tích di sản Văn học Miền Nam:
Trong cõi văn chương, cái thương cái thù, cái nào cũng được đem ra dậy dỗ tận tình cả[...]Vũ Trọng Phụng cung cấp những bài học bổ ích, vậy Vũ Trọng Phụng là một thày giáo. Nửa thế kỷ trước, một thầy giáo lỗi lạc. Nửa thế kỷ sau, một thầy giáo xuất sắc. [Võ Phiến, Truyện 2-Nhật Tiến, trang 1285]
Thú thật, hình như chỉ có "cõi văn chương"...Cộng sản mới có chuyện "cái thương cái thù" [nhất là cái thù], "cái nào cũng được đem ra dậy dỗ tận tình cả"! Đọc câu này tôi cứ tưởng Vũ Hạnh đã đằng vân giá vũ sang tới Quận Cam! Còn nhận xét "Vũ Trọng Phụng cung cấp những bài học bổ ích, vậy Vũ Trọng Phụng là một thày giáo." (!!!) nghĩa là gì? Vậy tiên sinh khi viết về sông Mê Kông-- chắc chắn làm một công việc "cung cấp những bài học bổ ích" cho sự bảo vệ môi trường-- thì nay tiên sinh cũng nên được xếp vào hàng ngũ...thày giáo Nhật Tiến và Vũ Trọng Phụng? Thày- giáo- đạo -mạo- và -lỗi -lạc Ngô- Thế- Vinh? Ôi còn đâu cái nét tài tử phong nhã hào hoa của văn nghệ sĩ Miền Nam?! Nói thế không có nghĩa là thầy giáo Miền Nam không tài tử phong nhã hào hoa: cứ trông nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, giáo sư Triết trường Petrsu Ký, là đủ biết! Nhưng hãy ngừng tại đây để trở lại vấn đề rất hệ trọng là sự hiểm độc của Võ Phiến. Trong trường hợp này, sự hiểm độc của ông không dừng ở đó. Võ Phiến còn ám chỉ đến những hoạt động sau khi Nhật Tiến đến Hoa Kỳ để gây cho độc giả một cảm tưởng có một cái gì không ổn trong những hoạt động này:
Một khi nhận định về thời cuộc, phát biểu về những vấn đề chính trị, trong khung cảnh tự do, kẻ ý này, người ý nọ, tất có chuyện bất đồng rồi bất bình [...] Mai Thảo lại có lời hay ho nữa, cho rằng Nhật Tiến chọn đứng "ngoài nắng, dưới nắng" (Tạp chí Văn, California, số 6, tháng 12-1982) [...]Rất có thể ông lại ra nắng, biết đâu? Ông sẽ viết về cái gì? chọn đề tài nào? hướng về đâu?[Võ Phiến, sđd, trang 1286]
Ngay sau khi nhắc tới mấy chữ đầy gợi ý " bất đồng rồi bất bình" và chỉ cho bạn đọc tìm tới nguồn gốc của những "bất đồng rồi bất bình" qua bài viết của Mai Thảo với một câu bí hiểm "Nhật Tiến chọn đứng 'ngoài nắng, dưới nắng'", Võ Phiến buông một câu rất đạo đức như sau: "Tất cả những chuyện ấy, xin không đề cập tới. Những chuyện ấy vượt ra ngoài cái thời kỳ văn học mà tôi đã tự giới hạn..." [Võ Phiến, sđd, trang 1286] Bởi thế, nhờ tiên sinh giải thích cho nhà văn Nhật Tiến, chứ không phải cho tôi, rằng nếu tại sao Võ Phiến đã biết "tự giới hạn"-- và lẽ ra phải tự giới hạn vào thời kỳ trước 1975-- mà vẫn khơi ra? Còn nếu không thì đợi gì nữa mà không "đề cập" đến "tất cả những chuyện ấy" cho công bằng cho cả Nhật Tiến lẫn độc giả? Để Nhật Tiến có cơ hội phản bác? Ngay tại đây, tôi có thể nói rằng, đúng, không riêng gì với Nhật Tiến mà đã có nhiều cuộc tranh luận hay phản bác, như chính bài này, liên quan đến sự phát biểu về nhiều vấn đề trong cộng đồng tỵ nạn. Tôi cũng có lúc bất đồng ý kiến công khai với nhà văn Nhật Tiến, nhưng tôi phản đối cái cách viết không ngay thẳng và đầy mưu mẹo của Võ Phiến. [...] Tôi chỉ cần đưa 2 thí dụ này để tiên sinh thấy, một lần nữa, cái "hùng tâm" mà tiên sinh nhắc đến không chỉ là một lời nói suông. Nó đại diện cho một thứ nội lực mà những ngòi bút oặt oẹo không thể có. Nó, như những bức tranh lõa thể của Modigliany, nhìn thẳng vào đối tượng trong khi bản thân không hề che giấu.
V-"Hùng tâm" để "hoàn chỉnh" "công trình" có ác ý của Võ Phiến?
