* Kim Âu -Chính Nghĩa -Tinh Hoa -Bài Vở Kim Âu

* Chính Nghĩa Media -Vietnamese Commandos 

* Biệt kích  -StateNation -Lưu Trữ. -Video/TV

* Dictionaries -Tác Giả -Tác Phẩm -Báo Chí

* Khảo  Cứu -Dịch Thuật -Tự Điển -Tham Khảo

* Thời Thế -Văn Học -Mục Lục -Pháp Lý

* FOXSport -Archives -ĐKN -Lottery

* Constitution -Làm Sao -Tìm IP -Computer

 

ĐẶC BIỆT

  1. Served  In A Noble Cause

  2. Hào Kiệt For Rent

  3. Trò Bịp Cứu Trợ TPB: Cám Ơn Anh

  4. Hiến Chương Liên Hiệp Quốc

  5. Văn Kiện Về Quyền Con Người

  6. Liberal World Order

  7. The Heritage Constitution

  8. The Invisible Government Dan Moot

  9. The Invisible Government David Wise

  10. Montreal Protocol Hand Book

  11. Death Of A Generation

  12. Việt Nam Đệ Nhất Cộng Hòa Toàn Thư

  13. Sự Thật Về Nguyễn Hữu Luyện

  14. Phân Định Chính Tà

  15. Giáo Hội La  Mã:Lịch Sử và Hồ Sơ Tội Ác

  16. Secret Army Secret War - CIA Giải mật

  17. Mật Ước Thành Đô: Trò Bịa Đặt

  18. Hồ Chí Minh Hay Hồ Quang- HCM Toàn Tập

  19. Lãnh Hải Việt Nam ở Biển Đông

  20. Sự Thật Về Trận Hoàng Sa

  21. Nhật Tiến: Đặc Công Văn Hóa?

  22. Cám Ơn Anh hay Bám Xương Anh

  23. Chống Cải Danh Ngày Quốc Hận

  24. Trò Đại Bịp: Cứu  Lụt Miền Trung

  25. Hài Kịch Nhân Quyền

  26. CĐ Người Việt QG Hoa Kỳ

  27. Tội Ác PG Ấn Quang

  28. Âm mưu của Ấn Quang

  29. Vụ Đài VN Hải Ngoại

  30. Mặt Thật Nguyễn Hữu Lễ

  31. Vấn đề Cựu Tù Cải Tạo

  32. Lịch Sử CTNCT

  33. Tượng Đài: Lưu Xú - Lưu Manh

  34. Về Tác Phẩm Vô Ðề

  35. Trăm Việt Trên Vùng Định Mệnh

  36. Bút Ký Tôi Phải Sống

  37. Dân Chủ Cuội - Nhân Quyền Bịp

  38. Đặc Công Đỏ Việt Thường

  39. Kháng Chiến Phở Bò

  40. Băng Ðảng Việt Tân

  41. Mặt Trợn Việt Tân

  42. Tù Binh và Hòa Bình

  43. Nước Mắt Trước Cơn Mưa

  44. 55 Ngày Chế Độ Sài Gòn Sụp Đổ

  45. Drug Smuggling in Vietnam War

  46. The Fall of South Vietnam

  47. Giờ Thứ 25

  48. Economic assistant to South VN 1954- 1975

  49. RAND History of Vietnam War era

  50. Chiến Sĩ Vô Danh 

 

 

LƯU TRỮ BÀI  VỞ THEO THÁNG/NĂM

-09/2018 -10/2018 -11/2018 -12/2018 -01/2019 -02/2019

-03/3019 -04/2019 -05/2019 -06/2019 -07/2019 -08/2019

 

THAM KHẢO

Dec/2018. Jan/2019. Feb/2019. Mar/2019. Apr/2019

May/2019. Jun/2019. Jul/2019. Aug/2019

 

Beginner's Guide Web Design

Responsive Web Design

Professional Web Design

Learning Web Design 4

A List Apart Responsive Web Design

Responsive Web Design Ethan

The Book of CSS3

Mastering Resposive Web Design HTML 5

HTML Tutorial

HTML5 CSS3 Responsive Cookbook

Principle of Web Design

Real Life Responsive Wed Design

Learning Responsive Web Design

Learn HTML and CCS

Pro HTML 5 Accessi

Thiết Kế Web


http://www.expression-web-tutorials.com/

https://www.w3schools.com/howto/howto

_css_social_media_buttons.asp

https://archive.org/details/pdfy-Skb-ch_k7psDm90Q

https://www.codecademy.com/en/forum_

questions/532619b28c1ccc0cac002730

https://www.w3schools.com/html/html_responsive.asp

https://www.w3schools.com/css/css_rwd_intro.asp

https://www.w3schools.com/css/css_rwd_intro.asp

https://archive.org/details/pdfy-Cj2ZiIXHRr7NZ6Ro

https://archive.org/details/responsivewebdesign

https://speckyboy.com/free-web-design-ebooks/

Computer Page

 

https://vimeo.com/

http://www.imdb.com/

https://www.crackle.com/

https://www.popcornflix.com/pages/movies/d/movies

https://archive.org/details/feature_films

https://capitalhill.org/2019/03/10/cnns-fake-news-story-hit-with-massive-lawsuit/

 

 

Kim ÂuBáo ChíDịch ThuậtTự ĐiểnThư QuánLưu TrữESPN3Sport TVMusicLotteryDanceSRSB RadioVideos/TVFOX NewsReutersAP NewsWhite HouseLearningTrang Chủ Tác PhẩmLịch SửKim ÂuTinh HoaCongressHouseVấn ĐềNVR RadioĐà LạtDiễn ĐànBBC RadioVOA NewsRFA NewsRFISBSTác  GỉaYouTubeFederal RegisterUS Library

 

THÁNG 9-2019

 

UPI - REUTERS - APVI - THẾ GIỚI - VIỆT NAM - BBC - VOA - RFI - RFA - TỬ VI - VTV - HTV

PLUTO - INTERNET - SONY - FOXSPORT  NBCSPORT  ESPNSPORT - EPOCH

   

Từ trái qua phải: Bùi AnhTrinh, Nguyễn Đình Chiến, Chu Di Tuyển, Kim Âu Hà Văn Sơn, Trương Văn Hùng

 

Huy Văn Trương:  

CHIẾN TRANH BÊN CẠNH TÌNH YÊU

 

Chương VIII:

Vĩnh biệt đồi 1515

 

Hôm nay ngày 10 tháng 3 năm 1975, một ngày như mọi ngày, tôi đang ngồi trong Phòng hành quân của Trường Võ Bị Đà Lạt ôn bài vở. Chỉ còn ba tháng nữa là tôi xong cái bằng cử nhân, chuyện học bài khiến tôi bù đầu tóc rối. Mười một giờ, tôi xếp sách vở đứng lên định đi qua Câu lạc bộ sĩ quan ăn cơm, bất ngờ Thiếu tướng Chỉ huy trưởng bước vào, tôi chưa kịp đứng lên chào kính đã nghe thiếu tướng nói:

 

-Trung úy gọi Tiểu khu Darlac cho tôi.

 

Tôi bốc điện thoại quay số, chuông điện thoại mới reo được một tiếng đã có người trả lời với giọng hốt hoảng.

 

-Trung úy Hòa, Trung tâm hành quân Tiểu khu Darlac. Nghe.

 

Tôi nghiêm giọng.

 

-Thiếu tướng Chỉ huy trưởng Trường Võ Bị Đà Lạt, muốn nói chuyện với Đại tá Tỉnh trưởng.

 

-Thiếu tướng cần gì? Mà thôi, không kịp nữa đâu, xe tăng của Việt Cộng đã tràn vào tiểu khu rồi, tôi phải chạy.

 

Tôi nghe tiếng ống liên hợp rớt mạnh trên bàn, có thể Tiểu khu Darlac đã bị Việt Cộng tràn ngập rồi cho nên Trung úy Hòa phải bỏ chạy mà không kịp gác điện thoại.

 

Tôi cúp máy, quay người đứng nghiêm, giọng nói của tôi như lạc hắn đi.

 

-Trình thiếu tướng, xe tăng của Việt Cộng đã lọt vào trong Tiểu khu Darlac.

 

-Ai nói?

 

-Thưa thiếu tướng, Trung úy Hòa, Trung tâm hành quân Tiểu khu Darlac nói.

 

-Ông ta đâu rồi?

 

-Trình thiếu tướng, ông ấy vứt điện thoại chạy mất rồi.

 

Thiếu tướng Chỉ huy trưởng nhìn vào đồng hồ đeo tay, tôi thấy rõ gương mặt của ông bình thản như không có chuyện gì xảy ra. Ông lẩm bẩm:

 

-Mười một giờ mười.

 

Khi Thiếu tướng Chỉ huy trưởng đã đi ra khỏi phòng, tôi ngồi bệt xuống ghế, suy nghĩ về chuyện Trung úy Hòa bỏ chạy khỏi Trung tâm hành quân Tiểu khu Darlac. Nếu ông ấy chạy ra công sự phòng thủ để chiến đấu có thể Ban Mê Thuột vẫn còn, nhưng nếu ông chạy trốn vì sợ bị bắt làm tù binh, chắc chắn Ban Mê Thuột đã lọt vào tay Cộng Sản mất rồi. Bất chợt một tia sáng lóe lên trong đầu tôi, Sư đoàn 23 Bộ binh, sư đoàn chủ lực của cao nguyên đâu rồi? Tôi bốc điện thoại quay số Bộ tư lịnh Sư đoàn 23 ở Ban Mê Thuột. Đường dây điện thoại chỉ còn nghe tiếng u..u…vọng lại. Sau khi ghi chú cẩn thận vào nhật ký hành quân, tôi trình Thiếu tá trưởng Phòng hành quân diễn tiến tình hình của Ban Mê Thuột. Tôi đảo một vòng qua các phòng ban, mọi sinh hoạt của Trường Võ Bị Đà Lạt vẫn diễn ra bình thường, hình như chưa ai biết gì về tình huống xấu đang xảy ra ở Ban Mê Thuột. Tình huống xấu nhưng mà xấu thế nào? Còn hay mất không ai biết. Người duy nhất biết là Thiếu tướng Chỉ huy trưởng, bởi vì, ông thường xuyên liên lạc với phòng Ba của Bộ Tổng Tham Mưu bằng đường dây nóng.

Tôi quên luôn ăn trưa, vội vã đi họp bên Quân Trấn với cái bụng đói meo. Mấy ông sĩ quan bên Quân Trấn hỏi tôi:

 

-Ban Mê Thuột ra sao rồi trung úy?

 

-Tất cả mọi liên lạc với Ban Mê Thuột đều bị cắt đứt, tôi chỉ biết có một điều, lúc mười một giờ mười phút sáng nay, xe tăng của Việt Cộng đã vào bên trong Tiểu khu Darlac.

 

-Sao trung úy biết? Nguồn tin có đáng tin cậy không?

 

-Một phút trước đó, tôi nói chuyện với Trung úy Hòa ở Trung tâm hành quân Tiểu khu Darlac, chính ông ấy đã xác nhận xe tăng Việt Cộng đang tràn vào tiểu khu, sau đó ông ta quăng điện thoại bỏ chạy.

 

Một ông trung úy trong bàn họp nói:

 

-Chắc Ban Mê Thuột mất rồi.

 

Ông đại úy ngồi cuối bàn lên tiếng:

 

-Không biết khi nào quân mình mới tái chiếm Ban Mê Thuột.

 

Dứt lời ông ta thở dài rồi nói tiếp:

 

-Coi bộ đánh lớn tới nơi rồi.

 

Tôi lấy bì thơ đựng mật khẩu và mật hiệu trong đêm nhét vào túi áo, rời phòng họp.

 

Tôi nói, Thiếu tướng Chỉ huy trưởng Trường Võ Bị Đà Lạt biết rõ tình hình Ban Mê Thuột và Quân Đoàn II bởi vì một tuần sau đó, Trung tâm hành quân của trường đang ở lầu hai của tòa nhà chỉ huy, phải dời xuống tầng hầm đối diện với thư viện.

 

Trung tâm hành quân mới rộng gấp hai lần Trung tâm hành quân cũ, điều quan trọng là nó được thiết kế rất kiên cố, chìm sâu dưới mặt đất chừng bốn mét, trần đúc bê tông dày khoảng một mét. Nhìn Trung tâm hành quân mới tôi nghĩ thầm: “Hy vọng nó sẽ chịu được đạn pháo 130 ly hoặc hỏa tiễn 122 ly của Việt Cộng”. Ngay cửa ra vào Trung tâm hành quân, một binh sĩ Quân Cảnh, quân phục chỉnh tề, nón nhựa, súng colt đeo ngang hông đứng gác. Bên trong, hàng chục cái điện thoại, máy móc truyền tin sẵn sàng hoạt động, một bản đồ một phần năm mươi ngàn của miền trung và cao nguyên trung phần gắn trên tường, một tấm vải xanh với chữ “Mật” được kéo lại phủ kín tấm bản đồ. Giữa phòng có một cái bàn dài hình chữ nhật với hơn chục cái ghế, đây là chỗ dùng để hội họp, thuyết trình.

 

Tôi đang lu bu cùng với hai người hạ sĩ quan trực máy truyền tin dọn dẹp, sắp đặt bàn ghế sao cho thích hợp để làm việc, bất chợt, người Quân cảnh gác cửa Phòng hành quân đi đến bên tôi:

 

-Trung úy, có hai sĩ quan bên Tiểu khu muốn gặp ông.

 

Tôi bước ra khỏi phòng, trước mặt tôi một ông trung úy và một ông đại úy đang đứng trò chuyện với nhau, mỗi ông một điếu thuốc lá phun khói đầy trời. Tôi đưa tay chào kính vị đại úy rồi tự giới thiệu:

 

-Tôi, Trung úy Nguyễn Trọng Quân, Trung tâm hành quân Trường Võ Bị Đà Lạt, chào đại úy.

 

Vị đại úy lật đật vất điếu thuốc xuống đất, lấy mũi giày giậm lên, ông ta đưa tay chào lại tôi rồi nói với giọng nói của người miền Trung.

 

-Chúng tôi, Đại úy Luân và Trung úy Trí thuộc Trung tâm hành quân Tiểu khu Tuyên Đức, đến đây tăng phái cho Trung tâm hành quân Trường Võ Bị Đà Lạt. Chúng tôi đã trình diện Đại tá Tham mưu trưởng của trường, và được hướng dẫn đến đây gặp trung úy.

 

Tôi đưa hai ông quan vào Trung tâm hành quân. Ngoài hai cái ba lô đeo trên vai, mỗi ông còn xách theo một máy truyền tin PRC 25, tôi biết như vậy họ sẽ làm việc trực tiếp trên máy, không qua âm thoại viên.

 

Tin tức từ chiến trường cao nguyên đưa về mỗi ngày một xấu hơn. Khi Quân Đoàn II rút về Tuy Hòa theo ngã liên tỉnh lộ 7, Pleiku mất, Kontum coi như mất luôn. Theo huấn thị điều hành căn bản của bộ Tổng Tham Mưu, ba tỉnh còn lại của cao nguyên là Quảng Đức, Lâm Đồng và Tuyên Đức sẽ đặt dưới quyền chỉ huy của Thiếu tướng Chỉ huy trưởng Trường Võ Bị Đà Lạt, bởi vì ông là người có cấp bậc cao nhất trong ba tỉnh này. Riêng cá nhân tôi, gần bảy năm rồi chỉ biết lo chuyện phòng thủ Trường Võ Bị Đà Lạt, nhiệm vụ của tôi là theo dõi tất cả nhũng đơn vị bảo vệ trường đóng ở đâu, phân bố như thế nào để sẵn sàng yểm trợ hỏa lực khi cần thiết, chỉ chừng đó thôi. Ngoài ra, những đơn vị Địa Phương Quân của Tiểu khu Tuyên Đức, tôi hoàn toàn mù tịt. Ngay cả tên của những tiểu đoàn trực thuộc tiểu khu, tôi cũng chỉ biết một cách mù mờ, nói gì đến chuyện họ đóng ở đâu, di chuyển như thế nào. Đó là lý do khi lãnh nhiệm vụ trông coi ba tỉnh còn lại, Thiếu tướng Chỉ huy trưởng đã điều hai sĩ quan thuộc Trung tâm hành quân của Tiểu khu Tuyên Đức về tăng phái cho Trường Võ Bị Đà Lạt. Thiếu tướng Chỉ huy trưởng muốn nắm chắc trong tay những Tiểu đoàn tác chiến của Tiểu khu Tuyên Đức, khi ông trực tiếp điều động. Tưởng cũng nên biết, trước khi về Trường Võ Bị Đà Lạt, ông đã là Tư lệnh Sư đoàn 18 Bộ Binh ở Long Khánh.

 

Vừa đặt máy truyền tin xuống đất, hai ông sĩ quan hành quân của tiểu khu đã lục ba lô lấy ra nào là đặt lệnh truyền tin, khóa đối chứng, phóng đồ hành quân, nhật ký hành quân rồi mở máy PRC 25. Sau ba giờ lên máy, phối hợp làm việc, cặm cụi khoanh vùng, ghi chú, chúng tôi đã có điểm đóng quân của tất cả những tiểu đoàn Địa Phương Quân thuộc tiểu khu Tuyên Đức cũng như những điểm kích, đóng quân, của Trường Võ Bị Đà Lạt. Nhìn tấm bản đồ gắn trên tường dày đặc chi tiết, tôi biết mọi việc đã tạm xong. Đại úy Luân quay sang hỏi tôi:

 

-Ở đây, trung úy có nước sôi không?

 

-Bên Câu lạc bộ thiếu giống gì. Mà đại úy cần nước sôi để làm gì?

 

-Từ sáng đến giờ, bọn này chưa ăn uống gì hết, đói quá chừng. Tôi cần nước sôi để đổ vô gạo sấy.

 

-Nè đại úy, tụi mình kéo nhau qua Câu lạc bộ làm một dĩa cơm, sẵn đó thêm ly cà phê cho sáng suốt tinh thần.

 

Đại úy Luân phân trần:

 

-Tụi này đi một lần hai đứa không được, phải có một thằng trực máy. Hay là trung úy và Trung úy Trí đi ăn trước đi, khi quý vị về tôi sẽ đi sau.

 

Tôi dẫn Trung úy Trí qua câu lạc bộ, vừa đi vừa chuyện trò. Không hiểu tại sao, bỗng dưng tôi hỏi Trung úy Trí:

 

-Trung úy khóa mấy?

 

-À., khóa 6/68 Thủ Đức.

 

Tôi cười khoái chí, đổi cách xưng hô:

 

-Mẹ nó, mày với tao cùng khóa. Tao ở đại đội 62 gần ban quân nhạc, còn mày?

 

-Tao đại đội 65. Vậy mà từ sáng đến giờ, tao cứ tưởng mày là dân Võ Bị Đà Lạt.

 

-Hầu hết mọi người đều nhầm lẫn như mày. Gặp trường hợp đó, tao nhận luôn không đính chánh. Trung bình, mỗi năm Trường Võ Bị Đà Lạt có khoảng hai trăm năm chục sĩ quan tốt nghiệp. Năm sáu mươi tám là năm bọn mình đi lính, Trường Bộ binh Thủ Đức có chín khóa, mỗi khóa chẵn có khoảng hai ngàn sĩ quan, khóa lẻ có khoảng một ngàn, tính ra khoảng mười hai ngàn ông quan.

 

Tôi nhắc lại với Trung úy Trí:

 

-Đào tạo mười hai ngàn sĩ quan trong một năm, so với hai trăm năm chục, coi bộ sĩ quan tốt nghiệp Võ Bị Đà Lạt có giá hơn sĩ quan Thủ Đức của bọn mình nhiều.

 

Trung úy Trí với giọng đầy chán nản.

 

-Còn phải nói, sĩ quan Võ Bị Đà Lạt hơn hẵn sĩ quan Thủ Đức về mọi phương diện, ngoại trừ một điểm.