Thật ra, tôi cũng có thể bỏ qua được bài viết thượng dẫn nếu không có đoạn này:
-"Bộ sách Văn Học Miền Nam "không chuyên nghiệp" của Võ Phiến [...] là một bước tạo thuận/ facilitation khởi đầu, một roadmap dẫn tới cả một khối tài liệu đồ sộ để tham khảo, nó như một giàn phóng cho những công trình hoàn chỉnh kế tiếp. Đây chính là phần trách nhiệm và nghiệp vụ của giới phê bình chuyên nghiệp, họ cần có hùng tâm để "bắt đầu nghiêm chỉnh" việc đánh giá nền văn học 1954-75 bằng những tác phẩm xứng đáng thay vì cứ mãi xoáy nhìn vào "nửa phần vơi" của bộ sách Võ Phiến...." [Ngô Thế Vinh, sđd]
Thoạt vào là đã thấy tiên sinh-quan văn định huê dạng cái võ gì: cái võ Võ Phiến-không -chuyên -nghiệp nên những gì ông làm được mới quý và chính cái đám phê bình hậu sinh như chúng tôi quả ...đáng tội vì chưa làm nên trò trống gì, đến nỗi, cũng theo tiên sinh, thì nên nhờ một công trình không-chuyên-nghiệp làm dàn phóng! Thực là một sự lạ đời khiến tôi suýt tý nữa buột miệng: "Chỉ có...Xuân tóc đỏ mới có cái lối lý luận hùng hồn như thế." Một lý luận Xuân tóc đỏ khác không kém vẻ vang là: "Bộ sách Văn Học Miền Nam "không chuyên nghiệp" của Võ Phiến..." [NTV, sđd] Tiên sinh nói thế không sợ "Chương Trình Nghiên Cứu Đông Dương thuộc Uỷ Ban Nghiên Cứu Khoa Học Xã Hội Hoa Kỳ (Indochina Studies Program, Social Science Research Council)" đòi lại học bổng đã cấp cho ông để viết cuốn Văn học Miền Nam Tổng quan, cuốn đầu tiên trong bộ này, sao?! "Không chuyên nghiệp" mà dám xin tiền viết về những chuyện và người...chuyên nghiệp?!
Còn mấy chi tiết nữa của Tiên sinh tôi cho là càng vô lý và thiếu thuyết phục: -"Bộ sách Văn Học Miền Nam ...là một bước tạo thuận/ facilitation khởi đầu, một roadmap dẫn tới cả một khối tài liệu đồ sộ để tham khảo, nó như một giàn phóng cho những công trình hoàn chỉnh kế tiếp...." (NTV, sđd)
Tôi không dám nói hộ các đồng nghiệp khác, nhưng bản thân tôi, từ khi khám phá ác ý của Võ Phiến, tôi không còn [dám] tin cậy để trích dẫn bất cứ điều gì từ ông nữa. Tôi cũng không sử dụng "roadmap dẫn tới cả một khối tài liệu đồ sộ để tham khảo"[NTV] này vì thật ra, tôi không thấy nó...đồ sộ gì cả hay cái roadmap này dẫn tới đâu, trừ sự coi rẻ của nhiều bạn văn cùng thời với Võ Phiến. Càng kinh hoàng hơn--vì tiên sinh không đo lường được mức độ tồi tệ của những vu cáo và vu khống này -- nếu chúng ta tưởng tượng không biết bao nhiêu là ...Võ Phiến tương lai sẽ sản xuất thêm vài trăm ngàn trang vu khống và vu cáo nữa. Người ta chỉ có thể "hoàn chỉnh" những sự thiếu sót chứ không ai có thể "hoàn chỉnh" những sự vu khống hay vu cáo! Nhưng trên hết thảy, anh làm gì với tài liệu mà anh có, lại là một vấn đề quan trọng khác. Cứ nhìn trường hợp Võ Phiến khắc biết. Đó là một vấn đề nữa ở đây mà, như đã nói, tiên sinh có lẽ vờ như không biết.
Theo tôi, một thứ "giàn phóng" đã bị chứng minh là mối mọt tệ hại--bằng cớ là tiên sinh chỉ dám kể lể công đức để xin toàn dân giảm khinh chứ tịnh có dám nhắc đến chi tiết TRĂM-SỰ-VU kia-- thì chỉ gieo tai họa cho những ai sử dụng nó mà thôi. Thêm nữa, "công trình" sai sót của Võ Phiến còn hại cho bao người [phê bình] khác là họ phải mất thì giờ san định những cái sai của ông cùng lúc san định những cái sai của người Cộng sản để bảo vệ di sản Miền Nam. Tôi không đồng ý với thái độ thiếu ngay thẳng ấy khi tiên sinh không nói rõ cho độc giả biết Võ Phiến đã loại các nhà thơ nào: ông đã loại Cung Trầm Tưởng, Hà Huyền Chi và Du Tử Lê....Ngược lại, Võ Phiến đã chọn thi sĩ nào? Đây là 4 câu thơ điển hình của một "thi sĩ" được chọn: Giận quá như không muốn sống đời/Giận tràn lên cổ giận đầy hơi!/ Ghét cay ghét đằng, hờn ra mặt,/Mà họ dường như đã ngáy rồi! [trang 2807]
Như thế, nếu người Cộng sản đã triệt hạ Thơ Miền Nam bằng cách cấm và đốt toàn bộ thì Võ Phiến làm gì cho Thơ Miền Nam bằng cách loại nhiều tinh hoa của nó ra và thế vào bằng loại thơ "Câu thơ thi xã, con thuyền Nghệ An" (CBQ) đó? Chưa kể các "tinh hoa" này đều là...Bắc kỳ di cư cả! Một sự trùng hợp li kì nhưng không được phép nghi ngờ chăng? Tôi đã từng phải viết rằng cách triệt hạ của Võ Phiến tinh vi và nguy hiểm hơn nhiều vì Võ Phiến đã nhân danh Văn học Miền Nam mà làm điều đó.