 

Tôi nói:

 -Tao chẳng thấy ưu điểm nào hết.

 -Tại mày không để ý đó thôi, sĩ quan Thủ Đức khi ra trường chết như rạ, chết nhiều đến nỗi đếm không kịp. Nếu không tin tao mày coi lại đi, mười hai ngàn sĩ quan năm sáu tám của bọn mình, giờ này còn được bao nhiêu? Được ba phần tư hay không? Nếu đúng, có nghĩa là hơn ba ngàn đã hy sinh, đã đền nợ nước. Như vậy, sĩ quan Trừ Bị Thủ Đức được trui rèn ngoài chiến trường, trưởng thành trong khói lửa, đem cái chết, đem mạng sống của mình đổi lấy kinh nghiệm, đó không phải là ưu điểm hay sao? Nếu không có sĩ quan Thủ Đức, ai sẽ chỉ huy một triệu lính của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

 

Tôi và trung úy Trí ăn một bữa cơm không được vui vẻ cho lắm. Trung úy Trí ngửa cổ nốc một hơi bia.

 

-Ngày nào mày cũng ăn cơm ở đây?

 

-Không thường lắm đâu, chỉ vài lần trong một tuần.

 

Trung úy Trí nói:

 

-Ngày xưa, trước khi về Trung tâm hành quân Tiểu khu Tuyên Đức, tao ở Sư đoàn 22 Bộ Binh. Tiểu đoàn của tao đóng tại Tuy Hòa, mẹ nó, cả mấy tháng mới có thì giờ ăn một bữa cơm ra hồn như ở đây. Nói đến Tuy Hòa tao mới nhớ, mày có biết Quân Đoàn II đang trên đường Liên tỉnh lộ 7 di tản về Tuy Hòa hay không?

 

Tôi gật đầu, nói với Trung úy Trí:

 

-Biết chớ, đó là lý do tại sao mày và Đại úy Luân tăng phái cho Trường Võ Bị.

 

Trung úy Trí chấm dứt bữa ăn bằng một hơi bia.

 

-Tụi mình về cho Đại úy Luân đi ăn, chắc ông ấy đói lắm rồi.

 

Về đến Trung tâm hành quân chừng mươi phút, tôi nhận được điện thoại của bác Bảy (hai cái điện thoại class A của Trung tâm hành quân Trường Võ Bị, là điện thoại dùng để liên lạc khắp cả miền Nam Việt Nam, quân sự lẫn dân sự đều gọi được). Bác Bảy với giọng nói đầy lo lắng:

-Con và Cúc phải về Sài Gòn gấp, bác có chuyện quan trọng muốn nói với con.

 

-Chuyện gì vậy bác?

 

-Mình phải bỏ nước ra đi, không thể chờ đợi được nữa rồi.

 

Tôi nói với bác Bảy:

 

-Đi đâu? Đi sao được, con rời bỏ đơn vị sẽ bị coi như đào ngũ.

 

Giọng bác Bảy như lạc hẳn đi.

 

-Con Cúc đang ở đâu?

 

-Thưa bác, ở ký túc xá.

 

-Nếu con không đi được, bằng mọi giá con phải tìm phương tiện đưa Cúc về Sài Gòn.

 

Tôi hứa đại cho bác Bảy yên lòng.

 

-Bác yên tâm, con làm được.

 

Giọng của bác Bảy như nhẹ hơn.

 

-Bác tin ở con. Cho bác gởi lời thăm ba má con, thôi bác cúp điện thoại đây.

 

Tôi gác điện thoại. Như một cái máy, tôi quay số ban vận chuyển của phi trường quân sự Cam Ly. Đầu dây bên kia, một giọng nói khá quen thuộc.

 

-Alô, trung sĩ Trang nghe.

 

Mừng quá sức, tôi nhẹ giọng:

 

-Trung úy Quân, Trường Võ Bị Đà Lạt nè bạn, có việc cần nhờ bạn giúp đỡ.

 

-Chuyện gì vậy trung úy?

 

-Có chuyến bay nào về Sài Gòn không?

 

-Ông hỏi sao mà đúng lúc quá. Bốn giờ chiều nay có một chuyến C130, chỗ quen biết tôi mới nói với ông. Đừng tiết lộ cho ai biết.

 

-Cảm ơn ông bạn nhiều.

 

Tôi cúp điện thoại, ba chân bốn cẳng phóng Honda lên Ký túc xá, lôi Cúc ra xe. Cúc vừa chạy vừa nói:

 

-Để em lấy theo vài bộ quần áo.

 

Tôi nói như hét:

 

-Không kịp nữa rồi, bỏ hết, bỏ hết đi.

 

Khi tôi và Cúc đến phi trường Cam Ly đã thấy chiếc C130 đậu ở phi đạo. Một ông trung úy Không Quân đang đi vòng quanh chiếc C130 tựa như đang kiểm soát trước khi cho phi cơ cất cánh. Bốn cánh quạt của phi cơ vẫn chưa khởi động, tôi biết mình còn dư thời giờ để lo liệu. Tôi nhìn ông trung úy một lần nữa cho chắc ăn, mặt mày của hắn sáng sủa, đẹp trai, thân hình cao lớn trong bộ quân phục áo liền quần của Không Quân.

 

Tôi la to:

 

-Nguyễn Văn Ly phải không?

 

Gã trung úy Không Quân nhìn tôi với gương mặt khinh khỉnh, cứ như là cả nước Việt Nam này chỉ có một mình hắn biết lái máy bay. Hắn trả lời cộc lốc:

 

-Không, trung úy nhìn lầm người rồi.

 

Tôi là người có trí nhớ rất tốt, chuyện này tôi mới biết khoảng mấy năm gần đây khi học đại học. Những bài vở từ chương trong lớp tôi học dễ dàng, thuộc vanh vách nhưng khi bước qua lãnh vực khoa học, phát minh, tôi lại u mê. Gã trung úy đứng trước mặt tôi đúng là Nguyễn Văn Ly, học chung lớp với tôi từ đệ thất ở trung học Trần Hưng Đạo Đà Lạt, đến năm đệ tam, hắn chuyển qua học bên Trường trung học Adran. Ngày xưa, khi tôi bị lũ bạn trong lớp hiếp đáp, hắn là người đứng ra bênh vực cho tôi.

 

Giống như chuyện mình bị tạt một gáo nước lạnh, tôi ngượng chín người vì có Cúc đứng bên cạnh. Giận thằng bạn đãng trí mau quên, tôi buông tiếng chửi thề:

 

-Mẹ nó, làm lơ máy bay chớ được cái mẹ gì mà bày đặt.

 

Gã trung úy Không Quân cười híp mắt, ôm lấy tôi.

 

-Tình cờ gặp lại mày, tao mừng muốn chết, mới đùa chút xíu mà đã giận rồi. Mày đưa cô bé này về Sài Gòn phải không?

 

-Sao mày biết?

 

Ly hỏi vặn tôi:

 

-Không lý mày với cô bé này đến phi trường để ngắm cảnh, hay là mày lại nói đến đây để thăm tao? Mà nè, mày vừa nói cái chữ gì? Mày nói tao là lơ máy bay phải không?

 

Tôi cười như chế giễu hắn.

 

-Lái vận tải cơ C130, cấp bậc phải là thiếu tá hoặc nếu là đại úy, phải có nhiều giờ bay. Cở trung úy như mày, đi theo máy bay chỉ có việc bưng cà phê cho sếp, hoặc để mấy sếp sai vặt chớ làm được gì.

 

-Nói cho mày biết, tao là hoa tiêu phụ ngồi ghế bên phải trong phòng lái, thiếu tá trưởng phi cơ ngồi bên trái. Không có tao, phi cơ muốn cất cánh coi bộ cũng hơi khó.

 

-Như vậy, mày là tài xế máy bay rồi.

 

Ly cười khoái chí.

 

-Đúng, tài xế chớ không phải là lơ.

 

Tôi hỏi nhỏ Ly:

 

-Công tác gì mà phải đem C130 lên đây?

 

Ly nhìn vào trong máy bay.

 

-Sáng nay, mười hai chiếc C130 chở một Liên Đoàn Nhảy Dù ra Đà Nẵng, khi trở về, chiếc của tao được lệnh ghé Đà Lạt để đem gia đình binh sĩ Không Quân về Sài Gòn. Để tao đưa bạn gái mày lên máy bay.

 

Tôi cải chính.

 

-Cúc là vợ chưa cưới của tao.

 

-Mày chậm tiến quá sức, bên Không Quân bọn tao chẳng có ai dại gì dùng chữ vợ hay vợ chưa cưới, mấy chữ này phải bỏ trong tủ sắt, khóa kỹ lại.

 

Tôi ôm Cúc, hôn nhẹ lên má của nàng:

 

-Em giữ gìn sức khỏe, đừng lo lắng, bận tâm gì về anh.

Khi Cúc đã bước qua khỏi cánh cửa khổng lồ sau đuôi máy bay, Ly nhìn tôi:

 

-Mày leo lên luôn, còn chờ gì nữa?

 

-Mày muốn tao đào ngũ? Đừng có bày đặt xúi dại.

 

-Tao không có xúi dại đâu, mày nghĩ lại đi cả cái Quân Đoàn II, binh hùng tướng mạnh như vậy còn phải di tản chiến thuật. Trường Võ Bị Đà Lạt bé tí tẹo của mày làm được cái gì, liệu có còn đứng vững một mình ở cao nguyên khi mà Phan Rang rơi vào tay Việt Cộng hay không? Nhiệm vụ của tao lên đây là để di tản gia đình binh sĩ Không Quân về Sài Gòn. Đà Lạt coi như đã mất rồi, mày cứ về Sài Gòn đi, mọi chuyện hãy tính sau.

 

Tôi nói:

 

-Cảm ơn lòng tốt của mày, tao phải ở lại trường thôi.

 

Ly siết chặt tay tôi.

 

-Ở lại mạnh giỏi, tới giờ tao phải bay rồi.

 

Trước khi bước đi, hắn nói nhỏ vào tai tôi:

 

-Tao xa Đà Lạt mới có sáu năm, hôm nay trở về đây hình như người đẹp của Đà Lạt biến đâu mất hết rồi.

 

-Tại sao mày nói vậy?

 

Ly lắc đầu ra vẻ khổ sở.

 

-Mày coi bộ chậm chạp vậy mà khôn, vợ xấu mới là vợ của mình.

 

Tôi chỉ muốn đạp cho hắn một đạp nhưng ngẫm nghĩ lại, nó chỉ nói lên sự thật mà thôi. Câu nói của Ly khiến tôi phải suy nghĩ. Tại sao tôi phải lấy một người vợ tuy là giàu có nhưng xấu, trong lúc mình có người yêu đẹp như mơ, lại yêu mình hết mực. Bỗng dưng, tôi nhớ đến cái cân tiểu ly dùng để cân vàng, khi hai bên dĩa cân đã bằng nhau, chỉ cần thêm một cọng tóc vào bên nào, dĩa cân sẽ nghiêng về bên đó. Lời nói của Ly nhẹ như sợi tóc nhưng nó giúp tôi giải đáp được câu hỏi, giải quyết được vấn nạn mà tôi phải cưu mang bấy lâu nay. Đột nhiên, ý tưởng phản bội Cúc để trở về với Dung thoáng qua trong đầu, tôi nói với Ly:

 

-Có chuyện quan trọng, tao phải nhờ mày. Lát nữa, mày nhớ nói với Cúc là tao sẽ ở lại luôn tại Đà Lạt với ba má tao. Tao sẽ không đi đâu hết, cho dù Đà Lạt có di tản. Nhớ nói giúp tao.

 

Gánh nặng ngàn cân đặt trên vai của tôi giờ đây đã được cất xuống. Trên đường về trường, tôi phóng Honda mà người cứ nhẹ như bay.

 

o O o

 

Sau khi Quân Đoàn II rút khỏi cao nguyên, tình hình chiến sự biến chuyển một cách mau lẹ, mau hơn sự suy nghĩ của mọi người.  

Trung úy Trí với cây viết chì mỡ trên tay, vừa cập nhật tin tức mới nhất vào bản đồ gắn trên tường vừa nói với tôi:

 

-Quảng Đức mất rồi, Liên đoàn 24 Biệt Động Quân triệt thoái khỏi Quảng Đức đã đến được một khu rừng gần Bảo Lộc, họ xin Trường Võ Bị bốn chục chiếc trực thăng để bốc họ về Đà Lạt.

 

Tôi nói với Trung úy Trí:

 

-Mày yên chí, chuyện này tao đã trình với Thiếu tướng Chỉ huy trưởng rồi.

 

Trung úy Trí thắc mắc.

 

-Tao đâu có thấy chiếc trực thăng nào trong Trường Võ Bị, một chiếc cũng không có lấy đâu tới bốn chục chiếc để mà chở quân.

 

Tôi giải thích:

 

-Mày biệt phái nên không biết đó thôi, hơn chục cái điện thoại trên bàn, trong đó có hai cái điện thoại nóng. Một cái dùng để liên lạc trực tiếp với Phòng Ba của Bộ Tổng Tham Mưu, cái còn lại, trực tiếp với Sư đoàn 6 Không Quân vừa mới di tản từ Pleiku về đóng ở phi trường Phan Rang. Mấy chục chiếc trực thăng cùng với chiến đấu cơ của sư đoàn này, được đặt dưới quyền sử dụng của Thiếu tướng Chỉ huy trưởng Trường Võ Bị Đà Lạt.

 

-Như vậy thì, khi nào mình bốc Liên đoàn 24 Biệt Động Quân về trường?

 

Tôi chưa kịp trả lời, Trung úy Trí vừa nói vừa xoa hai tay với nhau.

 

-Đang không có thêm một Liên đoàn Biệt Động Quân phòng thủ Trường Võ Bị Đà Lạt, chắc ăn như bắp.

 

Tôi nói nhỏ với Trung úy Trí:

 

-Khi nào bốc hả? Mày qua hỏi Thiếu tướng Chỉ huy trưởng đi?

 

Trung úy Trí cười, tiếng cười đầy sảng khoái vang vọng khắp căn phòng.

 

-Mày định xúi con nít ăn cứt gà phải không? Tao đâu có dại đi vuốt râu hùm.

 

Tôi nói:

 

-Tao ở đây hơn sáu năm, chưa bao giờ thấy ông tướng cười, cả năm mới nghe được ông ấy nói vài tiếng. Mình muốn biết chuyện gì phải nghe lén rồi suy đoán thôi. Chuyện bốc Liên đoàn 24 Biệt Động Quân, tao đoán như thế này: Cả ngày hôm nay không có lệnh của thiếu tướng điều động trực thăng, có nghĩa là ông ấy không muốn bốc Liên đoàn 24 Biệt Động Quân về Trường Võ Bị Đà Lạt. Còn nói đến lý do tại sao không bốc Liên đoàn 24, nó thuộc về lãnh vực điều quân, làm sao mình biết được.

 

Đại úy Luân đang ngồi ở cuối phòng làm việc với hai người hạ sĩ quan truyền tin, ông ta vươn vai đứng lên đi về phía tôi và Trung úy Trí.

 

-Sư đoàn 7 của Việt Cộng phối hợp với xe tăng, đã chiếm xong Bảo Lộc, đang tràn vào Di Linh, cứ cái đà này vài ngày nữa sẽ tới Đà Lạt. Bảy tỉnh của cao nguyên mất hết sáu, chỉ còn có mỗi một mình Đà Lạt.

 

Đang nói chuyện, bất ngờ Đại úy Luân hô lớn:

 

-Nghiêm.

 

Tất cả mọi người trong Trung tâm hành quân đều bật dậy, đứng nghiêm như tượng đá.

 

Thiếu tướng Chỉ huy trưởng vừa bước vào phòng, theo sau ông ta là Đại tá Tỉnh trưởng rồi Đại tá Chỉ huy trưởng trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị. Ba người ngồi vào bàn họp hành quân ở giữa phòng. Thiếu tướng Chỉ huy trưởng nhìn vào tấm bản đồ trên tường rồi hỏi Đại úy Luân.

 

-Tình hình đến đâu rồi?

 

Tôi biết thiếu tướng hỏi để mà hỏi, thực ra ông đã biết hết mọi chuyện nhờ vào Phòng hành quân tại tư dinh.

 

Đại úy Luân với giọng nói chắc và rõ ràng.

 

-Trình thiếu tướng, Di Linh đã bị Việt Cộng chiếm rồi.

 

Thiếu tướng Chỉ huy trưởng hỏi tiếp:

 

-Tiểu đoàn 204 Trinh sát đang ở đâu?

 

Đại úy Luân nhanh chóng trả lời:

 

-Trình thiếu tướng, Tiểu đoàn 204 đang đóng quân gần Chùa Sư Nữ ở Trại Hầm.

 

Chần chừ giây lát như đang suy nghĩ chuyện gì, Thiếu tướng Chỉ huy trưởng quay sang nói với Đại tá Tỉnh trưởng:

 

-Bằng mọi giá, đại tá cho Tiểu đoàn 204 chiếm lại Di Linh.

 

Bầu không khí trong Trung tâm hành quân bỗng trở nên nặng nề, khi Đại tá Tỉnh trưởng cùng với Đại úy Luân đi về phía hệ thống truyền tin đặt ở cuối phòng.

 

Đưa tay chỉ trung úy Trí, Thiếu tướng Chỉ huy trưởng hỏi:

 

-Mấy ngày qua, trung úy và Đại úy Luân biệt phái cho Trường Võ Bị, ăn uống ở đâu?

 

-Trình thiếu tướng, chúng tôi có mang theo lương khô.

 

-Tạm thời như vậy đi, tháng này trung úy và Đại úy Luân sẽ lãnh lương của Võ Bị.

 

Vừa dứt lời Thiếu tướng Chỉ huy trưởng đứng lên đi ra cửa, thân hình của ông tuy to lớn nhưng với huyền đai đệ nhị đẳng Aikido khiến ông có tướng đi nhẹ nhàng lanh lẹ. Khi ngang qua mặt tôi, ông nói:

 

-Trung úy nhắc Phòng tài chánh, ứng lương cho hai sĩ quan biệt phái.

 

Khi Thiếu tướng Chỉ huy trưởng và hai vị đại tá đã rời khỏi phòng, mọi người đều thở ra nhẹ nhõm.

 

Nhân lúc rảnh rỗi, Trung úy Trí giảng cho tôi biết về sự hình thành của Tiểu đoàn 204 mà tiền thân của nó là Đại đội 302 Trinh sát. Đây là tiểu đoàn thiện chiến nhất của Tiểu khu Tuyên Đức, và cũng là tiểu đoàn chủ lực của Quân Khu II. Huyền thoại về Tiểu đoàn 204, tôi và mọi người dân Đà Lạt cũng đều biết rõ.

 

Khi Thiếu tướng Chỉ huy trưởng quyết định đem Tiểu đoàn 204 tái chiếm Di Linh, tuy sẽ chận được bước tiến quân của Cộng Sản trên Quốc lộ 20 nhưng Đà Lạt không còn quân trừ bị.

 

Đại úy Luân và Trung úy Trí cả hai cùng nhìn tôi, Đại úy Luân nói:

 

-Trước sau gì Đà Lạt cũng mất, tại sao mình không đưa hàng chục Tiểu đoàn Địa Phương Quân của Tiểu khu Tuyên Đức với quân số và đạn dược còn đầy đủ, tinh thần chiến đấu còn cao, đi giữ an ninh cho đoạn đường từ Đơn Dương băng qua đèo Ngoạn Mục xuống Sông Pha. Bảo vệ được đoạn đường chiến lược này, Sinh viên sĩ quan Võ Bị, Sinh viên sĩ quan Chiến Tranh Chính Trị, cũng như dân chúng Đà Lạt sẽ an toàn rút về Sài Gòn.

 

Tôi không có ý kiến, chuyện di tản do Thiếu tướng Chỉ huy trưởng quyết định, đúng hay sai và khi nào bắt đầu không phải là việc khiến tôi suy nghĩ.

 

Ngày hôm sau, thêm một ngày ba đứa tôi làm việc tối tăm mặt mày nhưng tất cả đều vui vẻ, vì chiều hôm đó, có tin tức báo về Trung tâm hành quân cho biết binh sĩ của Tiểu đoàn 204, kéo về Đà Lạt một chiếc xe Molotova của Việt Cộng do Liên Xô cung cấp, chiếc xe được để ngay nơi vòi phun nước gần cà phê Hạnh Tâm. Điều này chứng tỏ rằng, Tiểu đoàn 204 đang giao tranh với Việt Cộng ở Di Linh, và đã chận đứng được bước tiến quân của Việt Cộng trên Quốc lộ 20.

Khi mà ngoài trời đã tối mịt, ba đứa chúng tôi mới rảnh rỗi có chút thì giờ đổ nước lạnh vào mấy bao gạo sấy, ăn với thịt hộp, thêm chút mì gói bẻ vụn vì không có nước sôi. Câu lạc bộ sĩ quan đã đóng cửa từ sáng, không còn bán nữa. Ba thằng vừa ăn cơm vừa tán gẫu, đại úy Luân hỏi tôi:

 

-Mấy hôm rồi tôi thấy chỉ có trung úy trực Trung tâm hành quân của trường, một mình ông lo hết mọi chuyện, còn thì giờ đâu để nghỉ ngơi.

 

Tôi giải thích cho Đại úy Luân biết.

 

-Trường Võ Bị Đà Lạt có hai Trung tâm hành quân, một ở trong trường và một ở ngoài tư dinh của thiếu tướng. Trung tâm hành quân ngoài tư dinh của thiếu tướng do hai vị đại úy và hai hạ sĩ quan thay phiên nhau trực. Trung tâm hành quân trong Trường Võ Bị Đà Lạt do hai trung úy và hai hạ sĩ quan điều hành, tất cả được đặt dưới quyền chỉ huy của thiếu tá trưởng Phòng hành quân. Mấy hôm trước đây vì tình hình biến chuyển ở Liên tỉnh lộ 7, Phòng hành quân từ tòa nhà chỉ huy dời xuống đây, Trung úy Hàn thuộc Trung tâm hành quân của trường, phải vác máy PRC 25 đi theo thiếu tá trưởng Phòng hành quân. Một mình tôi phải cáng đáng tất cả mọi việc ở đây, không biết cho đến khi nào mới có thêm sĩ quan trợ giúp.

 

Đang thoải mái ngồi nghe tôi nói chuyện, bất chợt Đại úy Luân buông đũa đứng lên rồi hô to:

 

-Nghiêm.

 

Thiếu tướng Chỉ huy trưởng xuất hiện nơi cửa ra vào, ông nhìn quanh khi thấy tôi, ông ra lệnh:

 

-Trung úy, gọi Đại úy Đại đội trưởng Công Binh đến Trung tâm hành quân nhận lệnh, gọi ngay lập tức.

 

Tôi bốc cái điện thoại nội bộ nối trực tiếp với Đại đội Công Binh. Từ đầu dây bên kia, giọng nói của một người gốc Huế.

 

-Đại úy Thi, Đại đội Công Binh Trường Võ Bị Đà Lạt, tôi nghe.

 

Tôi nhỏ giọng:

 

-Tôi, Trung úy Quân Trung tâm hành quân Trường Võ Bị Đà Lạt, đại úy trình diện Thiếu tướng Chỉ huy trưởng gấp. Thiếu tướng đang ở Trung tâm hành quân của trường.

 

Tôi gác điện thoại rồi đứng nghiêm.

 

-Trình thiếu tướng, đã cho lệnh gọi Đại úy Thi rồi.

 

Thiếu tướng Chỉ huy trưởng gật đầu, quay người đi đến bục thuyết trình. Ông đứng nhìn tấm bản đồ gắn trên tường rồi hỏi trống không:

 

-Từ đây xuống cầu Đại Ninh, đường sá có an ninh không?

 

Đại úy Luân trả lời, giọng hơi rụt rè:

 

-Trình thiếu tướng, ban ngày an ninh hoàn toàn nhưng đêm đến khi binh sĩ của mình rút quân về căn cứ, du kích quân của Việt Cộng có thể xuất hiện hoạt động quấy phá.

 

Thiếu tướng Chỉ huy trưởng nói:

 

-Đại úy lệnh cho tất cả các đơn vị đóng dọc theo Quốc lộ 20, từ đầu đèo Prenn đến cầu Đại Ninh lo phần an ninh quốc lộ, binh sĩ đặt trong tình trạng báo động, sẽ có quân xa của mình di chuyển.

 

Đại úy Luân nói:

 

-Tuân lệnh.

 

Tôi hơi thắc mắc, quân xa nào của mình mà di chuyển vào giờ này.

 

Ngay lúc ấy, cửa phòng Trung tâm hành quân sịch mở mang theo con gió lạnh từ bên ngoài lùa vào, Đại úy Thi bước đi như là chạy đến trước mặt Thiếu tướng Chỉ huy trưởng, ông đưa tay chào kính.

 

-Đại úy Trần văn Thi, trình diện thiếu tướng.

 

Thiếu tướng nhìn Đại úy Thi từ đầu đến chân rồi hỏi:

 

-Đại úy có biết cầu Đại Ninh ở đâu không?

 

Đại úy Thi đưa tay xuống nhưng vẫn đứng nghiêm.

 

-Thưa thiếu tướng biết, cầu nằm ở Quốc lộ 20 trên đường về Sài Gòn, cách Đà Lạt khoảng năm mươi cây số.

 

-Đại úy đã thấy cây cầu ấy chưa?

 

-Thưa thiếu tướng, mấy năm trước tôi đã đi qua cây cầu ấy nhiều lần khi đi phép về Sài Gòn.

 

-Nó như thế nào?

 

-Trình thiếu tướng, cầu khá lớn, chiều dài của cầu có thể đến hai trăm thước, được đúc bằng bê tông cốt sắt khá kiên cố bắc ngang sông… hình như sông Đa Nhim thì phải.

 

Thiếu tướng Chỉ huy trưởng đi đến bàn họp hành quân, ông ngồi xuống rồi tiếp tục hỏi Đại úy Thi.

 

-Đại úy biết khá rõ về cây cầu, vậy phải cần bao nhiêu ký thuốc nổ để phá sụp cây cầu đó.

 

Đại úy Thi luống cuống ra mặt.

 

-Trình thiếu tướng, tôi cần có thì giờ đo đạc chân cầu, tính toán cẩn thận mới biết rõ cần bao nhiêu ký chất nổ.

 

Thiếu tướng Chỉ huy trưởng nhíu mày, chừng như suy nghĩ.

 

-Đại úy cho một con số phỏng chừng cũng được.

 

Sau một chút chần chờ, Đại úy Thi trả lời:

 

-Trình thiếu tướng, phải cần trên một tấn hợp chất C4, chuyên viên chất nổ của Công Binh mới giựt sập cầu được.

 

Giọng nói của Thiếu tướng Chỉ huy trưởng đột nhiên nghiêm lại, nghe như là một mệnh lệnh chứ không phải giọng lúc nói chuyện.

 

-Tôi muốn, đại úy đích thân dẫn lính Công Binh, đi phá cầu Đại Ninh cho tôi.

 

-Trình thiếu tướng, khi nào?

 

-Ngay bây giờ, đại úy thấy có gì trở ngại không?

 

-Trình thiếu tướng, không.

 

Tôi biết rõ, nếu Thiếu tướng Chỉ huy trưởng bảo Đại úy Thi nhảy vô lửa, ông ấy cũng nhảy ngay lập tức, sá gì chuyện đi đặt mìn phá hủy cây cầu.

 

Thiếu tướng Chỉ huy trưởng nhìn vào đồng hồ đeo tay.

 

-Bây giờ là tám giờ tối, đại úy có một giờ

để chuẩn bị chất nổ và chuyên viên, chín giờ khởi hành. Từ đây đến cầu Đại Ninh khoảng năm mươi cây số, mười giờ ba mươi đại úy sẽ có mặt tại cầu. Sau khi giựt sập cầu Đại Ninh, đại úy báo cáo kết quả về Trung tâm hành quân của trường.

Thiếu tướng Chỉ huy trưởng nhìn thẳng vào mắt của Đại úy Thi:

 

-Đại úy có gì hỏi không?

 

-Thưa thiếu tướng, chở một xe chất nổ di chuyển ban đêm không có hộ tống, rất dễ bị Việt Cộng bắn B40.

 

Thiếu tướng Chỉ huy trưởng chỉ tay về phía đại úy Luân.

 

-Đã có đại úy Luân, phòng hành quân của Tiểu khu lo phần an ninh lộ trình.

 

Như chợt nhớ ra điều gì, Thiếu tướng Chỉ huy trưởng nói với Đại úy Luân:

 

-Tiểu đoàn 277 của Tiểu khu Tuyên Đức, đã qua cầu Đại Ninh vào vùng hành quân chưa?

 

-Trình thiếu tướng tiểu đoàn trên đã qua cầu, đang tiến vào quận Di Linh.

 

-Tốt.

 

Vừa dứt lời, Thiếu tướng Chỉ huy trưởng quay sang nói với đại úy Thi:

 

-Đại úy về Đại đội Công Binh chuẩn bị, một giờ nữa sẽ khởi hành.

 

Khi Đại úy Thi rời khỏi Trung tâm hành quân, tất cả chúng tôi bắt đầu làm việc, theo dõi từng bước đi của ông ta rồi trình lên Thiếu tướng Chỉ huy trưởng.

 

Mãi đến 1 giờ sáng, tôi mới nhận được tin của Đại úy Thi nói qua máy truyền tin:

 

-Trung úy trình cho thiếu tướng biết, tôi đã giựt sập cầu Đại Ninh rồi.

 

-Tôi sẽ trình ngay lập tức nhưng đại úy phải về Trung tâm hành quân trình diện thiếu tướng, ông ấy đang chờ đại úy ở đây.

 

Ba giờ sáng, Đại úy Thi về đến Trung tâm hành quân. Sau khi nghe rõ Đại úy Thi tường trình đầy đủ về việc giựt sập cầu Đại Ninh, Thiếu tướng Chỉ huy trưởng mới chịu ra về. Tốn hơn bảy, tám tiếng đồng hồ, lại đích thân lo mọi việc chứng tỏ chuyện phá sập cầu Đại Ninh là một điều quan trọng trong kế hoạch di tản khỏi Đà Lạt của Thiếu tướng Chỉ huy trưởng.

 

Sau một ngày làm việc liên tục, chúng tôi tạm thời được nghỉ ngơi. Tôi đang mơ màng trong giấc ngủ chập chờn, bất chợt tiếng chuông điện thoại reo vang. Tôi nhìn đồng hồ, mới bốn giờ sáng mà điện thoại reo là có chuyện không ổn rồi. Tôi chụp cái

ống liên hợp.

 

-Trung úy Nguyễn Trọng Quân, Trung tâm hành quân Trường Võ Bị Đà Lạt, nghe.

 

Giọng của bác Bảy ở đầu dây bên kia, nghe không được rõ cho lắm.

 

-Bác có chuyện quan trọng cần nói với con.

 

-Dạ, con nghe đây bác.

 

-Độ mươi ngày trước đây, khi con Cúc về Sài Gòn, nó có nói với bác là chiếc máy bay C130 chở Cúc rộng thênh thang, trung úy lái máy bay lại là bạn của con nhưng con không chịu về, đúng không?

 

Tôi trả lời:

 

-Dạ phải.

 

Giọng của bác Bảy nói mà như là phiền trách:

 

-Bác đã nói với con là mình phải bỏ nước ra đi, vậy mà con không chịu nghe lời bác. Con có biết không, cái đám cố vấn Mỹ bạn của bác, tụi nó ngày nào cũng thúc giục bác phải ra đi càng sớm càng tốt. Hiện tại, bác đang ngồi ở phòng đợi của hãng hàng không Air France, tại phi trường Tân Sơn Nhất. Hai giờ nữa máy bay sẽ cất cánh, với bác mọi chuyện đều suôn sẻ, chỉ tội cho Cúc nó buồn vì không có con nhưng mà bác làm gì được bây giờ. Con với Cúc đã làm đám hỏi, hai đứa bây có duyên mà không có phận, khi bác và Cúc đi rồi, con được tự do hoàn toàn định liệu lấy đời mình.

 

Nghe bác Bảy nói, tôi mừng thầm trong bụng. Tôi nghĩ, sau này về được Sài Gòn, tôi có thế cưới Dung mà không một chút mặc cảm là đã phụ rãy Cúc. Tôi nói:

 

-Con cảm ơn bác.

 

-Còn điều này nữa, cho bác gởi lời thăm ba má con và mấy em của con. Tới giờ bác phải lên máy bay rồi, con ở lại mạnh giỏi.

 

Tôi nói thêm:

 

-Con chúc bác và Cúc lên đường bình an.

 

Cùng lúc ấy, tôi nghe được đường dây điện thoại bị cắt, chỉ còn tiếng u..u.. vọng lại.

 

Tôi gác điện thoại, nhắm mắt cố dỗ giấc ngủ để mai còn sức mà làm việc. Suốt ngày hôm ấy, chúng tôi lên máy chỉ theo dõi mọi biến chuyển về chuyện điều quân của Thiếu tướng Chỉ huy trưởng.

 

o O o

 

Chiều hôm nay 31 tháng 3 năm 1975, tôi đang đứng tại tòa nhà chỉ huy. Sau khi nhìn quanh một vòng không thấy gì, tôi đi lần theo cầu thang xoắn ốc lên đến tầng hai của bộ chỉ huy. Sau lưng tôi là phòng làm việc của Thiếu tướng Chỉ huy trưởng, trước mặt tôi là Trung tâm hành quân cũ, hành lang phía trái và hành lang bên phải sâu hun hút, lờ mờ trong bóng tối, cửa nẻo đóng im ỉm không một bóng người. Những tia nắng vàng vọt, yếu ớt còn sót lại của buổi chiều mùa xuân lọt qua những ô cửa kính của bộ chỉ huy, màu vàng của nắng yếu đuối, nhợt nhạt không một chút sinh khí, tất cả chìm trong ánh sáng mờ mờ khiến cả tòa nhà như đã bị bỏ hoang lâu ngày.

 

Tôi bước tới gần khung cửa kính, bên ngoài là Vũ Đình Trường Lê Lợi xanh màu cỏ, ngay trước khán đài danh dự là cột cờ với cờ Quốc Gia vẫn còn tung bay phất phới. Hình ảnh của những sinh viên sĩ quan quỳ dưới bóng cờ này trong ngày lễ mãn khóa, với lời thề quyết tâm bảo vệ tổ quốc hãy còn vang vang đâu đó. Giờ đây, những sinh hoạt thường ngày của hàng ngàn sinh viên sĩ quan đã hoàn toàn biến mất. Từ hôm qua, sinh viên sĩ quan được trang bị như một người lính tác chiến với súng cá nhân M16, súng cộng đồng M60, thậm chí cả súng chống chiến xa M72, họ được đưa đi giữ an ninh lộ trình trải dài từ cầu Đất cho đến Đơn Dương. Khi sinh viên ra đi, họ bỏ lại ngôi trường trơ trọi một mình, không có sinh viên ngôi trường chỉ là cái xác không hồn, đứng im lìm trong nắng chiều hiu hắt.

 

Tôi nhìn ngôi trường, nơi mà tôi đã phục vụ hơn sáu năm trong đời quân ngũ của mình. Sáu năm, một khoảng thời gian không nhiều cho lắm, so với chiều dài của cuộc sống con người, thế nhưng khoảng thời gian ấy đủ để chiếm lấy một phần trong ký ức, đủ để khắc sâu vào tâm khảm của mình. Lòng tôi bỗng dưng chùng xuống, bùi ngùi thương cảm. Một chút luyến thương, khi biết mình sắp phải rời xa vĩnh viễn ngôi trường khiến tôi cảm thấy cay cay nơi mắt. Đêm nay hoặc chậm lắm là ngày mai, chúng tôi sẽ di tản. Ra đi là bỏ lại Đồi Bắc, bỏ lại cổng Nam Quan, bỏ luôn cả tòa nhà chỉ huy với Trung tâm hành quân, tất cả chỉ còn lại trong quá khứ vàng son một thuở. Tôi đi mà hành trang mang theo, chỉ là những ngày dài nhớ thương về ngôi trường trên đỉnh cao nguyên Lâm Viên.

 

Tôi bước dọc theo hành lang phía trái của bộ chỉ huy, để trở về Trung tâm hành quân mới. Khi gần đến nơi, đột nhiên tôi đổi ý rẽ vào thư viện. Cũng lại hoàn toàn im vắng, cho dù có đốt đuốc cũng không tìm ra một người. Mặc dù đã biết trước như vậy, tôi vẫn cảm thấy xốn xang trong lòng. Cái cảm giác như là đang xem một cuốn phim đen trắng, chiếu về cảnh ngày tận thế, mà trong đó kẻ sống sót duy nhất thẫn thờ đi lang thang hết dãy phố này qua dãy phố khác, với mục đích tìm cho được mầm sống, còn sót lại đâu đó. Một mình tôi đang đứng giữa hằng hà sa số sách và sách, chung quanh đó là bàn ghế sạch sẽ được săp xếp ngăn nắp gọn gàng. Tôi chọn một chỗ rộng rãi thoáng mát, thoải mái ngồi dựa ngửa, gác nguyên đôi bốt đờ sô lên bàn rồi đốt một điếu thuốc, khói thuốc chầm chậm, lơ lửng, là đà bay trong không khí. Giữa không gian tĩnh lặng không một tiếng động, giá như có một hạt bụi rơi, tôi tưởng rằng mình có thể nghe được. Tôi ngồi đó tận tình thưởng thức hương thơm của khói thuốc, thuận tay, tôi vớ lấy cuốn sách mà ai đó đang đọc nửa chừng còn để úp ngược trên bàn. Tôi bắt đầu đọc, đọc để quên đi chuyện di tản đang sôi động ở bên ngoài.

Được một đoạn ngắn, sức hấp dẫn lôi cuốn mãnh liệt của cuốn truyện khiến tôi quên hết mọi chuyện ở quanh mình. Tôi lạc vào thế giới của “Trại Đầm Đùn” lúc nào cũng không biết.

 

-Trung úy, trung úy.

 

Tiếng gọi của người hạ sĩ quan trực hành quân vang vang khắp căn phòng, kéo tôi về với thực tại.

 

-Tôi đây.

 

-Tôi tìm trung úy muốn hụt hơi. Trời đất, trong giờ phút dầu sôi lửa bỏng, phải bỏ của chạy lấy người đến nơi mà trung úy còn bình tĩnh ngồi đây đọc sách. Ông hay thiệt, mà nè sách gì vậy, có hay không?

 

Tôi không trả lời người hạ sĩ quan mà hỏi ông ta:

 

-Có chuyện gì?

 

-Trung úy Lợi, bên Công Binh của trường cần gặp trung úy.

 

-Mấy giờ rồi?

 

-Bảy giờ.

 

-Hai vị đại úy và trung úy thuộc Trung tâm hành quân của Tiểu khu, biệt phái cho trường ở đâu rồi?

 

-Họ đang theo dõi, cập nhật, bố trí của mấy tiểu đoàn Địa Phương Quân.

 

Tôi lẹ làng nhét cuốn truyện Trại Đầm Đùn vô túi áo jacket, rồi vội vàng phóng một mạch về Trung tâm hành quân. Cuốn sách trong túi áo của tôi, là cuốn sách duy nhất trong thư viện của trường Võ Bị được tôi đem theo, tất cả sách còn lại sẽ bị thiêu hủy dưới sức công phá của hàng ngàn ký chất nổ C4.

 

Trung úy Lợi đang đứng bên hông chiếc xe Dodge 4×4, ông ta nói với tôi:

 

-Tôi muốn kiểm chứng lại lần chót với Trung tâm hành quân.

 

-Chuyện gì?