Bởi thế, tiên sinh cũng có quyền cố vấn giới phê bình chuyên nghiệp hải ngoại là "cần có hùng tâm để 'bắt đầu nghiêm chỉnh' việc đánh giá nền văn học 1954-75 bằng những tác phẩm xứng đáng", nhưng theo tôi, cái lối nói đại ngôn và hình như hơi vô trách nhiệm ấy không bao giờ đi đến đâu cả. Người nói thì không làm. Người làm thì không nói. Các cụ vẫn nói thế. Bản thân tiên sinh, Võ tiên sinh cũng như tôi được cơm no áo ấm, được tự do đủ điều thì nếu có làm chút gì cũng chỉ để trả cái nợ đồng lần thôi, chứ dám đâu nhắc đến hai chữ "hùng tâm" của những người xông pha nơi hòn tên mũi đạn hay bị giam thân vào nơi tù ngục chỉ vì giữ nước thương dân?
Thế nên, khoan nói tới hùng tâm để sáng tác, cứ thử hỏi tiên sinh có chút "hùng tâm" [dám] nhắc tới vụ Võ Phiến bới móc đời riêng Nguyễn Thị Hoàng; hay vụ Võ Phiến im lặng SAU KHI tôi đã gửi thư yêu cầu ông lên tiếng về những lời mạ lỵ tôi được gán cho ông? Mà tại sao có kẻ tấn công tôi ròng rã và hạ cấp như thế? Ấy chính là vì, cũng như tiên sinh bây giờ đây, muốn bênh Võ tiên sinh mà biết chắc không thể phản bác tôi được. Tôi bắt buộc phải đề cập đến những việc không đẹp này để tiên sinh hiểu cho rằng cái lối đạo-đức-giả, đeo râu đội mão ra cái điều [chúng] ta -đây- cao- quý-và-có-hùng-tâm ấy bây giờ không còn thịnh hành nữa sau khi có nhiều người trong cộng đồng di tản này[...] đã đứng lên chống lại những kẻ phi văn nghệ để bảo vệ con trẻ. Cho nên hành xử như một trượng phu thì mới khó thì chứ nói suông như tiên sinh hay viết cả ngàn trang như Võ Phiến cũng không khó lắm đâu. Quan trọng hơn nữa, thái độ viết ra sao? Có "hùng tâm" để nhận là mình sai hay lập tức dở giọng Xuân tóc đỏ ra kiểu "vú bà Triệu ẩu đích thực dài đúng mấy thước..." như Võ Phiến đã làm? Và tiên sinh đang hết sức bênh vực đây?!
[...] Tôi hy vọng tiên sinh, từ đây, nhận ra thế nào là thi ca và thi sĩ hay sự cô độc của những linh hồn muốn bay liệng trên vùng óng ánh nơi ngự trị của tinh cầu nghệ thuật nhưng phải hạ cánh chứng kiến những đôi mắt trần tục soi mói vào nỗi sầu đau đơn lẻ. Tôi cũng hy vọng tiên sinh, cũng từ đây, chịu khó "bình tâm" [chữ của tiên sinh] quan sát kỹ càng trước khi phát biểu. Thành quả và sinh hoạt của ngành phê bình tại hải ngoại không chỉ nghèo nàn như tiên sinh tưởng đến nỗi bắt buộc phải quay về một "công trình" đầy sơ sót và có tính mạ lỵ của Võ Phiến. Hơn thế nữa, tinh thần nghiên cứu và ý thức nghề nghiệp của những người trong ngành đã bỏ xa thái độ đố kỵ và tiểu tâm cũng của Võ Phiến. Tôi sẽ cho tiên sinh vài chứ không chỉ một thí dụ.
Tôi hợp tác đặc biệt với Khởi Hành vì vốn là Thư ký Tòa soạn, nhưng thỉnh thoảng, các diễn đàn trên mạng khác như Da Màu, Gió- O, Học Xá hay Đàn Chim Việt, Bạn văn nghệ, Người tình hư vô vv... vẫn đăng bài tôi để cung ứng tài liệu cho độc giả. Hơn thế nữa, những tổ chức khác như Nhật báo Người Việt cũng sẵn sàng giúp đỡ hầu tổ chức những buổi Diễn đàn hay diễn thuyết liên quan đến Phụ nữ. Tôi đưa thí dụ bản thân, một người mà Lô- răng Phan Lạc Phúc từng tặng khéo cho hai chữ "quả giao", để đả phá cái chủ ý [sai lầm] mà tiên sinh muốn củng cố trong bài, rằng cho tới nay, vẫn có người trong ngành còn quan tâm đến bộ sách ấy khiến sinh hoạt phê bình hầu như ngừng lại hàng chục năm nay. Sinh hoạt phê bình hải ngoại còn là một sinh hoạt văn hóa, khác hẳn với cái kiểu "the old boys' club" của trường phái Xuân tóc đỏ.