 

-Bốn điểm trọng yếu trong trường mà tôi phải đặt mìn để phá hủy là tòa nhà bộ chỉ huy, nhà thí nghiệm nặng, thư viện và phạn xá, đúng không?

 

-Đúng.

 

-Coi như xong, với mấy xe Dodge đầy nhóc chất nổ C4, đủ sức cho tôi hoàn thành nhiệm vụ.

 

Giọng nói của Trung úy Lợi đột nhiên nhỏ lại chỉ vừa đủ nghe.

 

-Khi nào bọn mình dọt?

 

-Tôi mà biết được, giờ này tôi đã là chỉ huy trưởng rồi.

 

Nhìn nét thất vọng hiện rõ trên gương mặt của Trung úy Lợi, tôi an ủi.

 

-Phá sập xong Trường Võ Bị thì trung úy dọt, lúc đó cho dù ông có muốn ở lại cũng không được.

 

Trung úy Lợi nói với tôi:

 

-Phải chi giờ này Câu lạc bộ sĩ quan còn, bọn mình qua đó làm một ly cà phê trước khi chia tay với Trường Võ Bị.

 

-Tôi có cà phê nhưng không có nước sôi.

 

Trung úy Lợi hăng hái nói:

 

-Dễ ợt, giựt sập Trường Võ Bị tôi còn làm được, sá gì chuyện mấy cái ly nước sôi, để đó tôi lo.

 

Vừa nói Trung úy Lợi vừa đi vòng ra phía sau xe Dodge, ông ta lôi ra một bánh C4, thoáng chốc ngọn lửa xanh biếc bùng lên. Khi nước trong chiếc ca nhôm bắt đầu sôi, Trung úy Lợi đổ thẳng cà phê bột vào ca nước.

 

Chúng tôi uống cà phê mà như uống thuốc độc.

Nó đắng nghét, lợn cợn những hột cà phê nhỏ như những hột cát mịn bám đầy lưỡi. Đó là ly cà phê cuối cùng, mà tôi và Trung úy Lợi uống ở Trường Võ Bị Đà Lạt.

 

Gần chín giờ tối, hai Đại đội sinh viên sĩ quan cuối cùng rời khỏi trường theo cổng Tôn Thất Lễ. Cho tới giờ này, tôi biết rằng trong trường chỉ còn lại năm người vẫn còn đang làm việc tại Trung tâm hành quân, đó là hai hạ sĩ quan trực máy, hai sĩ quan hành quân của Tiểu khu Tuyên Đức biệt phái cho trường và tôi. Điều đặc biệt là bên ngoài vòng đai của trường, gồm có Tiểu đoàn An Ninh cũng như những đơn vị bảo vệ vẫn còn đóng quân tại chỗ, giữ an ninh cho trường, nói đúng hơn là giữ an ninh cho một cái xác không hồn.

 

Sáng nay, đoàn quân xa của trường đã chở tất cả gia đình binh sĩ trong trại gia binh của trường xuống Sông Pha, sau đó, quay về trường sẵn sàng đón thêm binh sĩ cũng như sinh viên sĩ quan của trường, chưa di tản lúc sáng.

 

Đang chăm chú theo dõi mọi diễn tiến của cuộc rút quân, tôi chợt nghe giọng nói của Thiếu tướng Chỉ huy trưởng vang lên đàng sau lưng tôi.

 

-Trung úy đi hỏi coi, trực thăng có đáp xuống Pr’line được không?

 

Tôi giật mình, lật đật đứng nghiêm chào thiếu tướng. Khi đã hiểu rõ câu hỏi của ông, tôi chạy đến sân cỏ trung đoàn sinh viên nơi có chiếc trực thăng của thiếu tướng đậu sẵn ở đó. Tôi hỏi vị đại úy lái chiếc trực thăng:

 

-Thiếu tướng muốn biết, trực thăng có đáp xuống Pr’line được không?

 

Vị đại úy lái trực thăng nói với tôi:

 

-Tối hôm nay trời nhiều sương mù, đáp được nhưng không an toàn.

 

Tôi đi trở lại Trung tâm hành quân.

 

-Trình thiếu tướng, vị đại úy lái trực thăng nói đáp được nhưng không an toàn.

 

Thiếu tướng Chỉ huy trưởng ra lệnh cho tôi:

 

-Cho trực thăng đến Pr’line, ở đó chờ lệnh mới.

 

Tôi biết, Pr’line là tên của ngọn núi cao nhất gần Cầu Đất, cách Đà Lạt khoảng hai mươi lăm cây số trên đường đi xuống Sông Pha. Ngày xưa, đây là trung tâm phát tuyến lớn nhất trong chiến tranh Việt Nam, trung tâm này do Mỹ thành lập, sau năm 1973 họ bàn giao lại cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Hiện tại, Sinh viên sĩ quan Võ Bị đã đóng quân tại căn cứ này từ hôm qua.

 

Một lần nữa, tôi lại phải chạy ra sân cỏ trung đoàn sinh viên, truyền lệnh cho vị đại úy lái trực thăng.

 

Khi tôi trở lại Trung tâm hành quân, Thiếu tướng Chỉ huy trưởng đang đi tới đi lui trong phòng, đầu cúi xuống như đang nhìn vào mũi giày của ông, bất ngờ ông đưa tay nhìn đồng hồ rồi nói:

 

-Xé và đốt tất cả bản đồ hành quân trên tường, phá hủy đường dây điện thoại.

 

Dứt lời, thiếu tướng ngồi xuống ghế nhìn chúng tôi làm công việc tiêu hủy tài liệu. Khi thấy mọi việc đã xong xuôi, ông nói:

 

-Đi.

 

Chúng tôi vai ba lô, súng M16, tay xách máy PRC25, đặc lệnh truyền tin, rời khỏi Trung tâm hành quân của Trường Võ Bị Đà Lạt, tôi nhìn đồng hồ đeo tay của mình : chín giờ rưỡi.

 

Thiếu tướng Chỉ huy trưởng bước lên chiếc xe jeep của ông, trên xe chỉ có tài xế và ông. Vị Đại úy Tùy viên, người vẫn thường theo ông như bóng với hình, hôm nay ông ấy ở đâu tôi không thấy. Có thể ông ấy đang ở ngoài tư dinh.

 

Chiếc xe jeep của phòng hành quân đậu cách xe của thiếu tướng chừng mươi thước, tôi bước tới nhìn vào xe rồi giật mình hỏi tài xế:

 

-Hai đứa nhỏ nào đây?

 

Người tài xế trả lời:

 

-Con của tôi đó trung úy.

 

Tôi nhìn hai đứa nhỏ khoảng mười ba, mười bốn tuối đang ngồi trong xe rồi tính nhẩm trong đầu, năm người của Trung tâm hành quân, tài xế nữa là sáu thêm hai đứa nhỏ vị chi là tám người, trong đó sáu người với đầy đủ ba lô súng đạn, thêm bốn máy truyền tin PRC25, chỗ đâu mà chứa cho hết. Tôi bấm đèn pin, rọi xuống sàn xe rồi hỏi tài xế:

 

-Còn cái bao gạo năm chục ký với mấy cái nồi này của ai? Phải bỏ lại thôi.

 

Người tài xế nói, giọng nói như là năn nỉ.

 

-Trung úy độc thân nên không biết, tôi bỏ bao gạo lại đây, ngày mai con tôi lấy cái gì ăn.

 

Tôi nhìn hai đứa nhỏ, rồi nghĩ tới mấy đứa em của mình đang ở nhà với ba má tôi. Ba má tôi, sống trong một căn nhà gỗ tồi tàn gần ba chục năm ở ngoại ô, vừa mới dọn về căn nhà khang trang ở phố chưa được bao lâu, ông bà tiếc của nên đi không đành. Tôi nói:

 

-Tất cả lên xe.

 

Chiếc xe jeep của Trung tâm hành quân, tôi là trưởng xa, ghế trước bên phải là ghế của tôi.

 

Đại úy Luân là người biết chuyện, ông chui vào xe ngồi phía sau tránh cho tôi tình trạng khó xử. Không còn thì giờ tìm hiểu để biết mọi người chen chúc như thế nào ở phía sau, có đủ chỗ hay không? Tôi nói với tài xế:

 

-Chạy theo xe của thiếu tướng.

 

Trên trời, con trăng mười tám hay mười chín tôi không rõ lắm treo lửng lơ, mặt trăng đã bắt đầu meo méo tỏa chút ánh sáng mờ mờ xuống khu đồi 1515. Trường Võ Bị Đà Lạt nằm trên ngọn đồi này. Xe jeep của tôi và của Thiếu tướng Chỉ huy trưởng không mở đèn, chạy chầm chậm đến cổng Nam Quan rồi quay đầu lại tòa nhà chỉ huy. Khi xe jeep chạy ngang qua Vũ Đình Trường Lê Lợi, tôi quay nhìn về phía tay phải, Đài Tử Sĩ chìm trong ánh trăng mờ vàng úa, tiếng kèn truy điệu gọi hồn tử sĩ vị quốc vong thân chừng như còn văng vẳng đâu đây. Tôi nhắm mắt, bịt tai cho đến khi xe băng qua hai ngôi nhà tiền chế của Tiểu Đoàn An Ninh, qua Liên Đoàn yểm Trợ rồi ra khỏi trường theo cổng Lý Thường Kiệt. Tôi nghĩ trong đầu, lát nữa đây hàng ngàn ký chất nổ C4 của Trung úy Lợi, sẽ giựt sập bốn điểm trọng yếu của Trường Võ Bị.

 

Khi chiếc xe jeep của tôi đến cổng tư dinh của Thiếu tướng Chỉ huy trưởng, ở gần ngã tư Phan Chu Trinh, tôi cho tài xế quay đầu xe lại đợi ở bên ngoài. Bên trong sân tư dinh đèn đuốc sáng choang, tôi thấy Đại tá Chỉ huy trưởng Trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị cùng với Đại tá Tỉnh Trưởng đang đứng trước hàng hiên. Chờ cho đến khi đoàn xe trong tư dinh bắt đầu chuyển bánh, tôi cho xe jeep của tôi chạy trước dẫn đầu. Điều tôi không ngờ được là dân chúng Đà Lạt đã di tản từ lúc nào, có thể là từ chiều. Người dân bỏ Đà Lạt ra đi bằng tất cả mọi phương tiện mà người ta có được, từ chiếc xe truck, xe du lịch, xe Lam, xe Honda, cho đến xe đạp thậm chí kể cả chuyện phải bồng bế, gánh gồng, tất cả chen chúc nhau trên đoạn đường từ Đà Lạt xuống Đơn Dương. Đoàn người di tản đông đến độ xe cộ chỉ chạy được với vận tốc không quá mười cây số một giờ. Với một đoạn đường khoảng ba chục cây số, phải mất gần ba giờ chiếc xe jeep của tôi mới tới được Eo Gió, chuẩn bị để đổ đèo Ngoạn Mục. Đường đèo dài khoảng hai chục cây số, quanh co khúc khuỷu ôm theo triền núi, nhiều đoạn sườn núi thắng như vách đá dựng, người dân Đà Lạt di tản nếu vượt qua được đoạn đường này, xuống đến Sông Pha kể như đã vào vùng an toàn, không còn gì phải lo lắng.

 

Một giờ sáng ngày 1 tháng 4, cả đoàn xe bị kẹt trên đèo Ngoạn Mục hơn hai tiếng đồng hồ. Qua máy truyền tin, tôi biết được Việt Cộng bắn B40 vào một chiếc xe chạy đầu ở Sông Pha.

 

Tôi đứng ở đỉnh đèo Ngoạn Mục nhìn xuống chân núi, đoàn người di tản đi bộ dọc theo hai bên đoàn xe, đèn xe sáng rực cả một góc trời trông giống như là một con rắn lửa khổng lồ đang bò theo triền núi, để trườn mình xuống đồng bằng. Cái đầu của con rắn đã qua khỏi Sông Pha, trong khi thân của nó hãy còn ở đỉnh đèo Ngoạn Mục, và cái đuôi con rắn có thể còn ở đâu tận Đà Lạt.

 

Khi xe jeep của tôi đến một khúc cua gắt như cái cùi chỏ, lúc này xe chạy còn chậm hơn người đi bộ. Dưới ánh sáng của hàng ngàn ngọn đèn đủ mọi loại xe, tôi thấy một anh Sinh viên sĩ quan Võ Bị đứng trên một mô đất bên vệ đường, hai chân của anh xoạc ra theo thể thao diễn nghỉ, tay trái buông xuôi, tay phải ôm khẩu M16, báng súng chống vào bên hông, nòng súng hướng lên trời. Tôi xuống xe, đi bộ đến bên anh sinh viên, định hỏi tại sao anh ta không di chuyển theo đoàn quân mà lại đứng một mình ở đây.

 

Khi đến trước mặt anh sinh viên, tôi giật mình vì thấy đôi dòng lệ chảy dài theo khóe mắt của anh ta. Anh sinh viên với nét mặt u buồn, đôi môi mím chặt, đứng bất động nhìn theo đoàn người di tản đang từ từ trôi xuống đồng bằng. Nếu không có những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt buồn bã của anh sinh viên, tôi tưởng rằng mình đang đứng đối diện với một pho tượng được tạc bằng đá. Tôi không biết pho tượng đá đó khóc vì phải đời đời rời xa ngôi trường thân yêu, hay khóc vì cảnh sinh linh đồ thán.

 

Tôi nghĩ rằng, chẳng thà anh sinh viên khóc thành tiếng, có thể tiếng khóc sẽ làm vơi đi những uất hận, đớn đau chất chứa trong lòng. Đàng này, anh lại yên lặng nuốt cái uất ức vào lòng, nỗi đau tự nó sẽ nhân lên gấp bội.

 

Tôi tốt nghiệp Thủ Đức, chỉ làm việc ở Trường Võ Bị, vậy mà khi rời xa ngôi trường lòng tôi đau đớn như bị dao cắt huống gì Sinh viên sĩ quan Võ Bị Đà Lạt, bốn năm gắn bó với ngôi trường trên đỉnh ngọn đồi 1515. Tôi hiểu và cảm được cái đau của pho tượng đá trước mặt tôi.

 

Hơn một ngàn Sinh viên sĩ quan Võ Bị Đà Lạt ba lô trên vai, súng M16 cầm tay vừa di chuyển vừa bảo vệ dân chúng, chân đi nhưng lòng của họ còn để lại ở Trường Võ Bị, bởi vì tôi nghe một anh sinh viên với giọng nói như gào thét, đầy phẫn uất.

 

-Tại sao chưa đánh mà chạy.

 

Một anh sinh viên khác, nói mà như khóc:

 

-Phải ở lại bảo vệ Đà Lạt, bảo vệ Trường cho dù có chết. Không thể hèn như vậy được.

 

Hơn một ngàn trái tim với tinh thần kỷ luật cao độ, đó là một khối thép đồng nhất, một khối sức mạnh vô địch mà Thiếu tướng Chỉ huy trưởng Trường Võ Bị Đà Lạt đã đem xuống bảo vệ đèo Ngoạn Mục, vì đây là đoạn đường đèo trọng yếu, là con đường huyết mạch trong cuộc di tản của dân Đà Lạt. Một ngàn Sinh viên sĩ quan Võ Bị Đà Lạt, họ thà chết, hy sinh cho đến người cuối cùng, để dân chúng Đà Lạt an toàn di tản về Sài Gòn. Bởi vì, Bảo Quốc An Dân là bổn phận và trách nhiệm của họ.

 

Thêm một chi tiết khá quan trọng mà ít người biết đến, là khi người dân Đà Lạt đã đi quá Sông Pha vào được vùng an toàn thì Tiểu đoàn 204 trinh sát của Tiểu khu Tuyên Đức, đang còn giao tranh với Cộng quân tại Di Linh. Và Tiểu đoàn 277 của Tiểu khu Tuyên Đức đang trên đường tiến vào Di Linh. Hai Tiểu đoàn 204 và 277, với quân số chưa tới một ngàn người phải chiến đấu chống lại Trung Đoàn 812 là chủ lực quân của Khu 6 và Sư Đoàn 7 của Việt Cộng. Tôi tin rằng họ sẽ cầm chân Việt Cộng ở Di Linh ít ra cũng được vài ngày, đủ thời giờ cho dân chúng Đà Lạt di tản. Có một điều khiến tôi phải thắc mắc, nếu sĩ quan cũng như binh sĩ của hai Tiểu đoàn 204 và 277 biết được là họ đi vào mặt trận mà không có lực lượng trừ bị, không có yểm trợ của pháo binh, không quân, ngay cả việc tiếp tế đạn dược và lương thực cũng không có, liệu họ có đủ can đảm chiến đấu hay không khi biết mình là những cảm tử quân, chỉ có đi mà không có về. Cuối cùng là chuyện, nếu Cộng Sản tiêu diệt được hai tiểu đoàn thiện chiến nói trên, xe tăng của Việt Cộng cũng không làm sao vượt qua được sông Đa Nhim, vì cầu Đại Ninh đã bị giựt sập.

 

Trong suốt cuộc đời của tôi, đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến một cuộc di tản vĩ đại, đầy đau khổ của người dân khi chạy trốn Cộng Sản. Dân Đà Lạt bỏ tất cả nhà cửa ruộng vườn, đất đai, chỉ với vài bộ quần áo và nắm cơm trên tay chạy về vùng Quốc Gia kiểm soát, chạy về những nơi chưa lọt vào tay Cộng Sản.

 

Khi tôi đến Sông Pha trời đã sáng hẳn, xe của Thiếu tướng Chỉ huy trưởng hãy còn xa tít ở phía sau, ông là người nằm trong toán quân đi bọc hậu ở chót cùng. Tất cả sinh viên sĩ quan cũng như binh sĩ của Trường Võ Bị Đà Lạt tập trung tại một bãi đất trống bên đường để nghỉ ngơi sau một đêm thức trắng. Riêng dân chúng Đà Lạt vẫn tiếp tục chạy về Phan Rang. Tôi quay đầu, ngước nhìn lại đỉnh đèo Ngoạn Mục, hai đường ống dẫn nước khổng lồ từ đập Đa Nhim đổ xuống Sông Pha lấp lánh dưới ánh mặt trời, những tia nắng đầu tiên trong ngày làm rõ thêm đoàn người đông như một đàn kiến, vẫn còn tiếp tục đổ xuống đèo.

 

Đà Lạt di tản gần như là hoàn hảo, không một tiếng súng nổ, không có cảnh chết chóc như Đại Lộ Kinh Hoàng ở Quảng Trị năm 1972, không chen lấn hoảng loạn như Quân đoàn II, khi triệt thoái về Tuy Hòa theo Liên Tỉnh Lộ 7 khoảng hai tuần lễ trước đây.

 

Từ Sông Pha về Sài Gòn, đi theo ngã Phan Thiết, rồi Bình Tuy, không còn khó khăn nguy hiểm. Ngày 4 tháng 4, Sinh viên sĩ quan Võ Bị Đà Lạt cùng quân nhân cơ hữu của trường được vận tải cơ C130, và trực thăng Chinook bốc từ Bình Tuy về Long Thành.

 

Nắm trong tay bốn chục chiếc trực thăng UH1, thêm vận tải cơ C130, trực thăng Chinook, được điều động từ Sài Gòn, Thiếu tướng Chỉ huy trưởng Trường Võ Bị Đà Lạt có thể bốc tất cả Sinh viên sĩ quan Võ Bị đem về Sài Gòn trong vòng vài tiếng đồng hồ. Tại sao ông không dùng máy bay vừa an toàn vừa nhanh chóng, mà lại dùng đường bộ. Lý do đơn giản và dễ hiểu nhất bởi vì ông không thể bỏ rơi dân Đà Lạt. Một trong nhiều lý do khiến Việt Nam Cộng Hòa thua Cộng Sản đó là tinh thần Nhân Bản, đã ăn sâu vào tâm khảm của người dân miền Nam, trong đó có Thiếu tướng Chỉ huy trưởng Trường Võ Bị Đà Lạt.