Kinh nghiệm của chính tôi là không ai mích lòng khi ai có ý kiến bất đồng với mình. Trái lại, Nguyễn Hưng Quốc, bất đồ được giới thiệu với tôi, đã lập tức vói tay trái ra bắt tay vì tay phải còn bận cầm bài diễn văn. Mới đây, tôi có một cuộc phỏng vấn chung và người đầu tiên trả lời ngay là nhà thơ Đỗ Quý Toàn. Lê Thị Huệ, người chủ trương Gió- O, cũng chính là người cho đăng bài tôi viết, sau Khởi Hành, về một nghi vấn đạo thơ liên quan trực tiếp đến một nhà văn đương thời. Nhóm Da Màu vừa cho đăng một bài rất dài, bàn tới cuộc thảm sát tại Huế qua khía cạnh văn sử Miền Nam và lịch sử Việt Nam. Dĩ nhiên cũng có những cuộc tranh luận nhưng không ai lại dở cái võ xúc xiểm hay đào bới đời riêng của một đồng nghiệp cả. Nhà phê bình Uyên Thao, làm báo kỳ cựu, hoạt động chính trị và hiện chủ trương Tủ sách Tiếng Quê hương, hơn mười năm nay vẫn gửi tặng nhiều cuốn sách mà ông nghĩ tôi cần để nghiên cứu về VHMN. Chị Thụy Khuê, cùng chồng từ Pháp sang, đã tặng Khởi Hành cuốn khảo cứu rất công phu của chị về nhóm Nhân Văn-Giai phẩm và còn mời chúng tôi đến tham dự buổi ra mắt sách tại Little Saigon.
Như đã nói, tâm điểm của vấn đề ở đây không chỉ còn là sự sai sót mà còn là dã tâm triệt hạ các tác gia khác của Võ Phiến. Tôi xin trích lời Thụy Khuê, cũng mới đăng đây thôi, để chứng minh hiện tượng "nửa vơi" của Võ Phiến mà tiên sinh nhắc đến thực ra chỉ là một thứ cặn bã cần được chứng minh và đả phá đến nơi đến chốn, chứ không thể mưu toan lại dùng cái nửa vơi cặn bã ấy làm nhơ bẩn lây đến các nghiên cứu khác trong tương lai. Thụy Khuê vốn là người khoan hòa, nhưng trong bài này, Thụy Khuê đã phải sử dụng đến một lối văn sát phạt hiếm thấy như Võ Phiến "không sành thơ như Hoài Thanh, không sành văn như Vũ Ngọc Phan", "có tài kéo một nhà văn, nhà thơ hàng đầu của một nền văn học xuống ghế chót", "những nhà văn miền Nam, có thể cạnh tranh địa vị văn đàn với Võ Phiến như Bình Nguyên Lộc, Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan… đều được ông “giới thiệu” với giọng như thế cả..."
Sau chót, Thụy Khuê-một nhà phê bình hải ngoại giáng một chùy trực tiếp xuống Võ Phiến-một nhà phê bình "không chuyên nghiệp" [chữ của tiên sinh] và gián tiếp vào tiên sinh- một nhà tâm tình nghệ sĩ đêm buồn tỉnh lẻ cũng không chuyên nghiệp [chữ của tôi] bằng nhận xét cuối "Võ Phiến là một nhà văn lớn, nhưng là một nhà phê bình nhỏ":
Phần tổng quan, in năm 1986, viết về sinh hoạt văn học ở miền Nam, theo lối tùy bút, được độc giả thích, giới đọc sách hết sức ca ngợi, bởi giọng pha trò duyên dáng, có nhiều giai thoại, nhiều thông tin, linh động, hấp dẫn. Nhưng thiếu chính xác, lại viết về văn học sử là địa hạt quá rộng, tác giả không nói lên được những khuynh hướng chính của nền văn học này và ông cũng không vạch ra được cái hay của những bộ mặt văn học tiêu biểu. Phần tuyển tập gồm 6 cuốn, in năm 1999, mỗi cuốn là một thể loại: Thơ (1 quyển), Ký (1), Kịch và Tuỳ bút (1), Truyện (3). Võ Phiến lựa chọn tác giả, tác phẩm và viết giới thiệu. Một việc làm đáng quý cho một nền văn học đã bị khai trừ. Tuy nhiên, chính những giới hạn của Võ Phiến trong địa hạt phê bình và biên khảo đã làm giảm giá trị bộ sách.Có lẽ muốn làm như Vũ Ngọc Phan và Hoài Thanh, nhưng ông không sành thơ như Hoài Thanh, không sành văn như Vũ Ngọc Phan, cho nên sự đánh giá các tác giả và tác phẩm để đưa vào tuyển tập có chỗ bất cập.
Điểm thứ nhất, về lựa chọn, chưa đạt: Ví dụ về thơ, có những tác giả, hoặc chỉ làm dăm ba bài thơ được đăng trên Bách Khoa, hoặc thơ na ná như người đi trước, nhưng cũng được đưa vào, thực khó có thể coi là những nhà thơ mà tác phẩm cần được lưu giữ cho đời sau. Điểm thứ nhì, tác phẩm tiêu biểu cho một tác giả, đôi khi cũng không hẳn là “tiêu biểu”[…]
Nhưng điểm đáng trách nhất là phong cách phê bình của Võ Phiến. Ví dụ, đối với Vũ Hoàng Chương, một tên tuổi lớn của văn học Việt Nam, nhưng Võ Phiến không thích. Để chê thơ Vũ Hoàng Chương già, Võ Phiến viết: “Bảo ông Vũ già, là Hoài Thanh và Vũ Ngọc Phan. Họ bảo thế từ hơn nửa thế kỷ trước; không phải tôi. Vũ Ngọc Phan viết “thơ ông là thơ của một thanh niên mà nhiều lúc giọng già cóc cách”, viết thế nhiều lần trong một bài” (Văn Học Miền Nam, Thơ, trang 3179). Cách “nhận định” như thế không phải là văn học[…] Và cứ thế Võ Phiến dẫn lời chê thứ nhì của Hoài Thanh: thơ Vũ Hoàng Chương “trụy lạc, say sưa ngao ngán…” cái lối ấy xưa rồi. Cách “nhận định” như thế không phải là phê bình. Tiếp đó ông nhắc việc tên thi sĩ họ Vũ có chữ Hoàng, có người yêu tên Khanh để “lập luận”: “… ông Vũ hay nói đến chuyện… làm vua. […] Cách “nhận định” như thế là tùy tiện suy diễn. Rồi từ Bạch Vương, ông miên man sang Hồng Vương, Hắc Vương và Thanh Vương để kết luận: “Vậy ông già [VHC] bẩm sinh ấy nuôi trong đầu một giấc mộng xưa cũ quá chừng. Giấc mộng trong đầu xưa, lời nói trên môi cũng xưa luôn. Vũ Ngọc Phan dẫn một mớ chữ nhặt từ một bài thơ của Vũ Hoàng Chương ra, và chê: rất nhiều chữ cổ, chẳng hạn: cô phòng, tơ vương, chăn gấm, muôn vàn, đuốc hoa vv… ” (t. 3182). Cách “nhận định” như thế là không hiểu cấu trúc và ngôn ngữ thơ.
Sau vụ “chữ cổ”, Võ Phiến bắt sang giải thích tại sao họ Vũ lại cổ như vậy: […] Đấy là ông Võ chối vờ, bởi vì ngay dòng chữ sau, ông đã kiếm ra thủ phạm: […] Đó là lối phê bình của Võ Phiến, ông có tài kéo một nhà văn, nhà thơ hàng đầu của một nền văn học xuống ghế chót, qua vài lời ỡm ờ như thế, không cần biết đến quy luật ngôn ngữ, cấu trúc văn chương, đến cái hay cái đẹp trong nghệ thuật.
Tóm lại, những nhà văn miền Nam, có thể cạnh tranh địa vị văn đàn với Võ Phiến như Bình Nguyên Lộc, Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan… đều được ông “giới thiệu” với giọng như thế cả. Khi phê bình ai, Võ Phiến thường không có ý riêng, hoặc không muốn trực tiếp đưa ra ý riêng mà hay dựa hoặc dùng ý người khác để “dẫn chứng”, nếu người đó là nhà phê bình lớn càng hay, nhỏ cũng tốt. Võ Phiến không thích Vũ Hoàng Chương, nhưng ông không dám nói thẳng, vì địa vị văn đàn của họ Vũ: […] Cho nên, Võ Phiến phải dựa vào lời của hai nhà phê bình tiền bối, để “khẳng định” trước mình đúng […] Võ Phiến là một nhà văn lớn, nhưng là một nhà phê bình nhỏ...[Thụy Khuê, "Võ Phiến-Sự vong thân của con người khi bị bứt khỏi nguồn cội", Paris tháng 5/ 2008- Đọc lại và viết thêm tháng 1/2015, http://vanviet.info/van-hoc-mien-nam/van-hoc-mien-nam-54-75-104-v-phien-su-vong-thn-cua-con-nguoi-khi-bi-but-khoi-nguon-coi/]
Bởi thế, ngày nào tiên sinh đưa được chứng cớ chính Võ Phiến "tự kiểm" về sự triệt hạ các tác gia khác hay "tự kiểm" về sự dung dưỡng ngầm cho bộ hạ tấn công những người chỉ trích ông, chúng ta sẽ nói chuyện tiếp về công cuộc nghiên cứu Văn Học Miền Nam. Cuối cùng, tôi xin được nhắc đến thắc mắc này của Tiên sinh: "Một câu hỏi được đặt ra: ai trong chúng ta có thể "bắt đầu nghiêm chỉnh" một công trình nghiên cứu như vậy?" Tôi không trả lời câu hỏi ấy vì tôi quan niệm hoàn toàn khác với tiên sinh, nhưng vì tiên sinh nhiều lần dùng chữ "nghiêm chỉnh" nên tôi cũng xin kết thúc bài này bằng hai chữ ấy.
Hãy "nghiêm chỉnh" nhận lỗi khi viết sai [không sao hết, ai cũng có thể phạm lỗi]. Hãy "nghiêm chỉnh" khi viết tới cộng đồng văn chương bằng cách sử dụng tài liệu nhiều chiều. Hãy "nghiêm chỉnh" khi tỏ ra tôn trọng chính mình, nghề viết và đồng nghiệp bằng cách chớ đề nghị họ "hoàn chỉnh" một "công trình" [!!!] đã bị chứng minh là sai sót trầm trọng vì ác ý, phóng đi từ một "giàn phóng" xây dựng bằng thứ chữ nghĩa có khi đê hạ.