 

Chương IX:

Đào thoát

 

Khóa 28 và 29 của Trường Võ Bị Đà Lạt vừa làm lễ mãn khóa được vài ngày, trong trường chỉ còn lại hai khóa 30 và 31. Nhàn cư vi bất thiện, tôi và Trung úy Trí rảnh rỗi ngồi uống cà phê ở Long Thành với mấy người bạn cùng khóa. Khóa của tôi có khoảng một trung đội đi du học Fort Benning ở Georgia Hoa Kỳ, sau khi tốt nghiệp hầu như tất cả được đưa về làm huấn luyện viên tại Trường Bộ Binh Thủ Đức. Tụi tôi gặp lại nhau, thôi thì không biết bao nhiêu là chuyện ngày xưa được đem ra nhắc lại. Đang say sưa tán gẫu, tôi bỗng giật mình khi nghe loa phát thanh gọi tên mình.

 

-Trung úy Nguyễn Trọng Quân, Trung tâm hành quân Trường Võ Bị Đà Lạt, đến Khu tiếp tân có thân nhân cần gặp.

 

Cả Sài Gòn này, tôi chỉ quen có hai người con gái là Cúc và Dung. Cúc là vợ chưa cưới của tôi, đã đi Mỹ với bác Bảy từ mấy tuần lễ trước rồi, không lẽ người tìm tôi lại là Dung.

 

Tôi nói với Trung úy Trí và mấy người bạn cùng khóa, hiện đang là huấn luyện viên của Trường Bộ Binh Thủ Đức.

 

-Xin lỗi quý vị, tôi phải ra khu tiếp tân có chút chuyện.

 

Khi hai đứa còn cách xa nhau cả chục thước, Dung chạy đến ôm chầm lấy tôi hôn lên khắp mặt mũi, vừa hôn vừa nói:

 

-Cảm ơn trời Phật.

 

Tôi nghe rõ nhưng vẫn hỏi lại Dung:

 

-Em nói cái gì vậy?

 

-Em nói cảm ơn trời Phật đã cho em gặp anh, em chỉ sợ anh không có ở trường sẽ hư hết mọi chuyện.

 

-Chuyện gì? Mà tại sao em biết anh ở đây?

 

-Em đọc báo nên biết được Trường Võ Bị Đà Lạt di tản về đây.

 

Giọng nói của Dung đột nhiên trở nên như hờn giận.

 

-Anh về đây đã mấy tuần rồi, sao không báo cho em biết?

 

Tôi nói với Dung:

 

-Vừa đặt chân xuống Long Thành, việc đầu tiên mà anh nghĩ đến là phải tìm gặp em ngay lập tức, vì anh có chuyện quan trọng muốn nói với em. Vậy mà cũng phải cả tuần sau, anh mới có được cái phép hai ngày để về Sài Gòn.

 

Trái với những gì anh nghĩ trong đầu, khi đứng trước nhà em, anh hoàn toàn không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Nhìn ngôi nhà im lìm trong nắng sớm, cửa đóng then cài thêm hai sợi dây xích to khóa chặt cánh cổng, trong nhà không một bóng người. Anh đoán rằng có thể cả nhà em đã đi Mỹ rồi. Sau một hồi đắn đo suy nghĩ, anh trở về Long Thành mà lòng buồn vô hạn.

 

Tôi nắm tay Dung rồi hỏi nàng:

 

-Bấy lâu nay gia đình em ở đâu?

 

Thay vì trả lời, Dung lại hỏi tôi:

 

-Anh đến nhà em ngày nào?

 

-Để anh nhớ lại coi, hôm đó là…là thứ Năm ngày mười tháng Tư.

 

Dung nói to:

 

-Đúng rồi, đâu khoảng hai ngày trước đó, khi cái ông trung úy không quân phản bội lái phi cơ F5 ném bom Dinh Độc Lập, ba thấy tình hình Sài Gòn không yên ổn nên đưa cả nhà về Bạc Liêu, một tuần sau gia đình em mới trở về lại Sài Gòn. Tội nghiệp cho anh, anh đến đúng lúc cả nhà đang ở Bạc Liêu.

 

Đang nói chuyện Dung choàng hai tay qua vai tôi, kéo đầu tôi xuống, nàng nói nhỏ vào tai tôi:

 

-Có chuyện quan trọng, anh phải trốn về Sài Gòn với em ngay bây giờ.

 

-Em à, anh là lính chứ đâu phải thường dân, muốn đi đâu thì đi.

 

-Bởi vậy em mới nói là trốn, anh tính toán như thế nào tùy anh, chiều nay mình phải có mặt tại nhà, ba đã dặn em như vậy.

 

-Nhưng mà có chuyện gì? Quan trọng hay không? Nếu không, anh sẽ không về đâu. Đừng có nói với anh là tụi mình về Sài Gòn để làm đám cưới.

 

Dung cười tươi như cô dâu.

 

-Chuyện đám cưới tính sau, ba nói cả nhà sẽ đi Mỹ.

 

Tôi nói với Dung:

 

-Đúng rồi, ba em làm ở USAID nên cả nhà sẽ đi Mỹ, anh có liên hệ gì với Mỹ đâu mà đi với đứng.

 

-Anh phải về nhà, ba em sẽ giải thích rõ ràng hơn cho anh nghe. Ba nói với em, Sài Gòn sẽ mất trong nay mai. Riêng em, chỉ nghe lỏm được là khi lập danh sách của gia đình em để đi Mỹ, tên anh Biên vẫn còn trong sổ gia đình, anh Biên mất rồi, anh thể chỗ của anh Biên.

 

Nghe tin Sài Gòn sẽ mất trong vài ngày nữa, từ một viên chức của cơ quan USAID, tôi chợt rùng mình chỉ muốn chạy trốn, sẵn dịp được trốn đi Mỹ với người mà mình yêu thì còn gì bằng, tôi nói với Dung:

 

-Em nói nghe cũng có lý, chờ chút, để anh vô xin phép thiếu tá trưởng phòng rồi mình về Sài Gòn.

 

-Đợi anh xin được cái giấy phép mọi chuyện đã trễ rồi, tối nay mình phải đi.

 

-Không sao chỉ cần sếp gật đầu, không cần ký giấy phép, anh sẽ dù về Sài Gòn nếu đi Mỹ được cũng tốt, đi không được cũng chẳng có mất mát gì.

 

Tôi chở Dung trên chiếc Honda Dame của nàng, nắng đã bắt đầu dịu lại, tôi nhìn đồng hồ rồi nói với Dung:

 

-Anh đoán chừng mình sẽ về đến Sài Gòn trước khi trời tối, có kịp không em?

 

-Ba nói, khuya nay sẽ đi.

 

-Như vậy không có gì phải lo.

 

Tôi cho xe chạy với tốc độ vừa phải, không chậm cũng không mau, gió chiều nhè nhẹ thổi, vài sợi tóc của Dung bay bay trong gió quấn lấy mặt tôi. Dung ôm tôi chặt cứng, ngực của nàng áp vào lưng của tôi, mặt của nàng tựa vào vai của tôi, một cảm giác êm đềm thoải mái như mơ chạy khắp người. Tôi nói với Dung:

 

-Anh yêu em.

 

-Em biết, anh đã nói với em từ hồi anh còn là Sinh viên sĩ quan ở Thủ Đức. Ngày đó, khi nghe anh nói như vậy khiến em sung sướng quá chừng, cả tuần lễ sau đó lúc nào cũng nghĩ tới anh, ngủ không được.

 

Nghe Dung nói, tôi cứ tưởng rằng minh đang sống lại thời còn là sinh viên sĩ quan ở Thủ Đức. Tôi cho xe chạy chậm lại, nói to hơn:

 

-Có chuyện này anh muốn hỏi em. Ngày xưa em nói: “Nếu là anh, em sẽ chọn cái tên Quân sữa”. Sau đó, em hứa với anh là hôm nào rảnh, em sẽ nói cho anh nghe là tại sao anh nên chọn cái tên đó. Hôm nay, anh muốn em nói cho anh biết.

 

Dung cười ngặt nghẽo, tiếng cười tràn đầy hạnh phúc.

 

-Như vậy thì anh phải đợi. Khi nào tụi mình đến Mỹ, làm đám cưới xong, em sẽ nói cho anh nghe.

 

Tôi không nói gì thêm, im lặng lái xe.

 

Khi hai đứa đến ngã ba Biên Hòa, chúng tôi bị chận lại ở một trạm gác dã chiến của Thủy Quân Lục Chiến. Người lính chào tôi rồi nói:

 

-Trung úy cho coi giấy tờ.

 

Tôi đưa cho anh ta cái căn cước quân nhân cùng với giấy Chứng chỉ tại ngũ. Người lính chăm chú đọc một cách cẩn thận, rồi anh ta nhìn thẳng vào mặt tôi, cái nhìn như để nhận diện, coi tôi có phải là người mang giấy tờ mà anh ta đang nắm trên tay không? Cuối cùng, người lính nói với tôi:

 

-Đơn vị của trung úy đang ở đâu?

 

-Tôi là sĩ quan hành quân của Trường Võ Bị Đà Lạt, mới di tản về Long Thành.

 

-Trung úy có giấy phép về Sài Gòn hay không?

 

-Không có.

 

-Như vậy, trung úy không được về Sài Gòn.

 

Tôi nói, giọng nói như là ra vẻ hằn học.

 

-Tôi đưa vợ tôi về Sài Gòn, sau đó trở lại trường cũng không được hay sao?

 

Dứt câu nói, tôi nhìn Dung rồi nháy mắt một cái.

 

Người lính vẫn điềm đạm.

 

-Thưa không, chúng tôi nhận được lệnh, không để bất cứ quân nhân nào vào Sài Gòn mà không có giấy phép.

 

Tôi nhìn Dung, lắc đầu tuyệt vọng.

 

-Chắc em phải về Sài Gòn một mình, cả nhà đang đợi em, anh sẽ trở lại Long Thành xin giấy phép rồi về sau.

 

Dung nhìn tôi bối rối ra mặt.

 

-Như vậy trễ mất rồi.

 

Tôi nói:

 

-Biết làm sao bây giờ.

 

Vừa nói tôi vừa bước tới cạnh chiếc Honda định lấy chìa khóa xe đưa cho Dung. Cùng lúc ấy, tôi nhìn thấy một nhóm lính Thủy Quân Lục Chiến đang trò chuyện. Trong đó, một người lính đứng quay lưng lại phía tôi với mái tóc muối tiêu, dáng người trông rất quen. Tôi hỏi người lính Thủy Quân Lục Chiến.

 

-Trung úy Nhân đầu bạc phải không?

 

Người lính nói:

 

-Đúng, ông ấy là thầy của tôi, mà sao trung úy biết?

 

Tôi mừng quá la to lên:

 

-Ê Nhân, Nhân.

 

Người lính quay đầu lại, khi nhìn thấy tôi hắn vừa chạy vừa nói:

 

-Mày làm gì ở đây?

 

-Tao từ Đà Lạt di tản về, còn mày sao lại ở đây?

 

-Tụi tao, tạm thời đóng quân ở Biên Hòa giữ an ninh, không cho quân nhân di tản vô Sài Gòn.

 

-Tao biết rồi, ông lính của mày chận tao lại từ nãy đến giờ.

 

Nhân đầu bạc hỏi tôi:

 

-Mày có tin tức gì của Vân không?

 

-Không, hai tuần lễ trước khi di tản, tao không có thì giờ ra Đà Lạt nên không biết gia đình Vân như thế nào, có di tản hay không.

 

Nét thất vọng hiện rõ trên gương mặt của Nhân, hắn nói:

 

-Cả hai tháng rồi tao không nhận được tin gì của Vân. Gặp mày, tao mừng muốn chết, tưởng biết được chút tin tức về Vân, hóa ra gặp cũng như không.

 

Tôi vỗ tay lên trán rồi nói với Nhân đầu bạc:

 

-Tao nhớ ra rồi, Vân có một bà dì tên là Hoàng Yến bán hàng vải trong chợ Bến Thành, nếu gia đình Vân di tản về Sài Gòn, chắc chắn họ sẽ ở nhà bà dì của Vân. Mày thử đến đó tìm đi.

 

Vừa dứt lời, tôi nhìn Dung rồi nói tiếp:

 

-Quên giới thiệu với mày, đây là Dung, người yêu của tao.

 

Khi nói xong, tôi cười với Dung.

 

-Không đúng, phải nói là vợ sắp cưới mới đúng.

 

Nhân đầu bạc nhìn Dung rồi nói:

 

-Chúc mừng chị.

 

Dung nói với Nhân:

 

-Cảm ơn anh, tình hình lộn xộn như vậy không biết có làm đám cưới được không để mời anh, mà anh Nhân nè, tụi này có việc cần về Sài Gòn gấp.

 

Nhân nhìn tôi.

 

-Từ đây về Sài Gòn còn mấy trạm gác nữa, mày về không được đâu. Cách hay nhất, tao khuyên mày vô nhà ga Biên Hòa, đi xe lửa về Sài Gòn sẽ không bị xét giấy tờ.

 

Tôi bắt tay Nhân đầu bạc mà trong đầu nghĩ đến chuyện trốn đi Mỹ. Tôi nói:

 

-Không biết tụi mình còn có dịp gặp nhau nữa hay không? Tao ngờ rằng, đây là lần cuối cùng gặp gỡ. Gắng giữ gìn sức khỏe nghe mày.

 

Tôi chở Dung chạy vô nhà ga xe lửa Biên Hòa.

 

Bảy giờ tối, chúng tôi về đến nhà. Ba má của Dung chạy ra mở cổng, cả hai ông bà mừng rỡ ra mặt, ba Dung nói:

 

-Con lên lầu, lấy bộ đồ dân sự của anh Biên đưa cho anh Quân bận.

 

Quay qua tôi, ba Dung nói:

 

-Con phải bỏ bộ đồ lính, thay đồ dân sự, bận đồ lính sẽ không vào phi trường được.

 

Bốn người chúng tôi chất lên chiếc xe taxi nhỏ tí xíu, chạy đến nơi có một tòa nhà to lớn, tôi không biết nó nằm trên đường nào, chỉ đoán đó là cơ quan của Mỹ. Một người Mỹ đen, đứng ngay cổng kiểm soát người rồi cho vào trong sân để lên xe bus. Bên trong sân, một người Mỹ khác nhìn vào sổ gia đình, đếm người rồi so với tờ danh sách ông ta đang cầm trên tay, khi đã đầy đủ người ông ta mới ra lệnh cho xe chạy.

 

Phải mất khoảng nửa giờ, xe bus mới đến cổng sân bay Tân Sơn Nhất, người Mỹ lo chuyện di tản ôm hồ sơ xuống xe, trình giấy tờ. Hình như, những người lính gác cổng chỉ lo coi giấy tờ chứ không nhìn số lượng người trên xe. Khi thanh gỗ chắn ngang cổng được nâng lên, chiếc xe từ từ đi vào sân bay tim của tôi mới đập bình thường trở lại. Xe vừa chạy được một đoạn lại thêm một trạm kiểm soát thứ hai, rồi thứ ba, mỗi lần qua một trạm kiểm soát, tay của tôi lại nắm tay của Dung bóp mạnh. Dung nói nhỏ vào tai tôi:

 

-Không sao đâu anh, mình có giấy tờ hợp lệ mà.

 

Tôi nói với Dung, giọng nói không được bình

tĩnh cho lắm:

 

-Không biết còn bao nhiêu trạm kiểm soát nữa đây? Mỗi lần qua một trạm kiểm soát là một lần trái tim của anh lại đập trật đi vài nhịp.

 

Cuối cùng, xe bus ngừng lại cách đuôi của một chiếc phi cơ C130 khoảng hai mươi mét, cánh cửa khổng lồ sau đuôi của phi cơ đã hạ xuống chạm mặt phi đạo làm thành một chiếc cầu, mọi người xuống xe theo thứ tự rồi cứ hàng một đi vào phi cơ. Theo chân đoàn người, tôi vừa đi vừa nhìn quanh rồi giật mình khi thấy hai người lính Quân Cảnh đứng gác nơi đuôi chiếc phi cơ, họ để cho mọi người đi vào mà không nói gì. Có thể, nhiệm vụ của họ là giữ gìn an ninh trật tự chứ không phải là kiểm soát.

 

Thấy tôi chỉ lo chăm chú nhìn hai người Quân Cảnh, Dung kéo tay tôi.

 

-Lẹ lên anh.

 

Khi chỉ còn vài bước nữa là tôi đặt chân lên cửa sau của chiếc phi cơ, bỗng dưng người lính Quân Cảnh dang tay cắt đứt tôi và Dung ra, anh ta làm dấu cho Dung tiếp tục đi đồng thời nói với tôi:

 

-Mời ông đứng qua bên này, để cho mọi người có đường đi.

 

Tôi bước tránh qua một bên, người Quân Cảnh thứ hai bước đến bên tôi:

 

-Ông cho coi giấy tờ.

 

Tôi như kẻ mất hồn, tay móc túi lấy giấy tờ đưa cho người lính Quân Cảnh, mắt nhìn theo Dung vừa đi vừa ngoái cổ nhìn tôi. Đôi mắt của Dung đầy vẻ lo âu. Đó là hình ảnh cuối cùng về Dung mà tôi còn nhớ được.

 

Người lính Quân Cảnh nói với tôi:

 

-Chúng tôi phải giữ trung úy lại.

 

Tôi nói, giọng nói như là cằn nhằn:

 

-Ba má tôi, vợ tôi trên máy bay, tôi có tên trong danh sách được đi, tại sao mấy ông giữ tôi lại.

 

Người Quân Cảnh trả lời tôi:

 

-Mỹ cho trung úy đi, nhưng chính phủ Việt Nam Cộng Hòa không có lệnh cho quân nhân xuất ngoại, chúng tôi chỉ thi hành nhiệm vụ, trung úy thông cảm.

 

Khi mà tất cả mọi người đã lên phi cơ, cánh cửa sắt khổng lồ từ từ nâng lên rồi đóng chặt lại, lòng tôi bỗng dưng chết lặng, cơ hồ như cả vũ trụ này đã sụp đổ.

 

Người lính Quân Cảnh nói:

 

-Mời trung úy lên xe.

 

-Mấy anh đưa tôi đi đâu?

 

-Chúng tôi đưa trung úy ra khỏi phi trường, sau đó trung úy tự mình về lại đơn vị.

 

Mấy tuần trước khi nghe tin Cúc đi Mỹ với bác Bảy, tôi chỉ hơi tiêng tiếc rồi quên Cúc dễ dàng. Hôm nay khi bị cắt đứt, chia tay đột ngột với Dung, tôi cảm thấy đau đớn, xót xa như ruột gan bị cắt chia làm nhiều đoạn. Khi biết mình đã đi đến bước đường cùng, không nhà, không người thân ở Sài Gòn, không còn gì phải giữ gìn, tôi nói với hai người Quân Cảnh:

 

-Tôi có chuyện muốn nhờ mấy anh giúp đỡ.

 

-Chuyện gì? Nếu được chúng tôi sẽ làm.

 

-Nhờ hai anh, bắt tôi bỏ tù luôn được không?

 

-Xin lỗi, chuyện này chúng tôi không giúp được.

 

Tôi trở về nhà của Dung, chị Lành ra mở cổng hỏi tôi với giọng nói đầy vẻ ngạc nhiên :

 

-Cậu không đi sao?

 

-Không.

 

Tôi thay bộ đồ dân sự, tròng vào người bộ đồ lính, chào từ giã chị Lành rồi đi ra cửa.

 

Một mình tôi lang thang giữa đêm khuya ở Sài Gòn, Cúc và Dung giờ đây đã nghìn trùng xa cách.

 

Hai mươi sáu tuổi đời, chưa có bao giờ tôi cảm thấy cô đơn, lạc lõng, tuyệt vọng đến như vậy. Dưới ánh sáng mờ mờ của ngọn đèn đường, tôi nói với anh xe ôm đang đậu xe chờ khách ở một ngã tư:

 

-Cho tôi về Long Thành.