Hãy "nghiêm chỉnh" khi có lòng công bằng, nhất là với giới phụ nữ viết văn, bằng cách công khai chống lại, chứ không đồng lõa hay làm ngơ cho những kẻ tấn công đời riêng của họ.
Hãy "nghiêm chỉnh" nghiên cứu một vấn đề cho đến nơi đến chốn trước khi [khéo] pha chuyện cá nhân, ăn uống, tiệc tùng với chuyện [cắt xén] tài liệu [để vu khống một tác gia khác]. Cái kiểu viết lách này của Tiên sinh quả rất khó qua mắt được độc giả nhất là khi độc giả ấy cũng là một người trong nghề. Gần đây, tiên sinh cũng bắt đầu một loạt bài tâm tình nghệ sĩ thuật về bạn hữu đã đi qua đời văn tiên sinh. Một loạt như thế cũng rất tốt khi góp thêm tài liệu cho văn sử, đáng được khuyến khích nhưng chớ để mùi rượu tạp nhiễm vào chuyện...nghiêm chỉnh. Viết loạt này, phải là một tay cứng cựa mới bắt được độc giả thèm đọc buổi chiều tà của một đám lãng tử im lìm quanh một ấm trà muộn hay chú ý đến những điều họ tâm sự rì rào trong cái trầm trầm của một đêm váng trăng. Còn nếu không thì, ôi thôi, chẳng ai muốn đọc những ai đã đến ra mắt chúc tụng những ải những ai, ai mừng tuổi những ải những ai, ai thù tạc sơn hào hải vị ngọc thiện trân tu với ải với ai, ai giận dỗi rồi thuận hòa với ải với ai vv...chỉ tổ nhọc mắt độc giả và hại giấy của rừng xanh. Phần tiên sinh đã viết khoảng mấy bài, có lúc tuyền về những người đã qua đời dù có đọc cũng không phản bác được nữa; thế thì kể ra tiên sinh cũng khéo chọn đề tài và đối tượng. Thậm chí, có lúc đưa cả …di chúc của họ ra bàn tán khiến bá –tánh- thảy -đều –kinh- hãi. Thế nên, tiên sinh mới là người cần được học hai chữ nghiêm chỉnh này trước hơn ai hết thảy.
Hãy "nghiêm chỉnh" để khi cần, như trong trường hợp này, chỉ đích danh những người trong ngành để họ có cơ hội lên tiếng, nhất là khi Tiên sinh--một người chỉ có thể nhận xét một văn hữu khác qua mối tiếp xúc riêng tư và tư liệu ít ỏi-- thì không có tư cách hay kiến thức đủ để đề cập chung đến cả một ngành như thế.
Hãy "nghiêm chỉnh" để nhận ra rằng, một khi đã có nhận định về các tác gia khác, về nền văn học nào đó thì anh / chị sẽ phải nhận sự phê bình cho dù là anh/chị có khéo léo chối quanh. Không có can đảm, không-chuyên-nghiệp hay không có ý thức nhận lãnh trách nhiệm căn bản ấy để học hỏi và sửa chữa khi cần thì chẳng nên cầm bút, cũng chẳng nên bàn đến chuyện văn chương làm gì cho quả đất này càng mất tươi đẹp.
Quan trọng hơn nữa, hãy "nghiêm chỉnh" để có can đảm, chứ chưa nói tới "hùng tâm" vội, dám vạch một con đường mới, tự tạo cho mình một "giàn phóng" mà đừng nô lệ vào bất cứ "giàn phóng" nào dù huy hoàng tới đâu. Là một người sáng tác, tiên sinh phải hiểu hơn ai hết cái nhu cầu "làm mới" chứ không cung kính theo vào một lối mòn đầy cỏ dại.
Sau hết, cảm tưởng cuối cùng về bài thượng dẫn của tiên sinh là một nỗi bất nhẫn về thái độ quả là vô tình của tiên sinh. 40 năm tiếc thương bao nàng nát ngọc chìm châu: Một phen thay đổi sơn hà, /Mảnh thân chiếc lá biết là về đâu? /Trên lầu cao dưới cầu nước chảy /Phận đã đành trâm gãy bình rơi, /Khi sao đông đúc vui cười, /Mà khi nhắm mắt không người nhặt xương[Nguyễn Du]. 40 năm tưởng vọng binh sĩ đã bỏ mạng ngoài trận địa trong tù ngục: Trời thăm thẳm mưa gào gió thét, /Khí âm huyền mờ mịt trước sau, /Ngàn mây nội cỏ rầu rầu, /Nào đâu điếu tế, nào đâu chưng thường? [Nguyễn Du]. 40 năm sách vở bị đốt, người chết cũng thành ma không nhà: Chỉa súng đuổi người ra khỏi đất, Đày đi biền biệt miệt thiên thu./ Đuổi cả người chết ra khỏi mộ,/Cày nghĩa trang, trả vói thâm thù [Tô Thùy Yên, Nỗi đợi, Sài gòn 1988-Saint Paul 1994]. Nhưng 40 năm của Ngô Thế Vinh-Vòng đai xanh-Mặt trận ở Sài gòn nay đã có lúc dùng để tấu khúc chúc thọ và bênh vực cho một người ở những lãnh vực không thể bênh vực được. Đáng tiếc hay không? Cũng có kẻ rắp cầu chữ quý /Dấn mình vào thành thị lân la, /Mấy thu lìa cửa lìa nhà, /Văn chương đã chắc đâu mà trí thân? [Nguyễn Du].