 

Anh xe ôm nói với tôi:

 

-Giờ này, gần giới nghiêm rồi, trung úy có cho bạc triệu tôi cũng không dám chạy về Long Thành.

 

Chương X:

Trong cơn hấp hối

 

Sinh viên sĩ quan Võ Bị Đà Lạt di tản về Long Thành, tạm trú chung với Sinh viên sĩ quan Thủ Đức sau đó co cụm lại, rút lui về Trường Bộ BinhThủ Đức cũ.

 

Mười giờ sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, tôi đang ở tại tuyến phòng thủ của Trường Bộ Binh Thủ Đức với chiếc ống dòm nhà binh, quan sát một chiếc xe tăng T54 của Việt Cộng vừa bị một trái đạn chống chiến xa M72 bắn đứt xích. Chiếc tăng nằm ì một chỗ, tuy không chạy được nữa nhưng cây súng đại liên trên chiếc tăng vẫn còn hoạt động, nó liên tục khạc đạn như mưa. Cùng lúc đó, nhiều loạt đạn M16 do sinh viên sĩ quan bắn vào chiếc xe tăng, đem súng M16 mà bắn xe tăng đúng là chuyện bù mắt cắn sừng trâu.

 

Theo tài liệu mà tôi đã được học bổ túc tại Trường Võ Bị Đà Lạt, hỏa lực của chiếc xe tăng T54 gồm có một đại bác 100 ly, một đại liên phòng không 12 ly 7 và một đại liên 7 ly 62, riêng sức công phá của khẩu đại liên phòng không 12 ly 7 này nó mạnh gấp chục lần cây đại liên M60 mà tôi đang giữ trong tay.

 

Tôi đang suy nghĩ làm thế nào để tiêu diệt chiếc xe tăng. Sĩ quan không có kinh nghiệm tác chiến như tôi cùng với vài ngàn sinh viên sĩ quan ở quân trường đang cầm súng bắn nhau với Việt Cộng, gặp phải trường hợp khó xử nên chưa biết phải làm gì. Trong lúc hai bên còn đang giằng co như vậy bất ngờ một sinh viên sĩ quan lao mình về chiếc tăng, vừa đến nơi anh ta nhanh nhẹn leo lên mở nắp pháo tháp, tọt vào đó một trái lựu đạn. Tôi biết, tất cả cán binh Cộng Sản trong chiếc tăng đã chết. Chiếc xe tăng T54 đã bị hủy diệt hoàn toàn. Chuyện đơn giản như vậy mà tôi không nghĩ ra. Hình ảnh vừa xảy ra trông khá quen thuộc, giống hệt như trong phim chiến tranh thời Đệ nhị thế chiến giữa quân Đức Quốc Xã và phe đồng minh Mỹ. Dĩ nhiên chiếc tăng bị bắn hạ là của quân xâm lược Đức Quốc Xã.

 

Tôi tiếp tục nhìn theo anh sinh viên sĩ quan, đang lom khom chạy về tuyến phòng thủ của anh ta với tất cả lòng ngưỡng mộ, thán phục. Ngay lúc ấy một anh lính mang phù hiệu “Cư An Tư Nguy”, tay ôm cái radio, vừa chạy dưới giao thông hào vừa la ơi ới.

 

-Buông súng đầu hàng. Buông súng đầu hàng. Lệnh của Tổng Thống.

 

Tôi giật mình tưởng mình nghe lộn, mới bắt đâu đánh nhau đã đầu hàng rồi sao? Tôi lật đật nhảy qua khẩu đại liên M60, chạy theo giựt cái radio trên tay anh lính rồi áp sát vào tai của mình. Tôi nghe rõ mồn một giọng nói của Tổng Thống, càng nghe tôi càng chán nản, rụng rời tay chân. Mấy hôm nay vòng vây của Cộng Sản quanh Sài Gòn từ từ siết chặt, tôi ngờ rằng, trước sau gì rồi cũng phải buông súng thế nhưng khi nghe lệnh đầu hàng lại bàng hoàng, ngỡ ngàng không muốn tin.

 

Tin làm sao được mùa hè năm 1972, bốn mươi ngàn quân Cộng Sản Bắc Việt được tăng phái hai trung đoàn thiết giáp thêm hàng trăm khẩu đại pháo từ 130 ly, cho đến hỏa tiễn 122 ly, bao vây tám ngàn quân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa ở An Lộc. Với quân số gấp năm lần, Việt Cộng những tưởng một sớm, một chiều sẽ nuốt gọn An Lộc. Nào ngờ sau hơn sáu mươi ngày giao tranh đẫm máu, con số thương vong của hai bên đã lên đến hàng chục ngàn người. Cuối cùng, quân Cộng Sản đành phải rút lui, chấp nhận thảm bại nhục nhã trong âm mưu đánh chiếm An Lộc. An Lộc hiên ngang, oai hùng trong máu lửa, đứng vững nhờ vào sức chống trả mãnh liệt của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa .

 

Cuối tháng Năm 1972, Quảng Trị mất vào tay Cộng Sản. Việt Cộng đã dùng đến bốn sư đoàn để chiếm đóng Quảng Trị. Cuối tháng Sáu năm 1972, Sư đoàn Nhảy Dù và sau đó là Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, sau tám mươi mốt ngày đêm đánh nhau với địch, giành giựt lại từng tấc đất với Cộng Sản. Hàng ngàn chiến sĩ Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến đã hy sinh, máu của họ thấm sâu vào lòng đất, nhuộm đỏ Cổ Thành. Ngày 16 tháng 9 năm 1972, quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa tung bay phất phới trên Cổ Thành Đinh Công Tráng ở Quảng Trị.

 

Quá khứ đã chứng minh, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa từng làm nên những kỳ tích chống lại quân Cộng Sản Bắc Việt. Như vậy, không có lý do gì mà tháng Ba năm 1975 Quân Đoàn II phải tháo chạy, Quân Đoàn I bỏ ngõ để cho Việt Cộng chiếm đoạt. Đó là những chuyện bất bình thường đưa đến sự sụp đổ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Phải có một lý do bí mật nào đó, chìm ẩn bên trong mà một thằng trung úy quèn, một sĩ quan hạng chót như tôi không thể nào biết được. Buông súng đầu hàng, với tôi đó là một bí mật của lịch sử.

 

Buông súng rồi mình sẽ làm gì đây? Vô tù là cái chắc. Nghĩ đến cảnh tù tội trong chế độ Cộng Sản khiến tôi nhớ lại khúc phim thời sự trắng đen mà tôi đã được coi. Ngày xưa, khi Điện Biên Phủ thất thủ, hàng chục ngàn binh sĩ Pháp từ binh nhì cho đến sĩ quan cấp tướng bị bắt làm tù binh. Đám tù nhân xếp thành mười hàng ngang, dài lê thê bất tận, lủi thủi đi vào tù, phải mấy tháng sau mới được trao trả tù binh. Cái lối trao trả tù binh nhỏ giọt của Cộng Sản , từng đợt rồi từng đợt, vừa trao trả vừa đem tù binh đặt lên bàn thương thuyết để mặc cả. Pháp thua trận Điện Biên Phủ ở Việt Nam nhưng chính phủ Pháp ở bên trời Âu vẫn còn đó, họ thương thuyết để đem tù binh của họ về. Chúng tôi là lính Việt Nam Cộng Hòa, trên một triệu quân chứ ít ỏi gì, nếu xếp hàng mười cũng phải dài hơn vài chục cây số, nhà tù nào mà chứa cho hết. Sau đó trao trả tù binh, nhưng trao trả cho ai? Việt Nam Cộng Hòa đâu còn nữa mà trao với trả, hay là sẽ bị đem đi xử bắn? Trong một giây phút ngắn ngủi, tôi chợt nhớ tới trại Đầm Đùn mà phát rùng mình ớn lạnh.

 

Lính Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa với hàng trăm, hàng ngàn tàu bè đủ loại, họ có quyền lên tàu ra khơi, cho dù không biết đi đâu nhưng cứ tuôn ra biển cũng tạm thoát được tay Cộng Sản trong nhất thời, chuyện gì xảy ra sẽ tính sau.

 

Lính Không Quân cũng vậy, với đủ loại phi cơ từ chiếc trực thăng UH1 chở được mười người, bay ra Phú Quốc rồi Thái Lan, cho đến vận tải cơ C130 có thể chở được vài trăm người, bay sang Phi Luật Tân để xin tỵ nạn chính trị, sổng kiếp lưu vong.

 

Lính Bộ Binh như tôi thật là nan giải, buông súng rồi chỉ còn một con đường duy nhất là chạy bộ, chạy đi đâu bây giờ hỡi trời? Một con kiến bò trong chảo lửa.

 

Ngày xưa, Tiêu Đẩu trong lúc đào vong vì quốc sự, ông mượn chén rượu để giải sầu. Khi nâng bầu rượu, cảm khái trước cảnh nhà tan, nước mất đã hát bài “Nam Phương Ca Khúc” lời ca nghe thật bi tráng, hào hùng đầy dũng khí. Trong lúc hào khí dâng cao ngút trời, ông một mình rót rượu, vung tay hắt đi khắp bốn phương trời. Cái thằng tôi, giờ đây chỉ mong chạy trốn khỏi đất nước này, chạy trốn gông cùm Cộng Sản đang sắp tròng vào cổ mình, chạy trốn cho dù phải sống tạm kiếp tại đào vong quốc như Tiêu Đẩu.

 

Chạy về hướng Đông, mù khơi biển động, Đệ thất hạm đội của Mỹ đã làm ngơ cho Hải Quân Trung Cộng chiếm lấy Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa từ năm ngoái. Mỹ đã cắt viện trợ vũ khí cho miền Nam Việt Nam, họ không có lý do gì lại dang tay cứu vớt quân đội này vào cái giờ thứ 25.

 

Chạy về hướng Tây, lửa cháy ngút trời, quân Khờ Me đỏ tàn bạo khát máu đã nuốt trọn Cam Bu Chia từ hơn nửa tháng trước, ở đó máu chảy thành sông, xương phơi thành núi. Tôi nghĩ rằng “Đống xương Vô Định đã cao bằng đầu”. Dân Cam Bốt cùng màu da, cùng huyết thống còn bị quân Khờ Me đỏ chém giết, chôn sống một cách man rợ huống gì với dân Việt Nam vốn có sẵn mối thù truyền kiếp từ ngàn xưa với họ.

 

Chạy về phương Bắc, mịt mù khói súng, mới tháng trước đây chứ xa xôi gì cho lắm hình ảnh của những người dân miền Trung quần áo xơ xác, mặt mày thất sắc, vợ chồng bồng con, gánh cháu, dắt díu nhau chạy về phương Nam để lánh nạn Cộng Sản . Vùng Một và vùng Hai chiến thuật đã bỏ ngõ, để lọt vào tay Việt Cộng. Hàng chục sư đoàn Cộng Sản với đầy đủ chiến xa, trọng pháo, vũ khí, đạn dược, bọn chúng như cơn lũ dữ đang cuồn cuộn điên cuồng chảy tràn về niềm Nam, cuốn theo bất cứ những gì ngăn cản chúng.

 

Chạy về hướng Nam, chút hy vọng mong manh, mỏng mảnh như sợi tơ trời phất phơ trước gió. Quân Đoàn IV của tướng Nguyễn Khoa Nam không biết có còn hay không, hay là cũng đã buông súng chờ bàn giao.

 

Tôi biết hiện tại quân Cộng Sản đang tiến về Sài Gòn. Dinh Độc Lập, Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, Đài Phát Thanh là những nơi mà họ cần phải đến trước tiên để tiếp thu. Khoảng cách chỉ trong tầm tay, thời gian được tính từng giờ, từng phút. Sài Gòn trong cơn hấp hối.

 

Tôi chỉ có vài tiếng đồng hồ để thoát thân, chạy đua với số mạng, chạy đua với sự sống còn. Bộ óc rối mù của tôi làm việc một cách chậm chạp, nói cho tôi biết rằng: Từ Trường Bộ Binh Thủ Đức, tôi chạy bộ về Sài Gòn còn không kịp, nói gì chuyện chạy ra ngoại quốc. Giờ phút này làm gì còn máy bay hoặc tàu bè để mà di tản. Tôi tiếc hoài vì chuyện khoảng mấy ngày trước đây, nếu không bị hai người lính Quân Cảnh giữ lại, tôi đã lên được chiếc C130 cùng với gia đình Dung di tản khỏi Việt Nam.

 

Định mệnh đã an bài, đã dành cho những người lính bộ binh như chúng tôi một số phận nghiệt ngã đắng cay. Kể từ giờ phút này cho đến cuối cuộc đời, tôi sẽ phải sống, kiếp sống của một kẻ thuộc giai cấp bùn đen trong xã hội mới đầy man rợ. Không riêng gì một mình tôi, người dân Việt Nam bị kẹt lại trên quê hương của mình, sẽ ăn nhờ ở đậu trên đất đai của mình. Những gì của tổ tiên, ông bà để lại, từ nay thuộc về Đảng Cộng Sản, thuộc về kẻ chiến thẳng. Một ngàn năm bị giặc Tàu đô hộ đã qua rồi, Pháp thuộc tám mươi năm rồi cũng chấm dứt. Chiến tranh Nam Bắc dai dẳng hơn hai mươi năm rồi cũng đến hồi kết thúc. Hôm nay Việt Nam đã thống nhất, từ Bắc chí Nam non sông liền một dải, đất nước đỏ một màu. Giờ đây, một trang sử mới vừa được mở ra. Người dân Việt Nam bắt đầu cuộc sống mới, trong một xã hội bị cai trị bởi một lũ Hầu tinh, xã hội mà trong đó bọn Cộng Sản đội lốt người Việt đô hộ người Việt, không biết sẽ kéo dài đến bao giờ.

 

Việc đầu tiên, khi buông súng là tôi cởi chiếc áo trận ra vắt ngang họng súng M60, hai cái bông mai nơi cổ áo vẫn còn đó, nằm im dưới ánh mặt trời, nhìn tên của mình thêu trên túi áo, trong lòng bỗng xót xa như có ai đó xát muối vào lòng. Tôi ngồi thừ người ra đó được mươi phút, đợi cho cơn đau của kẻ thua trận nguôi ngoai được chút ít rồi mới lo tìm bộ đồ dân sự mặc vào. Tôi nhìn quanh, ở Vũ Đình Trường của Trường Bộ Binh Thủ Đức này làm sao mà tìm cho ra bộ đồ dân sự. Sau một hồi suy nghĩ, tôi cởi cái quần lính mà tôi đang mặc ra, dùng lưỡi lê cắt cụt hai ống quần, tiện tay vứt luôn miếng vải thừa xuống hố. Còn đôi giày bốt đờ sô, phải giải quyết như thế nào? Hay là cắt cụt luôn làm thành giày, giống như đôi giày của dân sự. Tôi xỏ chân vào đôi giày, nhìn tới nhìn lui, coi bộ không ổn. Tôi cắt thêm phần sau nơi đôi giày biến nó thành dép. Ở Sài Gòn không có ai mặc quần cụt mà lại mang giày bao giờ, tôi đã trở thành thường dân, giã từ đời binh ngũ. Tôi không hiểu tại sao trong giờ phút lịch sử trọng đại như vậy mà tôi chỉ lo để ý đến những tiểu tiết vụn vặt, mang bốt đờ sô, mang dép, hay đi chân đất thì đã sao? Thì ra tận cùng trong tâm thức, với tôi Cộng Sản đồng nghĩa với dã man, tàn bạo. Và tôi sợ bị bắt nếu mình ngụy trang không khéo.

 

Tôi nhìn cây súng đại liên M60, rồi lầm bầm trong miệng: “Điểu tận cung tàn, hết chiến tranh rồi, súng ống chỉ là khúc gỗ. Kể từ giờ phút này, tao chào vĩnh biệt mày”. Dứt lời tôi co chân đạp mạnh vào cây súng. Bao nhiêu uất hận dồn hết vào cái đạp, cây súng rớt xuống giao thông hào, lăn thêm mấy vòng rồi nằm yên, dây đạn một nơi, súng một nẻo và chiếc áo lính vẫn còn quấn quýt ôm lấy cây đại liên. Tôi biết cây súng còn sử dụng được, lẽ ra tôi phải tháo vụn cây đại liên ra nhiều mảnh nhỏ đem vứt xuống sông mới hả dạ. Đó là hành động uất ức của kẻ thua trận, tuy nó hèn hạ, ti tiện nhưng tôi vẫn thích làm như vậy hơn nếu có điều kiện.

 

Bảy năm trước, tôi bắt đầu cuộc đời binh nghiệp của mình tại Trường Bộ Binh Thủ Đức. Ngày ra trường, mang cặp lon chuẩn úy trên vai, với lời thề bảo vệ Tổ quốc ở Vũ Đình Trường hãy còn vang vọng bên tai. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên, hôm nay cũng tại Vũ Đình Trường này, tôi là kẻ bại trận phải lột bỏ quân phục, lột bỏ cái lon trung úy. Phe thắng trận là Cộng Sản chỉ có thể ép tôi làm được như vậy. Riêng lời thề bảo vệ Tổ Quốc, tôi giữ mãi trong lòng, lời thề đó ở trong đầu của tôi không ai có thể gột bỏ được.

 

Tôi đưa tay chào giã biệt sếp của tôi, rồi đi ra cổng chính của trường. Chân đi mà lòng còn bịn rịn khiến tôi phải quay đầu nhìn lại Trường Bộ Binh Thủ Đức lần cuối rồi mới chịu theo đám tàn quân, một đoàn người ô hợp, thất tha thất thểu đi ra xa lộ để về Sài Gòn. Tôi cúi đầu, lầm lủi đi như kẻ mất hồn, chân đi nhưng trong lòng ngổn ngang trăm mối u sầu.

 

Hai giờ chiều, tôi mò về tới Sài Gòn với đôi chân rỉ máu vì đôi dép tôi cắt lúc sáng, xét cho cùng nhiều khi khôn quá cũng không tốt. Giờ này ông chủ của miền Nam đã ngồi chễm chệ trong Dinh Độc Lập. Lá cờ hai màu xanh đỏ của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam đang tung bay phất phới trên nóc dinh.

 

Vừa đói, vừa khát, tôi ngồi bệt xuống bãi cỏ ở công trường Kennedy để nghỉ chân, rồi đưa mắt nhìn một rừng người bao quanh những chiếc xe tăng T54 và xe tăng PT76. Dân Sài Gòn đón phe thắng trận với gương mặt thờ ơ, không biểu lộ chút thiện cảm nào. Người ta tụ họp ở đây chỉ vì tính hiếu kỳ, chuyện gì chứ chuyện hiếu kỳ trên thế giới có dân tộc nào mà tránh khỏi. Hai chiếc xe đụng nhau cũng khiến cho người qua lại phải liếc mắt nhìn xem, huống gì một biến cố trọng đại như vầy, ngàn năm mới có một lần, không hiếu kỳ cũng uổng. Dân Sài Gòn muốn tận mắt nhìn người lính Cộng Sản, muốn tận tay sờ vào chiếc xe tăng mà trước đây họ chỉ được nhìn thấy trên TV. Họ nói chuyện với cán binh Cộng Sản , hỏi thăm về đời sống miền Bắc, tất cả chỉ vì tò mò muốn biết người dân miền Bắc sống như thế nào dưới chế độ Cộng Sản, để rồi suy đoán mức độ cực khổ mà người dân miền Nam sẽ phải gánh chịu. Hỏi về người để biết tương lai của mình, tôi cũng vậy thôi, bảy năm lính nhưng là lính văn phòng, đây là lần đầu tiên tôi đứng sát bên chiếc T54 để hóng chuyện miền Bắc.