Chắc là không, Văn chương đã chắc đâu mà trí thân, nhất là cái loại "văn chương" lân la lập lờ ấy.-[NTC]
Vietnamese commandos : hearing before the Select Committee on Intelligence of the United States Senate, One Hundred Fourth Congress, second session ...
Wednesday, June 19, 1996
CLIP RELEASED JULY 21/2015
https://www.youtube.com/watch?list=PLEr4wlBhmZ8qYiZf7TfA6sNE8qjhOHDR6&v=6il0C0UU8Qg
US SENATE APPROVED VIETNAMESE COMMANDOS COMPENSATION BILL
http://www.c-span.org/video/?73094-1/senate-session&start=15807
BẮT ĐẦU TỪ PHÚT 4:22:12 - 4:52:10 (13.20 - 13.50)
Liên lạc trang chủ
E Mail: kimau48@yahoo.com, kimau48@gmail.com
Cell: 404-593-4036
Những người lính một thời bị lãng quên: Viết Lại Lịch Sử
Viết Lại Lịch Sử Video
Secret Army Secret War Video
Đứng Đầu Ngọn Gió Video
Con Người Bất Khuất Video
Dấu Chân Biệt Kích Video
Kiểm Lại Hồ Sơ Biệt Kích Video
The Secret war against Hanoi Richard H. Shultz Jr.
Binh Thư Yếu Lược Trần Quốc Tuấn
Wall Street and the Bolshevik Revolution Antony C. Sutton
Wall Street and the Rise of Hitler Antony C. Sutton
None Dare Call It Conspiracy Gary Allen
Confessions of an Economic Hit Man John Perkins
The World Order Eustace Mullin
Chính Đề Việt Nam Tùng Phong (dịch)
OSS vào Việt Nam 1945 Dixee R. Bartholomew - Feis
Nguồn Gốc Dân Tộc Việt Nam Bình Nguyên Lộc
The World Order Eustace Mullin
Why Vietnam? Archimedes L. A. Patti
Đại Hội Toàn Quân? Phùng Ngọc Sa
Silenced! The Unsolved Murders of Immigrant Journalists in the USA. Juan Gonzales
Society of Professional Journalists: Code of Ethics download
Liên lạc trang chủ
E Mail: kimau48@yahoo.com, kimau48@gmail.com
Cell: 404-593-4036
Mặt Trận Lừa Ðảo Kháng Chiến Cuội Ðảng Phái Gian Trương Minh Hòa
Trùm Mafia Việt Nam Bị Quỷ Sứ Áp Tải Vào Hỏa Ngục Việt Thường
Mặt Trận Lừa Ðảo Kháng Chiến Cuội Ðảng Phái Gian Trương Minh Hòa
Khi Những "Chính Khứa Nhà Quàn" Dọn Ðường Về Nước Ứng Cử Nguyễn Thiếu Nhẫn
Bonjour Viet Nam - người đi - người ở- người về Nguyễn Mạnh Trinh
Suy Nghĩ về sự quyên góp cho những hội từ thiện ở VN Quốc Huy
Hãy Chấm Dứt Các Chương Trình VHNT Vinh Danh Cộng Sản Và Ðồng Bọn Người tổ chức thường
Còn Một Lối Thoát : Lòn Trôn - Tâm Ðăng
Hội Nhập Văn Học Nguyễn Mạnh Trinh
Chính Nghĩa Là Của Chúng Ta Kim Âu
Chính Khứa Nhà Quàn Kim Âu
Không Dùng Chữ Của Việt Cộng Trần Thanh
Sự Thật Về Hoàng Minh Chính Việt Thường
Những Trò Bịp Của Việt Gian Cộng Sản Trần Thanh
Tại Sao VT Chống Little Saigon Châu Lan Nguyễn Thị Linh
Ký Sinh Trùng : Trịnh Công Sơn BB&Liêm
Chuyện Vãn Cùng Sách Vở Nguyễn Mạnh Trinh
Một Chủ Nhật Khác Nguyễn Mạnh Trinh
TCS:Linh Hồn Lấp Lửng Việt Hải
Ngàn Năm Bia Miệng Duyên Lãng Hà Tiến Nhất
Lại Một Trò Lưu Manh Nữa Của Bùi Tín Trần Thanh
Chu Tât Tiến: Nhiệt Tình+Ngu Dốt= Chống Người Quốc Gia Nam Nhân
Vài Nhận Xét Về Trung Tâm Băng Nhạc Asia Trần Thanh
Chiến Lược Ðồng Hóa Lê Hùng Bruxelles
Hồ Hữu Tường Nguyễn Mạnh Trinh
Màu Tím Hoa Sim Nguyễn Mạnh Trinh
Người Bị Treo Bút Trong Chế Ðộ Ðỏ Nguyễn Mạnh Trinh
Chữ Chưa Thâm Thuý Trương Minh Hòa
Im Lặng Của Biển Cả Trần Văn Tích
Kịch Lói Của Băng Ðảng Phở Bò Việt Tân Trương Minh Hòa
Không Thể Có Hai Ngọn Cờ Tại Hải Ngọai Ðào Văn Bình
Xin Ðừng Nhập Nhằng Về Hai Lá Cờ Ðỗ Văn Phúc
Cá Mè Một Lứa Kim Âu
Ðối Thoại Với Ông Hiếu Kim Âu
Loaì Rắn Ðộc Kim Âu
Những Trò Hí Lộng (456) Kim Âu
Quyền Tự Do Báo Chí : Ông Nguyễn Kinh Luân Dạy Dỗ Tuyết Mai:
Đoàn Kết Hay Đoạn Kết (454) Kim Âu
Bao Giờ Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản Mới Ðủ Dũng Khí Ðể Sống Tự Do Kim Âu
Hiểm Họa Trước Mắt Kim Âu
Đôi Dòng Nhận Định Kim Âu
Màn Kịch Vụng Về
Việt Tân Hành Hung & Hăm Dọa Nhà Báo Phạm Thanh Phương, Úc Châu.
Những nhà tù bí mật của CIA và chính sách tra khảo tù nhân của Hoa Kỳ
Chính sách ngoại giao hụt hẫng của Hoa Kỳ trong lò lửa Trung Đông
Liệu cuộc chiến tại Iraq giúp bảo vệ được an ninh tại nội địa Hoa Kỳ?
Valse Andy Wong . Viennese Valse . DrDance . Danptner . Dispatch
The Beatles. French Music . Nhạc Pháp . Dalida . Jaune. Ngọc Lan. Thanh Lan. Elvis Phương. Best English1
Bee Gees . Rolling Stones . Animals . Shadow . Ventures. Dancing Music. 2015
Tặng Kim Âu
Chính khí hạo nhiên! Tổ Quốc tình.
Nghĩa trung can đảm, cái thiên thanh.
Văn phong thảo phạt, quần hùng phục.
Sơn đỉnh vân phi, vạn lý trình.
Thảo Đường Cư Sĩ.
MINH THỊ
DÂN TỘC VIỆT NAM KHÔNG CẦN THẮP ĐUỐC ĐI TÌM TỰ DO, DÂN CHỦ, NHÂN QUYỀN Ở WASHINGTON, MOSCOW, PARIS, LONDON, PÉKING, TOKYO. ĐÓ LÀ CON ĐƯỜNG CỦA BỌN NÔ LỆ VỌNG NGOẠI LÀM NHỤC DÂN TỘC, PHẢN BỘI TỔ QUỐC, ĐÃ ĐƯA ĐẾN KẾT THÚC ĐAU THƯƠNG VÀO NGÀY 30 - 4- 1975 ĐỂ LẠI MỘT XÃ HỘI THẢM HẠI, ĐÓI NGHÈO, LẠC HẬU Ở VIỆT NAM GẦN NỬA THẾ KỶ NAY. ĐÃ ĐẾN LÚC QUỐC DÂN VIỆT NAM PHẢI DŨNG CẢM, KIÊN QUYẾT ĐỨNG LÊN GIÀNH LẠI QUYỀN QUYẾT ĐỊNH VẬN MẠNG CỦA ĐẤT NƯỚC.
Email: kimau48@yahoo.com or kimau48@gmail.com. Cell: 404-593-4036. Facebook: Kim Âu
v White House v National Archives v
v Federal Register v Associated Press
v Reuter News v Real Clear Politics
v MediaMatters v C-SPAN v.
v Videos Library v Judicial Watch v
v New World Order v Illuminatti News
v New Max v CNSv Daily Storm v
v Observe v American Progress v
v The Guardian v Political Insider v
v Ramussen Report v Wikileaks v
v National Review - Public Broacast v
v Federation of Anerican Scientist v
v Propublica v Inter Investigate v
v ACLU Ten v CNBC v Fox News v
v CNN v FoxAtlanta v
v Indonesian News v Philippine News v
v Nghiên Cứu Quốc Tế v Nghiên Cứu Biển Đông
v Thư Viện Quốc Gia 1 vThư Viện Quốc Gia
v Học Viện Ngoại Giao v Tự Điển Bách Khoa VN
v Ca Dao Tục Ngữ v Học Viện Công Dân
v Bảo Tàng Lịch Sử v Nghiên Cứu Lịch Sử v
v Dấu Hiệu Thời Đại v Viêt Nam Văn Hiến
v QLVNCH v Đỗ Ngọc Uyển v
v Khoa HọcTV v Sai Gon Echo v
v Viễn Đông v Người Việt v Học Xá
v Việt Báo v Việt List v Xây Dựngv
v Phi Dũng v Việt Thức v Hoa Vô Ưu
v Đại Kỷ Nguyên v Việt Mỹv
v Việt Tribune v Saigon Times USA v
v Người Việt Seatle v Cali Today v
v Dân Việtv Việt Luận v Thơ Trẻ v
v Tin Mới vTiền Phong v Xã Luận vvv
v Dân Trí v Tuổi Trẻv Express v
vLao Động vThanh Niên vTiền Phong
vSài Gòn v Sách Hiếm v Thế Giới v Đỉnh Sóng
vChúng Ta v Eurasia v ĐCSVN v Bắc Bộ Phủ
v
Văn Học v
Điện Ảnh
v
Cám Ơn Anh
v
TPBVNCH
v1GĐ/1TPB
v
Bia Miệng