 

Trước mặt tôi là đường Công Lý, chạy ngang qua Dinh Độc Lập kéo dài xuống tận phi trường Tân Sơn Nhứt, men theo con đường này sẽ ngang qua nhà Cúc vợ chưa cưới của tôi, rồi đến nhà của Dung ở đường Nguyễn Minh Chiếu, cả hai căn nhà giờ đây chắc trống không. Tôi đang suy nghĩ vẩn vơ, chợt một người đàn bà chừng năm mươi tuổi bước lại gần tôi.

 

-Lính phải không?

 

-Dạ, sao bà biết.

 

-Cái quần ông đang bận, bên cao bên thấp, mới cắt đi. Nhìn qua là biết liền.

 

Thấy tôi ngồi im, bà ta nói luôn một hơi, giọng nói nghe như than thở, trách móc:

 

-Mấy ông đánh đấm cái kiểu gì kỳ vậy. Cứ chạy hoài, từ Ban Mê Thuột chạy xuống tới Khánh Dương, rồi từ Quảng Trị chạy vào tới Tuy Hòa. Người ta đồn là quân mình sẽ lập tuyến phòng thủ ở vĩ tuyến 13 . Đâu ngờ mấy ông rút lui về Nha Trang, rồi Phan Thiết, rồi về Sài Gòn, cứ chạy mãi để cho cái lũ Việt Cộng nó chiếm hết miền Nam.

 

Tôi chạy trốn Việt Cộng, vừa từ cao nguyên về tới đây chưa kịp hoàn hồn, hôm nay lại bị dân giũa thêm cho một trận te tua, vuốt mặt không kịp. Tôi ngồi đó còn biết nói sao với nỗi oan ức của mình. Người đàn bà nói xong đưa cho tôi ly nước đá chanh. Hành động của bà khiến tôi nhớ đến mẹ tôi. Ngày xưa, mẹ tôi thường la mắng khi tôi làm điều gì sai quấy, nhưng sau đó bà cho tôi củ khoai hay cục kẹo. Trời nóng như đổ lửa, nhìn mấy miếng chanh mong mỏng, tròn tròn nổi trên mấy cục đá lạnh, trông hấp dẫn làm sao, chỉ muốn cầm ly nước mà uống nhưng trong lòng vẫn còn chút giận hờn vô cớ, tôi nói với giọng không được bình thường cho lắm:

 

-Tôi không gọi mua nước.

 

Người đàn bà nhoẻn miệng cười, bà thân mật nói với tôi như mẹ nói với con:

 

-Uống ly nước cuối cùng đi, mất nước rồi, mai mốt đâu còn nữa mà uống.

 

Tôi cầm ly nước, ngẩng nhìn mấy tên Việt Cộng đang ngồi ngất ngưởng trên chiếc T54 rồi vội vàng nói với bà ta:

 

-Nói nho nhỏ một chút, bà không sợ họ sao?

 

-Tôi sợ đến vãi đái trong quần ấy chứ lị, mả cha tụi nó.

 

Bà ta nói một câu mà nửa câu đầu là lối nói chuyện của người Bắc, nửa sau lại là lối nói của người Nam.

 

Người đàn bà nhìn tôi như phân trần:

 

-Cậu lính à, cái năm năm tư tôi bỏ nhà, bỏ cửa, bỏ đất đai với mồ mả ông cha ở ngoài Bắc, ôm theo có mỗi một bộ đồ lên chiếc tàu há mồm vào Nam. Tôi chạy trốn cái đảng cướp ngày, trốn cái quân cướp cạn này đã hơn hai chục năm rồi, những tưởng được an thân, yên ổn làm ăn, nào ngờ tới hôm nay lại bị cái bọn oan gia này đuổi theo tới tận đây. Mẹ bố nó, cái lũ khốn nạn này dai như đỉa đói.

 

Người đàn bà đảo mắt nhìn quanh rồi hỏi:

 

-Cậu là lính gì?

 

-Dạ tôi ở Trường Võ Bị Đà Lạt.

 

-Sinh viên sĩ quan Võ Bị như cậu, mai mốt bọn Cộng Sản sẽ đem các cậu ra xử tùng xẻo về cái tội chống phá cách mạng cho mà xem. Sao cậu không chạy trốn đi? Còn ngồi đây làm gì?

 

-Tôi biết chạy đi đâu?

 

Người đàn bà thở dài rồi nói:

 

-Tôi cũng vậy. Mấy hôm nay thấy người ta ùn ùn chạy trốn Cộng Sản , tôi cũng muốn chạy mà chả biết chạy đi đâu, cái năm năm tư ở Hà Nội tin tức gọi đi vào Nam rất rõ ràng, lần này không thấy ai gọi. Vô tuyến truyền hình, radio chẳng có nơi nào nói về việc trốn chạy. Tôi tìm hoài ở bến Bạch Đằng chả thấy tăm dạng cái tàu há mồm nào hết? thế cậu có thấy cái tàu nào không?

 

-Nếu thấy, tôi đã đi mất đất rồi đâu còn ngồi ở đây để nói chuyện với bà. Cảm ơn bà đã cho ly nước.

 

-Ơn với nghĩa, cậu uống xong đưa cái ly lại chiếc xe sinh tố đàng kia, tôi trả tiền ly nước rồi.

 

Tôi nhẫn nha uống ly nước chanh mà tưởng như mình đang uống nước mắt của mình, mất nước rồi còn đâu mà uống.

 

Hiện giờ, tôi đâu có việc gì phải làm ở cái đất Sài Gòn này. Tôi mới được giải ngũ lúc sáng, hết tập họp, hết điểm danh, hết lau chùi súng ống, tạm thời muốn đi đâu không cần phải xin phép. Đi đâu bây giờ? Một kẻ không nhà không cửa, không cha mẹ, không thân nhân ở Sài Gòn thậm chí đến bộ quần áo lành lặn cũng không có để mà mặc. Mới đó mà tôi đã trở thành một kẻ vô sản thứ thiệt, vô sản còn hơn mấy tên Cộng Sản vô sản đang ngồi trên chiếc xe tăng trước mặt tôi. Tôi đi mà không biết đi đâu, cứ dọc theo đường Công Lý mà đi.

 

Lúc đi đã khá xa Dinh Độc Lập, tôi nhìn thấy những bộ quần áo rằn ri, giày bốt đờ sô, súng M16 vất bừa bãi hai bên đường. Khi mà quân nhân đã cởi bỏ quân phục, cảnh sát rời nhiệm sở không còn ai giữ gìn an ninh trật tự, thành phố bỗng trở nên hỗn loạn. Đường Công Lý là đường một chiều thế nhưng hàng ngàn chiếc Honda hai bánh chiếc chạy xuôi, chiếc chạy ngược, mạnh người nào người ấy chạy. Một số người đi hôi của, leo vào những căn nhà trước đây cho Mỹ thuê hoặc những căn nhà mà chủ nhân đã di tản đi Mỹ, họ khiêng ra khỏi nhà bất cứ những vật dụng gì có thể dùng được, từ cái chén, đôi đũa, nồi nấu cơm cho đến TV, tủ lạnh.

 

Trước mặt tôi độ chục thước, hai thằng bé khoảng mười ba, mười bốn tuổi còng lưng khiêng một cái TV hiệu Denon, loại có bốn chân to như một cái rương, đi được một đoạn, cả hai đặt cái TV xuống nghỉ mệt rồi lại khiêng tiếp. Tôi tới gần hai đứa nhỏ.

 

-Muốn chú phụ không?

 

Thằng bé với gương mặt lanh lợi trả lời tôi:

 

-Không cần đâu chú, tụi con khiêng được.

 

Đi được vài bước, tôi chợt nghe giọng nói của thằng bé, hình như nó muốn nói cho tôi nghe.

 

-Tao đâu có dại, để ổng khiêng giùm rồi ổng khiêng đi luôn, mình làm gì được.

 

Tôi cười thầm trong bụng, tôi cũng đâu có dại. Thân tôi đây lo còn chưa xong, ôm theo cái của nợ đó mà làm gì.

 

Tôi lầm lủi đi về hướng chùa Vĩnh Nghiêm, với chủ đích là muốn xin chùa chén cơm chiều, và tìm chỗ ngủ cho tối nay. Tôi đi hoài, đi mãi, cho đến khi chợt thấy cánh cổng của nhà bác Bảy. Tôi không ngạc nhiên khi thấy hai cánh cổng mở toang hoác. Một đứa bé đang dùng hai tay lăn cái bánh xe hơi ra khỏi cổng, nó nhìn quanh như dò xét rồi tiếp tục lăn cái bánh xe.

 

Tôi nhìn vào trong sân, một cảnh tượng đau lòng đập vào mắt tôi. Khắp cái sân cỏ rộng mênh mông ngập tràn giấy và rác, đầu này dăm ba cái bàn xiêu vẹo gãy chân, cụt cẳng, đằng kia vài cái ghế ngã chổng gọng, cuối sân bên góc trái ba, bốn cái xe hơi bể kính, móp méo nằm mọp một đống. Tôi đi đến gần một anh thanh niên, quần cụt áo cộc đang hì hục tháo mấy cái bánh xe, mồ hôi tuôn nhể nhãi trên trán.

 

Tôi góp ý với anh ta.

 

-Tại sao anh không đẩy cái xe Peugeot 404 này về nhà luôn, rồi từ từ tháo gỡ những gì mà anh muốn.

 

Người thanh niên nhìn tôi, im lặng một lúc rồi nói:

 

-Tôi chỉ cần mấy cái bánh xe thôi.

 

-Tôi biết rồi, xe hơi của anh bị mòn vỏ phải không?

 

Người thanh niên cười.

 

-Tôi làm gì có xe hơi, mấy cái bánh xe này đem về quê gắn vô xe bò, dùng để chở phân chở lúa tốt khỏi chê, xài cả chục năm cũng chưa hư.

 

Tôi nói với anh thanh niên:

 

-Lúc nãy, tôi thấy một thằng bé lăn cái bánh xe ra cổng.

 

-Nó là em tôi, ở dưới Long Xuyên nhưng nhà tôi thì ở gần đây, anh biết bến Tắm Ngựa không?

 

-Không.

 

-Ở gần ngã tư Công Lý và Yên Đổ.

 

-Chỗ đó thì tôi biết.

 

Người thanh niên hỏi mà như muốn đuổi tôi.

 

-Còn anh, ở đây làm gì? Đi vô nhà, coi có gì dùng được lấy đem về xài.

 

Tôi nói với anh ta:

 

-Anh nói phải, tôi đi đây. Mà nè, nếu anh có cần người giúp một tay, kêu tôi.

 

Tôi đi vào nhà, cảnh tượng còn thê thảm hơn ở ngoài sân, tất cả đèn đuốc ở phòng khách từ cái đèn trần cho đến đèn treo tường bị tháo gỡ không còn một cái, bao nhiêu là màn cửa biến đâu mất. Cửa sổ, cửa lớn mở tung ra, trong nhà không sa lông, không bàn ăn, không tủ rượu, một căn nhà trống không, đầy nhà chỉ toàn là giấy rác, loại giấy mà tôi đoán là hồ sơ hợp đồng cho thuê nhà của bác Bảy.

 

Tôi đi lần xuống nhà bếp, cảnh tượng cũng như ở phòng khách, chén bát bể vương vãi khắp sàn nhà, trong chậu rửa chén một cái tô chưa rửa với vài cọng mì còn dính nơi đáy. Khi nhìn thấy mấy cọng mì khiến tôi cảm thấy xót trong ruột, rồi nhớ ra từ sáng đến giờ chưa có một hột cơm vào bụng. Cơn đói ập đến khiến tôi run tay run chân, hoa cả mắt. Sau một hồi lục lọi khăp các ngăn kệ đựng thức ăn gắn trên tường, cuối cùng tôi tìm được một hộp thịt nấu với đậu nằm kẹt trong góc tủ. Bọn lính chúng tôi, mỗi người thường có một cái khui đồ hộp dã chiến lúc nào cũng đem theo bên mình, nó nhỏ bằng nửa ngón tay cái, mỏng như con dao, tôi lấy nó ra mở hộp đậu. Mùi thơm của thịt và đậu tỏa khắp căn phòng, tôi đưa hộp đậu tới gần miệng phồng mũi hít một hơi dài, đợi cho mùi thơm lan xuống con tì con vị lúc bấy giờ tôi mới từ từ bốc một ít đậu trộn lẫn với thịt cho vào miệng. Không có đi đâu mà vội, tôi nhai chậm rãi vừa nhai vừa thưởng thức chút beo béo của thịt heo, bùi bùi của đậu, mằn mặn của nước thịt. Tôi ăn ngon lành, cho đến hết lon đậu. Nhìn mấy hột đậu còn sót ở đáy lon, tiếc của trời, tôi mở vòi nước hứng nửa lon nước lạnh, lắc nhẹ rồi ực một hơi. Bụng hãy còn đói vì lon đậu quá nhỏ chỉ bằng lon sữa Ông Thọ, tôi lục soát khắp nhà bếp một lần nữa với hy vọng sẽ tìm được thức ăn, chỉ hoài công thôi, không còn thứ gì có thể ăn được.

 

Tôi nhìn ra bên ngoài, chút nắng chiều còn sót lại bên khung cửa, mắt tôi như nhíu lại. Tôi đi lên lầu, phòng thứ hai bên trái là căn phòng ngày xưa tôi ở, bao nhiêu đồ đạc trong phòng đều biến mất chỉ còn lại cái giường và tấm nệm có thể vì quá lớn người ta khiêng không được nên còn đó. Tôi ngả mình xuống giường chợp mắt được một lúc. Không biết được bao lâu, cho đến khi tôi mở mắt nhìn, con trăng mười chín đã đứng bên cửa sổ tự lúc nào, tỏa ánh sáng mờ mờ lành lạnh lên khắp căn phòng.

 

Đúng một tháng trước, cũng ánh trăng mười chín này đã dẫn đường cho tôi trên chiếc xe jeep rời bỏ Trường Võ Bị Đà Lạt. Chỉ mới có một tháng mà không biết bao nhiêu là chuyện đổi thay dâu bể, chuyện tôi phải xa cha mẹ, phải chia tay vĩnh viễn với người yêu của mình, rồi chuyện Sài Gòn bị bức tử, khiến tôi tưởng chừng như đã mấy thể kỷ vừa mới trôi qua.

 

Chương XI:

Nước mất nhà tan

 

Tôi ngủ một giấc ngon lành thoải mái cho đến sáng ngày hôm sau.

 

Hôm nay, ngày 1 tháng 5 năm 1975, tôi dự định lát nữa sẽ xuống chợ Bến Thành, bán cái đồng hồ đeo tay, sau đó đến bến xe về Đà Lạt, về với cha mẹ và mấy đứa em của tôi.

 

Từ lúc thức dậy, tôi đã thấy mót tiểu nhưng làm biếng không muốn đi đến nhà tắm. Tôi biết, chỉ có một mình tôi ở trong nhà, đi đâu cho xa. Tôi đứng trên giường đái đại xuống sàn nhà cho xong việc, tiếng nước tiểu rơi lên những mớ giấy rác dưới sàn nhà kêu lộp bộp, âm thanh vang dội trong căn nhà vắng, nghe như tiếng của những giọt mưa đầu mùa rơi trên đống lá khô. Sau khi trút xong bầu tâm sự, trong người sảng khoái, nhẹ nhàng, tôi đi xuống nhà bếp, mở vòi nước dùng cả hai tay bụm lấy một vốc nước úp vô mặt, miệng ngậm một búng nước, ngửa cổ súc miệng sau đó phun nước xuống chậu rửa chén. Chuyện vệ sinh buối sáng coi như xong.

 

Ngoài sân im lặng như tờ không một bóng người, tôi lửng thửng đi ra phòng khách rồi khựng người lại, trước mắt tôi, Cúc đang từ trên lầu tay vịn lan can đi xuống. Cho dù có gặp ma cũng không làm tôi hoảng sợ bằng chuyện nhìn thấy Cúc. Tôi nghĩ rằng mình bị hoa mắt nên trông gà hóa cuốc, nhìn cô nào đó lại tưởng lầm là Cúc. Tôi dụi mắt để biết chắc rằng mình đã tỉnh ngủ, rồi nhìn lại một lần nữa. Cô gái trước mặt tôi rõ ràng là Cúc, lúc này Cúc đã đi xuống hểt cầu thang. Khi thấy tôi, Cúc lặng yên nhìn, đôi mắt của nàng mở lớn với hai hàng nước mắt chảy dài. Thời gian như ngừng lại, cuối cùng, Cúc khóc òa chạy lại ôm lấy tôi, với giọng nói đứt đoạn:

 

-Anh cũng chạy về Sài Gòn sao? Vậy mà em định vài ngày nữa sẽ lên Đà Lạt tìm anh.

 

Cúc ngưng nói, nhìn khắp người tôi, hai tay của nàng bóp mạnh vào hai vai của tôi.

 

-Sao anh ăn mặc kỳ cục như vầy? Áo quần của anh ở đâu?

 

Tôi ôm Cúc.

 

-Anh tưởng rằng em đã đi Mỹ với ba em từ tháng trước, tại sao giờ này em còn ở đây?

 

-Em phải chờ anh, em không thể bỏ anh được. Em nói với ba là em chỉ đi Mỹ khi nào có anh. Hơn nữa, tháng trước khi em về tới Sài Gòn ba em đã lo tất cả giấy tờ cho mọi người đi Mỹ, trong đó có bà má ghẻ của em với thằng bé con của bà ấy, thêm cha, mẹ, anh, em của bả. Điều tệ nhất là có luôn thằng bồ của bả núp dưới danh nghĩa là anh bà con. Anh đã biết mối bất hòa giữa em và ba em từ trước, đứng trước tình cảnh tệ hại như vậy em chán nản thật sự, không còn muốn đi đâu nữa.

 

Tôi ngắt lời Cúc.

 

-Chính ba của em điện thoại cho anh nói rằng, ông và em đang đợi lên máy bay ở phi trường Tân Sơn Nhất.

 

Cúc nói với tôi:

 

-Đúng, tất cả đang ngồi chờ máy bay ở phi trường, nhân lúc ba em đi gọi điện thoại cho ai đó, em trốn về lại đây cho đến giờ. Anh biết không, mấy tuần trước vì có những trận đánh lớn xảy ra ở Long Khánh giữa Sư đoàn 18 của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và Việt Cộng. Nếu không, em đã đi lên Đà Lạt tìm anh rồi.

 

Tôi kéo Cúc ngồi xuống cái bậc thềm bằng gỗ của cầu thang, rồi chuyển đề tài.

 

-Em ở nhà tại sao không đóng cửa lại để cho người ta vào đây hôi của, dọn sạch hết tất cả đồ đạc trong nhà.

 

-Em cần anh chứ đâu cần của cải vật chất. Ngày hôm qua, khi nghe Tổng Thống kêu gọi quân nhân buông súng, chờ bàn giao trên đài phát thanh, em mở cổng kêu người đi đường vào, ai muốn gì thì cứ tha hồ mà lấy.

 

Tôi nghe Cúc nói mà không tin nổi, chỉ sợ mình nghe lầm.

 

-Em kêu người vô lấy hết đồ đạc, đập phá nhà cửa của mình?

 

Cúc nói:

 

-Ba em là nhà đại tư bản địa ốc ở Sài Gòn, tất cả nhà cửa kể luôn căn nhà này trước sau gì Việt Cộng cũng lấy. Em thà để cho những người dân nghèo lấy hết của cải về dùng, còn hơn là để cho Việt Cộng.

 

Câu nói của Cúc khiến tôi tỉnh mộng. Bấy lâu nay tôi chạy trốn Cộng Sản mà không biết rằng nước đã mất thì tự do không còn, ngay cả mạng sống của mình có giữ được hay không cũng chưa biết được, vậy mà tôi vẫn còn ngoan cố chỉ lo ôm giữ vài cái bàn, dăm ba cái ghế. Cái lo nghĩ thiển cận giống như chuyện tôi đi tìm tình yêu ở tận mãi đâu đâu, trong khi mối tình sâu đậm của Cúc sờ sờ trước mắt mà tôi không thấy. Tôi tự hỏi mình, chuyện gì sẽ xảy ra nếu không có hai người lính Quân Cảnh chận tôi lại ở đuôi chiếc phi cơ C130.

 

Tôi nắm tay Cúc, kéo xích lại gần mình.

 

-Hôm qua, khoảng năm giờ chiều anh đến đây, lúc đó em ở đâu?

 

-Em đang ở trong phòng của em, còn anh ở đâu?

 

-Anh đang ở dưới nhà bếp, đói bụng quá may nhờ tìm thấy hộp đậu trong góc tủ giúp anh giải quyết được cái đói. Tối đến anh ngủ trong căn phòng mà ngày xưa khi về đây anh đã ở.

 

Ham nói chuyện, tôi quên mất là mình chưa ăn sáng. Tôi nói với Cúc:

 

-Anh lại đói quá sức rồi, mình phải ra phố tìm cái gì ăn sáng.

 

Cúc vuốt tóc tôi.

 

-Tội nghiệp cho anh, trên phòng em còn thức ăn dự trữ rất nhiều.

 

Tôi đứng lên, định kéo Cúc đứng dậy, bỗng nhiên tôi nghe nhiều tiếng nổ ầm ầm vang trời của tiếng máy xe từ ngoài sân đưa vào, mấy khung cửa kính trong phòng rung động mạnh tựa như bị chấn động bởi bom nổ. Tôi nhìn ra ngoài, năm, sáu chiếc xe tăng nối đuôi nhau chạy vào nhà, chiếc chạy đầu với lá cờ hai màu xanh đỏ của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam cắm gần pháo tháp.

 

Tôi nắm tay Cúc chạy ra ngoài sân. Trước mặt tôi, một gã bận thường phục, dẫn theo hàng chục tên cán binh Việt Cộng với súng đạn đầy người, hắn chỉ vào tôi và Cúc:

 

-Các người là ai?

 

Cúc lên tiếng.

 

-Tôi là chủ nhà.

 

Gã bận thường phục lên giọng hùng hổ như muốn ăn tươi, nuốt sống người đối diện.

 

-Đừng có láo, tên Nguyễn Văn Bảy đâu rồi?

 

Cúc trả lời hắn:

 

-Ông ấy không có ở đây.

 

Gã bận thường phục quay đầu nói với mấy tên cán binh Việt Cộng.

 

-Các đồng chí cứ thoải mái tìm chỗ bố trí cho xe tăng, mọi việc khác để tôi lo.

 

Vừa dứt lời, hắn quay lại nói với Cúc:

 

-Chúng tôi được lệnh tiếp thu căn nhà này, các người phải ra khỏi nơi đây lập tức, bằng không, chúng tôi không chịu trách nhiệm.

 

Cúc hỏi lại hắn:

 

-Tôi là chủ nhà, tại sao ông lại đuổi chúng tôi ra?

 

-Nói láo, tôi sống ở vùng này mấy chục năm rồi, đây là nhà của tên phản động Nguyễn Văn Bảy, hắn cấu kết với đế quốc Mỹ, cướp đoạt đất đai, tài sản, nhà cửa, làm giàu trên xương máu của nhân dân. Giờ này, chắc hắn đã chạy theo bọn đế quốc Mỹ rồi. Cô là gì của hắn?

 

-Tôi là con.

 

-Còn cái anh này.

 

-Ảnh là chồng của tôi.

 

Với giọng miệt thị, gã nói:

 

-Con cái của bọn tư sản ôm chân đế quốc Mỹ như hai người đây, Cách Mạng tha tội chết cho là may lắm rồi, ở đó mà đòi nhà cao cửa rộng.

 

Đang nói chuyện, bỗng nhiên giọng nói của hắn trở nên quyết liệt. Hắn nói như ra lịnh:

 

-Được rồi, tôi cho hai người mười phút để thu dọn đồ đạc và đi ra khỏi căn nhà này. Sau đó, tôi không bảo đảm tính mạng của các người.

 

Chúng tôi, những người bị bắt buộc phải đầu hàng vô điều kiện, còn biết làm gì hơn dưới áp lực của kẻ thắng trận, họ nói bằng sức mạnh của xe tăng T54, của họng súng B40 và AK47. Hai đứa tôi bước chân ra khỏi nhà với một va ly quần áo, và cái túi xách tay của Cúc.

 

Tôi và Cúc, mò đến bến xe Đà Lạt nằm trên đường Petrus Ký, khi trời đã về chiều. Sau một hồi loanh quanh dò hỏi, cuối cùng chúng tôi tìm được một chiếc xe vận tải hiệu Desoto, loại trọng tải sáu tấn thường chở rau cải từ Đà Lạt xuống Sài Gòn, sau đó chở thực phẩm khô lên Đà Lạt.

 

Người tài xế nói với chúng tôi:

 

-Năm giờ sáng mai, xe sẽ khởi hành đi Đà Lạt, cô và cậu đây nếu muốn đi phải đưa tiền trước, mỗi người một ngàn.

 

Sau khi giải quyết xong chuyện xe cộ, tôi và Cúc ghé vào quán cơm gần bến xe, mồi đứa một dĩa cơm tôm, sườn nướng. Tôi nhìn con tôm to bằng hai ngón tay trong dĩa cơm, rồi nói đùa với Cúc.

 

-Em à, hôm nay ngày một tháng năm, cứ coi như là ngày cưới của tụi mình và bữa cơm này là tiệc cưới, em thấy được không?

 

Cúc ăn cơm mà nước mắt lưng tròng. Tôi vuốt nhẹ lên lưng của Cúc:

 

-Lẽ ra anh không nên nói đùa như vậy.

 

Cúc nhìn tôi.

 

-Anh nói đúng, hôm nay là ngày cưới của tụi mình, nhưng em không ngờ đám cưới lại thê thảm quá sức như vậy.

 

Tôi kêu thêm một chai bia 33.

 

-Mình cần có chút rượu mừng.

 

Cúc gật đầu, im lặng.

 

Khi hai đứa ăn xong bữa cơm chiều, màn đêm bắt đầu buông xuống, phố đã lên đèn. Sài Gòn hôm nay hình như tối hơn mọi đêm khác. Tôi thuê một chiếc chiếu trải xuống vỉa hè của một căn nhà gần ngay bến xe rồi đặt cái va ly sát tường. Cúc nằm gối đầu lên chiếc xách tay, tôi ngồi bên cạnh với cái quạt xếp, vừa quạt vừa đuổi muỗi cho Cúc. Cho đến khi Cúc trở mình, tôi chợt nghe được tiếng của hai tấm thẻ bài chạm nhau kêu lẻng kẻng, âm thanh của nó nghe như cả một trời quá khứ xa xôi vọng lại, khiến lòng mình chùng xuống.

 

Tôi hỏi Cúc:

 

-Em đeo hai tấm thẻ bài của anh?

 

-Anh không nhớ sao? Em đeo nó từ ngày đi Vũng Tàu với anh. Ở Viện đại học Đà Lạt, tụi bạn em rất thích cái món trang sức này, coi đó như là một cái mode mới.

 

Đêm tân hôn của chúng tôi, trên trời trăng sao chen lẫn với đèn đường. Tôi ngồi bên Cúc, chìm vào giấc ngủ trong cảnh màn trời chiếu đất, tay mân mê tấm thẻ bài, tay quạt muỗi, bên tai giọng hát đầy sắt máu, căm thù, từ cái radio của xe bánh mì khuya vọng lại:

 

Tiến về Sài Gòn đánh tan tành giặc Mỹ,

Tiến về Sài Gòn ta quét sạch giặc thù,

Tiến về đồng bằng giải phóng thành đô.

 

-HẾT-

 

CHIẾN TRANH BÊN CẠNH TÌNH YÊU part I

CHIẾN TRANH BÊN CẠNH TÌNH YÊU part 2

CHIẾN TRANH BÊN CẠNH TÌNH YÊU part 3

 

 

 

 


Tặng Kim Âu


Chính khí hạo nhiên! Tổ Quốc tình.
Nghĩa trung can đảm, cái thiên thanh.
Văn phong thảo phạt, quần hùng phục.
Sơn đỉnh vân phi, vạn lý trình.


Thảo Đường Cư Sĩ.

 

SERVED IN A NOBLE CAUSE

 

 

 

Vietnamese commandos : hearing before the Select Committee on Intelligence

of the United States Senate, One Hundred Fourth Congress, second session ...

Wednesday, June 19, 1996

 

CLIP RELEASED JULY 21/2015

https://www.youtube.com/watch?list=PLEr4wlBhmZ8qYiZf7TfA6sNE8qjhOHDR6&v=6il0C0UU8Qg

  

 

US SENATE APPROVED VIETNAMESE COMMANDOS COMPENSATION BILL

http://www.c-span.org/video/?73094-1/senate-session&start=15807

BẮT ĐẦU TỪ PHÚT 4:22:12 - 4:52:10  (13.20 - 13.50)

 


Liên lạc trang chủ

E Mail: kimau48@yahoo.com, kimau48@gmail.com

Cell: 404-593-4036

 

Những người lính một thời bị lãng quên: Viết Lại Lịch Sử

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


VIETNAMESE COMMANDOS

  1. Một Trang Lịch Sử

  2. Viết Lại Lịch Sử  Video

  3. Secret Army Secret War Video

  4. Đứng Đầu Ngọn Gió Video

  5. Con Người Bất Khuất Video

  6. Dấu Chân Biệt Kích Video

  7. Kiểm Lại Hồ Sơ Biệt Kích Video

  8. Huyền thoại về:"Những người lính một thời bị lãng quên" Kim Âu

  9. Phản Bội Kim Âu

  10. Tiếng Nói Công Lý Kim Âu

  11. Vietnam’s ‘Lost Commandos’ Gain Recognition in Senate

  12. President Unit Citation at Fort Bragg

  13. Vietnamese Commando never knew U.S. declared him dead

  14. Back from the dead

  15. Bill of Compensation

  16. Miami! Gian Hùng Lộ Mặt  Kim Âu 

  17. Honoring Vietnamese Commandos

  18. Honoring South Vietnamese Army

  19. Vietnamese Commandos Win Last Battle

  20. Uncommon Betrayal

  21. Go to congress

  22. Trong Giòng Lịch Sử Kim Âu

  23. Oplan 21 Kim Âu

  24. Biệt Kích Gỉa, Biệt Kích Thật Kim Âu

  25. Xuyên Tạc Lịch Sử Kim Âu

  26. Cảm Nghĩ Đầu Xuân (2011)

  27. Những Tên Miệng Hùm Gan Sứa Kim Âu

  28. Loretta Sanchez Không Hề Gian Dối Kim Âu

  29. Ăn Qủa Nhớ Kẻ Trồng Cây Kim Âu

  30. The Secret war against Hanoi Richard H. Shultz Jr.

  31. Lá Thư Tự Thú

  32. Người Tù Kiệt Xuất

  33. Hồi Chuông Báo Tử I

  34. Hồi Chuông Báo Tử II

  35. Hồi Chuông Báo Tử III

  36. Hồi Chuông Báo Tử IV

  37. Thư Trả Lời Mai Nhuệ Anh

  38. Thánh Nhân Vô Phí Vật

  39. Đặc Biệt Cho Nhóm 10%

  40. Phân Định Chính Tà

  41. Phân Ðịnh Chính Tà 1

  42. Phân Ðịnh Chính Tà 2

  43. Phân Ðịnh Chính Tà 3

  44. Hư Danh - Hư Cấu

  45. Kim Âu Trả Lời Phỏng Vấn Hồng Phúc

  46. Hồng Phúc Phỏng Vấn Tourison. Lê Ngung

  47. Sư Thật Về Nguyễn Hữu Luyện

  48. Tri Nhân Tri Diện Bất Tri Tâm

  49. Nguyên Uỷ Một Vụ Kiện

  50. Trả Lời Câu Hỏi Của Một Vi Hữu


 

 

Binh Thư Yếu Lược Trần Quốc Tuấn * Một Trang Lịch Sử

Vietnamese Commandos' History * Vietnamese Commandos vs US Government * Lost Army Commandos

Bill of Compensation * Never forget * Viết Lại Lịch Sử  Video * Secret Army Secret War Video

Đứng Đầu Ngọn Gió Video * Con Người Bất Khuất Video * Dấu Chân Biệt Kích Video * Kiểm Lại Hồ Sơ Biệt Kích Video

The Secret war against Hanoi Richard H. Shultz Jr.* Gulf of Tonkin Incident * Pentagon Bạch Hóa * The heart of a boy

U.S Debt Clock * Wall Street and the Bolshevik Revolution Antony C. Sutton

Wall Street and the Rise of Hitler Antony C. Sutton * None Dare Call It Conspiracy Gary Allen

Chiến Tranh Tiền Tệ (Currency War) * Confessions of an Economic Hit Man John Perkins

The World Order Eustace Mullin * Trăm Việt trên vùng định mệnh * Chính Đề Việt Nam Tùng Phong (dịch)

OSS vào Việt Nam 1945 Dixee R. Bartholomew - Feis * Lyndon Baines Johnson Library Musuem

Chủ Nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn * Nguồn Gốc Dân Tộc Việt Nam Bình Nguyên Lộc

Nghi Thức Ngoại Giao * Lễ Nghi Quân Cách * Sắc lệnh Cờ Vàng * Quốc Tế Cộng Sản

How Does a Bill Become Law? * New World Order * Diplomacy Protocol. PDF

The World Order Eustace Mullin * Why Vietnam? Archimedes L. A. Patti

Vietnam War Document * American Policy in Vietnam

Foreign Relations Vietnam Volum-1 * The Pentagon Papers * Pentagon Papers Archives

Vietnam and Southeast Asia Doc * Vietnam War Bibliogaphy * Công Ước LHQ về Luật Biển

CIA and NGOs * CIA And The Generals * CIA And The House Of Ngo * Global Slavery

Politics of Southeast Asia * Bên Giòng Lịch Sử

Dấu Binh Lửa * Đại Hội Toàn Quân? Phùng Ngọc Sa

Bách Việt  * Lược Sử Thích Ca  * Chủ thuyết Dân Tộc Sinh Tồn

Silenced! The Unsolved Murders of Immigrant Journalists in the USA. Juan Gonzales

Society of Professional Journalists: Code of Ethics download

Douglas Mac Arthur 1962 * Douglas Mac Arthur 1951 * John Hanson, President of the Continental Congress

Phương Pháp Biện Luận * Build your knowledge

To be good writer * Ca Dao -Tục Ngữ * Chùa Bái Đính * Hán Việt

Top 10 Crime Rates  * Lever Act * Espionage Act 1917 * Indochina War * Postdam * Selective Service Act

War Labor Board * War of Industries * War Production Board * WWII Weapon * Supply Enemy * Wold War II * OSS

Richest of The World * Truman Committee   * World Population * World Debt * US Debt Clock *

An Sinh Xã Hội - Cách Tìm IP Email * Public Holiday * Funny National Days

Oil Clock * GlobalResearch * Realworldorder * Thirdworldtraveler * Thrivemovement *Prisonplanet.com *Infowars

Rally protest *Sơ Lược VềThuyền Nhân  *The Vietnamese Population in USA *Lam vs Ngo

VietUni * Funny National Days  * 1DayNotes   

Liên lạc trang chủ

E Mail: kimau48@yahoo.com, kimau48@gmail.com

Cell: 404-593-4036

 

 

 


 

 

Your name:


Your email:


Your comments:


MINH THỊ

LỊCH SỬ ĐÃ CHỨNG MINH, KHÔNG MỘT ĐÁM NGOẠI NHÂN NÀO YÊU THƯƠNG ĐẤT NƯỚC, DÂN TỘC CỦA CHÚNG TA NẾU CHÍNH CHÚNG TA KHÔNG BIẾT YÊU THƯƠNG LẤY ĐẤT NƯỚC VÀ DÂN TỘC CỦA MÌNH. 

DÂN TỘC VIỆT NAM PHẢI TỰ QUYẾT ĐỊNH LẤY VẬN MỆNH CỦA MÌNH CHỨ KHÔNG THỂ VAN NÀI, CẦU XIN ĐƯỢC TRỞ THÀNH QUÂN CỜ PHỤC VỤ CHO LỢI ÍCH CỦA NGOẠI BANG VÀ NHỮNG THẾ LỰC QUỐC TẾ. 

Email: kimau48@yahoo.com or kimau48@gmail.com. Cell: 404-593-4036. Facebook: Kim Âu

 

 

 

 

 

 

.

 

 

 

CNBC .Fox .FoxAtl .OAN .CBS .CNN .VTV

.WhiteHouse .NationalArchives .FedReBank

.Fed Register .Congr Record .History .CBO

.US Gov .CongRecord .C-SPAN .CFR .RedState

.VideosLibrary .NationalPriProject .Verge .Fee

.JudicialWatch .FRUS .WorldTribune .Slate

.Conspiracy .GloPolicy .Energy .CDP .Archive

.AkdartvInvestors .DeepState .ScieceDirect

.NatReview .Hill .Dailly .StateNation .WND

-RealClearPolitics .Zegnet .LawNews .NYPost

.SourceIntel .Intelnews .Reuter .AP .QZ .NewAme

.GloSec .GloIntel .GloResearch .GloPolitics

.Infowar .TownHall .Commieblaster .Examiner

.MediaBFCheck .FactReport .PolitiFact .IDEAL

.MediaCheck .Fact .Snopes .MediaMatters

.Diplomat .News Link .Newsweek .Salon

.OpenSecret .Sunlight .Pol Critique .EpochTim

.N.W.Order .Illuminatti News.GlobalElite

.NewMax .CNS .DailyStorm .F.Policy .Whale

.Observe .Ame Progress .Fai .City .BusInsider 

.Guardian .Political Insider .Law .Media .Above

.SourWatch .Wikileaks .Federalist .Ramussen

.Online Books .Breibart .Interceipt .PRWatch

.AmFreePress .Politico .Atlantic .PBS .WSWS

.N PublicRadio .ForeignTrade .Brookings .WTimes

.FAS .Millenium .Investors .ZeroHedge .DailySign

.Propublica .Inter Investigate .Intelligent Media  

.Russia News .Tass Defense .Russia Militaty

.Scien&Tech .ACLU .Veteran .Gateway. DeepState  

.Open Culture .Syndicate .Capital .Commodity

.DeepStateJournal .Create .Research .XinHua

.Nghiên Cứu QT .NCBiển Đông .Triết Chính Trị

.TVQG1 .TVQG .TVPG .BKVN .TVHoa Sen

.Ca Dao .HVCông Dân .HVNG .DấuHiệuThờiĐại

.BảoTàngLS .NghiênCứuLS .Nhân Quyền

.Thời Đại.Văn Hiến .Sách Hiếm.Hợp Lưu  

.Sức Khỏe .Vatican .Catholic .TS KhoaHọc

.KH.TV .Đại Kỷ Nguyên .Tinh Hoa .Danh Ngôn

.Viễn Đông .Người Việt .Việt Báo .Quán Văn

.TCCS .Việt Thức .Việt List .Việt Mỹ .Xây Dựng

.Phi Dũng .Hoa Vô Ưu .ChúngTa .Eurasia

.NVSeatle .CaliToday .NVR .Phê Bình .Trái Chiều

.Việt Luận .Nam Úc .Người Dân .Buddhism

.Tiền Phong .Xã Luận .VTV .HTV .Trí Thức

.Dân Trí .Tuổi Trẻ .Express .Tấm Gương

.Lao Động .Thanh Niên .Tiền Phong .MTG

.Echo .Sài Gòn .Luật Khoa .Văn Nghệ .SOTT

.ĐCS .Bắc Bộ Phủ .Ng.TDũng .Ba Sàm .CafeVN

.Văn Học .Điện Ảnh .VTC .Cục Lưu Trữ .SoHa

.ST/HTV .Thống Kê .Điều Ngự .VNM .Bình Dân

.Đà Lạt * Vấn Đề * Kẻ Sĩ * Lịch Sử * Diễn Đàn *

.Tác Phẩm * Khào  Cứu * Dịch Thuật * Tự Điển *